Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam

24/11/2023

    Ngày 23/11/2023, tại Hà Nội, Viện Chính sách kinh tế môi trường Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế môi trường tổ chức Hội thảo “Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam”.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Môi trường PGS.TS Trương Mạnh Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Môi trường PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh, các quy định về môi trường là hàng rào lớn trong việc đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu, do đó, thực hiện cam kết về môi trường trong các Hiệp định quốc tế vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng chính là quyền lợi của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó cần có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học giúp Chính phủ nhìn nhận rõ hơn tình hình thực tiễn, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc còn tồn đọng. Thông qua Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu để làm cơ sở cho những đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền làm tốt hơn trong việc thực thi cam kết về môi trường trong các Hiệp định quốc tế nói riêng và EVFTA nói chung.

    Bàn về EVFTA, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT Hoàng Xuân Huy cho rằng, EVFTA đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Số liệu thống kê cho thấy, sau gần 3 năm thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam đã xuất sang châu Âu (EU) khoảng trên 120 tỷ USD hàng hóa. Năm 2021, xuất khẩu sang EU 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD. Từ đầu năm 2023 - 31/7/2023, xuất sang EU đạt 25 tỷ USD. Qua đó, các doanh nghiệp trong nước cũng được hưởng nhiều quyền lợi như: mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng thị phần, giá trị thương hiệu cũng như uy tín của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, dễ dàng tiếp cận và đổi mới công nghệ; thúc đẩy sản xuất bền vững gắn liền với việc BVMT, mở ra nhiều cơ hội để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, về phía quản lý nhà nước, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại quốc tế cũng như là động lực cho việc cải cách và hoàn thiện các chính sách pháp luật về môi trường phù hợp với xu thế quốc tế nhưng bảo đảm hài hòa với các chính sách nội bộ, trong khu vực và toàn cầu; tham khảo và tiếp thu chọn lọc những kinh nghiệm quản lý môi trường tiên tiến; tiếp cận và chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất…

GS. Hoàng Xuân Cơ đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tối đa các lợi ích của EVFTA

    Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam GS. Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng, bên cạnh việc mở rộng thị trường, được hưởng các ưu đãi về thuế quan, việc tham gia vào EVFTA nói riêng và các hiệp ước thương mại nói chung còn góp phần hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu do gia tăng phát thải khí nhà kính, cạn kiệt tài nguyên rừng nguyên sinh và rừng tự nhiên, lạm dụng lao động trẻ em, xâm phạm tài nguyên của quốc gia khác hay cố tình trợ giá để hạ giá sản phẩm nhằm cạnh tranh không lành mạnh… Mặc dù EVFTA mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, tuy nhiên, tuân thủ đầy đủ các cam kết đã khó, việc chứng minh cho việc tuân thủ cam kết cũng không phải điều dễ dàng. Chính vì lẽ đó, Việt Nam cần phải xây dựng kế hoạch, nghiên cứu kỹ các hoạt động chuyên môn có thể làm rõ mức thủ của quốc gia mình. Theo GS. Hoàng Xuân Cơ, để khai thác tối đa những lợi ích khi tham gia EVFTA, Việt Nam cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên để tìm ra các giải pháp có tính khả thi, hiệu quả, bám sát với điều kiện thực tế. Cụ thể, về phía cơ quan nhà nước: Các cơ quan nhà nước cần nắm rõ nội hàm của Hiệp định, các quy định cần tuân thủ để cụ thể hóa thành chủ trương chính sách thực hiện. Xây dựng đội ngũ giám sát đủ mạnh, đồng thời trang bị các phương tiện hiện đại để theo dõi và cảnh báo kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần có mối liên hệ chặt chẽ với bà con nông dân nhằm kiểm soát tối đa việc thực hiện các cam kết về phạm vi đánh bắt, khai thác; cách bảo quản và không thải rác nhựa ra biển…

Quang cảnh Hội thảo

    Bàn về cơ chế điều chỉnh các-bon tại biên giới (CBAM) của EU, Giám đốc Trung tâm WTO-VCCI Nguyễn Thu Trang cho biết, lộ trình của CBAM được chia theo từng giai đoạn với từng mục tiêu chi tiết: Giai đoạn chuyển tiếp (10/2020 - 12/2025), khai báo mức độ phát thải của hàng hóa nhập khẩu; giai đoạn vận hành chính thức (1/2026 - 12/2033), nhà xuất khẩu khai báo và xuất trình chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải ròng vượt hạn ngạch; giai đoạn vận hành đầy đủ (1/2024 trở đi), khai báo và xuất chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải ròng các-bon. Không chỉ dừng lại ở đó, theo Giám đốc Trung tâm WTO-VCCI, CBAM trong tương lai có khả năng sẽ mở rộng danh sách sản phẩm có nguy cơ phát thải cao dựa trên cơ sở kết quả đánh giá việc thực thi CBAM hiện tại (năm 2030). Bởi vậy, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đúng đắn về việc đưa ra các minh chứng về lượng phát thải các-bon khi gia nhập vào thị trường châu Âu…

    Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư, một số biên bản ghi nhớ kèm theo, trong có đó các vấn đề liên quan đến cam kết về môi trường và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, nhiều quy định của EU tác động trực tiếp đến lợi ích thương mại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam như: Quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM)…

Phùng Quyên, Nam Việt

Ý kiến của bạn