Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội và khuyến cáo một số giải pháp

04/11/2024

    Hiện nay, ô nhiễm môi trường không khí ở miền Bắc thường xảy ra tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt là khu vực TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thời điểm mùa ô nhiễm không khí xảy ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Theo công bố của cơ quan quan sát chất lượng không khí IQAir, liên tiếp các ngày trong tháng 10, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thậm chí, sáng ngày 7/10/2024, Hà Nội còn phải nhận “danh hiệu” thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm lên tới gần 200 - ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.

    Nguyên nhân phần lớn là do các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT cùng với ảnh hưởng của thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; sự chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí, ảnh hưởng đến khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm, nhất là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Ngoài ra, tình trạng đốt rác thải, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch dễ phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM2.5, PM10, black cacbon, NOX, các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, các khí có thể tích tụ trong khí quyển gây ra tình trạng mưa axit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) và nhiều thành phần khác... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân bản địa và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.

    Một số chuyên gia y tế khuyến cáo, khói rơm rạ được cho là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh liên quan đến hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tích, hen suyễn... Việc đốt rơm rạ và các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp cũng làm phát sinh các khí CO, CO2, SO2, NO2… làm gia tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Rơm rạ khi đốt chưa khô hoàn toàn, tạo thành những đám khói bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống chung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái và mất an toàn giao thông. Việc đốt rơm rạ làm phát sinh nhiều chất độc hại vào môi trường như các khí bụi PM10, PM2.5, BC (các-bon đen, muối than, bồ hóng).

    Theo kết quả quan trắc chất lượng không khí quốc gia do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) thực hiện cho thấy, từ đầu tháng 10/2024, có nhiều thời điểm, nhiều vị trí, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã lên đến 197 - tương ứng với thang màu đỏ. Chỉ số này thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt người già, trẻ nhỏ, người có bệnh về đường hô hấp... Riêng tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí của Thành phố liên tục gia tăng, nhất là khi có sự kết hợp với gió Đông Bắc, sương mù khiến độ ẩm cao, chất lượng không khí tại nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô ở mức có hại cho sức khỏe người dân.

    Cụ thể, từ ngày 4 - 7/10/2024, mức độ nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất, là 119,5 µg/m3. Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí Pam Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí), vào lúc 8 giờ, một số điểm tại Hà Nội ghi nhận chất lượng không khí có hại cho sức khỏe như Chùa Láng, Thành Công (quận Đống Đa), Kim Mã, Đội Cấn (quận Ba Đình)… chỉ số ô nhiễm không khí tại các điểm này thấp nhất là 160, cao nhất 183 có hại cho sức khỏe. Với các chỉ số nêu trên, Hà Nội nằm trong TOP những thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới (xếp hạng theo dữ liệu của trang IQAir).

    Trước vấn nạn ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT giao Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường xây dựng Hệ thống cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố, đô thị lớn trên cả nước theo cách tiếp cận đa mô hình (multi-model) được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng, trong đó có thể dự báo chất lượng không khí ngắn hạn (24 - 48 giờ tiếp theo). Hệ thống này đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Hướng dẫn thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đang được Cục hoàn thiện.

    Về phía Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đã đề nghị các Sở TN&MT nhanh chóng chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông. Khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, nhất là với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h - 7h sáng và 14h - 19h tối. Cùng với đó, yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.

    Đồng thời, khuyến cáo người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà; thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại. Theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web: https://cem.gov.vn, https://enviinfo.cem.gov.vn. Đây là nguồn thông tin chính thống được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thực hiện.

Nam Hưng

Ý kiến của bạn