Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững

20/09/2024

    Ngày 20/9/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Trung ương, Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và những người đang hoạt động hoặc quan tâm đến lĩnh vực năng lượng; các tổng công ty năng lượng/điện lực và các chủ đầu tư.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VEA cho biết, trong Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn nhiều dự án thuộc ngành điện, dầu khó, than cũng như các tập đoàn, công ty khác đến nay chưa hoàn thành. Nếu không có cơ chế, chính sách đặc biệt, các dự án này sẽ còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển năng lượng và suy giảm an ninh năng lượng. Với ngành dầu khí, thách thức lớn khi các mỏ dầu khí hiện hữu đang bị suy giảm nhanh sản lượng, trong khi công tác khảm sát, thăm dò các mỏ mới gặp nhiều khó khăn. Cùng lúc, PVN đang cần thực hiện các công tác chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhành dầu khí có tiềm năng lớn để phát triển hạ tầng điện gió ngoài khơi, mở ra lĩnh vực mới hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo. Đối với ngành than, công tác khai thác ngày càng khó khăn khi hoạt động khai thác hầm lò ngày càng phải xuống sâu, đi xa, giá thành tăng cao, trong khi vấn đề bảo đản an toàn cho công nhân mỏ luôn đòi hỏi giảm thiểu rủi ro, sự cố...

    Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTG ngày 15/5/2023

    Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm (giai đoạn 2021 - 2030) và khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. Đáng chú ý, quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Vì vậy, rút kinh nghiệp từ việc thực hiện Quy hoạch điện VII, điện VII điều chỉnh bị kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau, các dự án trong Quy hoạch điện VIII cần được tổ chức đấu thầu; cần có cơ quan lập hồ sơ mời thầu gốm có: Tên, địa điểm dự án, vốn đầu tư, năng lực, tiến độ, kinh nghiệm...

    Phó Chủ tịch VEA Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, Hội thảo “Cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để đại diện các tập đoàn nhà nước cũng như tư nhân thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc, rào cản nhằm đảm bảo cung cấp đủ các nguồn năng lượng cho đất nước, tăng cường an ninh năng lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là cơ sở để VEA tổng hợp thành văn bản, kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ngành năng lượng hoàn thành nhiệm vụ và kinh doanh có lợi, đồng thời phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang cảnh Hội thảo

    Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe đại diện VEA, EVN, PVN, Hội Dầu khí Việt Nam, Công ty Enterprize Energy trình bày tham luận về: Giải pháp đảm bảo cung ứng điện và phát triển bền vững; PVN trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo khai thác, cung ứng nhiên liệu - năng lượng - Đề xuất giải pháp; thách thức đối với việc phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII - Đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách; hiện trạng và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo - Khó khăn và giải pháp; Dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind; hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí - LNG và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; dự báo nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2050 và giải pháp đáp ứng... Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề tập trung xoay quanh các nội dung về cơ chế, chosnh sách phù hợp nhằm đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng (dầu khí, than, điện, năng lượng tái tạo) đến năm 2030 và tầm nhìn sau năm 2050. Đồng thời, trao đổi về những thách thức, rào cản, từ đó đề xuất một số giả pháp thích hợp để thực hiện lộ trình chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững trong dài hạn. Với ngành điện, Hội thảo tập trung trao đổi về bài học kinh nghiệm trong triển khai chậm trễ các dự án điện từ các quy hoạch trước (Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh), trên cơ sở đó, kiến nghị giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới.

    Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Hội Dầu khí Việt Nam, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển các dự án điện, nhằm hoàn thành mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp nói chung và các tập đoàn/tổng công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nói riêng, nhất là trong bối cảnh vẫn còn những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, chưa tạo được môi trường thực sự thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện. Do đó, để góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, cần đảm bảo có một khung pháp lý đầy đủ và hệ thống cơ chế chính sách phù hợp, trong đó, cần sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ các Bộ luật (Luật Điện lực, Luật BVMT, Luật Thuế). Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển thị trường điện theo sát với mục tiêu trong Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch điện VIII; cập nhật, sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như PVN, EVN, TKV) theo hướng đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để cam kết thực hiện dự án (trong đó bao gồm các quy định, hướng dẫn về điều kiện thu xếp vốn đối với các dự án không được cấp bảo lãnh Chính phủ về vay vốn, thanh toán) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chủ đẩu tư, nhất là những doanh nghiệp nhà nước có thể huy động vốn cho các dự án lớn. Đồng thời, cần tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nói chung, điện khí LNG, điện khí ngoài khơi nói riêng, tạo điều kiện và cơ sở xây dựng, hoàn thiện chính sách về năng lượng cũng như xây dựng mô hình quản trị đầu tư, vận hành hiệu quả và tối ưu điện khí LNG, điện gió ngoài khơi. Mặc khác, cần thay đổi nhận thức, tư duy về điện khí LNG, điện gió ngoài khơi với cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi...

    Như vậy, với những bài học kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình xây dựng, phát triển, cũng như những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh, tình hình mới đã được nhận diện cùng với những giải pháp, kiến nghị được đề xuất. Đặc biệt là dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành năng lượng nói chung, PVN nói riêng sẽ thực hiện thắng lợi các  mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đã được phê duyệt trong Chiến lược năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện VIII của Thủ tướng Chính phủ.

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn