Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Ao, hồ, đầm Việt Nam nhìn dưới góc nhìn Luật Tài nguyên nước

26/07/2024

    Luật Tài nguyên nước được Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV thông qua ngày ngày 27 tháng 11 năm 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Theo Luật này, có nhiều các dạng tích tụ nước tự nhiên như: sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, không kể đến lượng nước biển mênh mông, bao la không thuộc đối tượng chi phối bởi Luật này. Ở Việt Nam chúng ta, khi nói đến tài nguyên nước thì không thể không nói đến ao, đầm, hồ là những không gian, môi trường, yếu tố gần gũi, gắn bó với đòi sống dân cư, cộng đồng, thậm chí đã góp phần làm nên giá trị văn hoá làng xã đã hình thành và phát triển cả mấy trăm năm qua. Hệ thống các ao, hồ, đầm có những chức năng rất quan trọng trong việc lưu giữ nước, ngoài ra còn có chức năng văn hóa - đời sống hình thành nên các giá trị văn hoá của người Việt. Trước thực trạng ao, hồ, đầm ở nhiều nơi đang bị san lấp trái phép, bị thu hẹp đáng kể về diện tích, bị ô nhiễm nặng nề, nghiêm trọng hiện nay, đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước hiện nay. Do vậy cần có cái nhìn vĩ mô, lâu dài đặt trong mối quan hệ đất và nước, đồng thời có sự nghiên cứu, khảo sát sâu sắc, toàn diện nhất những giải pháp tích cực, hữu hiệu và mạnh mẽ để củng cố, duy trì, thậm chí phục hồi, phát huy tác dụng tích cực của hệ thống ao, hồ, đầm. Đặc biệt phát huy tác dụng vai trò dân chủ của động đồng dân cư, giá trị văn hóa của ao, hồ, đầm trong truyền thống của văn hóa làng xã Việt Nam.

1. Chung quanh những định nghĩa

    Từ xa xưa, nước Việt Nam chúng ta được bồi đắp, hình thành từ những con sông. Chính vì vậy, Đất và Nước luôn gắn bó hữu cơ với nhau và gọi chung là Đất Nước đồng nghĩa với hai từ Tổ quốc thiêng liêng. Chính vì vậy, từ quá trình chuyển biến, vận hành, thay đổi của những con sông, dần dần hình thành nên những cái ao, cái hồ và cái đầm. Đến lượt mình ao, hồ, đầm có mối liên hệ nổi hoặc ngầm với nhau, tạo ra sự gắn bó hữu cơ, liên quan mật thiết với nhau thông qua nước, thậm chí chúng có thể chuyển từ dạng chứa nước này, sang dạng chức nước khác, tuỳ theo nước nhiều hay nước ít. Cho đến nay, trên thế giới, người ta vẫn chưa có định nghĩa phân biệt chính xác, khu biệt rõ ranh giới giữa ao, hồ, đầm. Có lẽ điểm chung lớn nhất của 3 hình thái chứa đựng nước này là: chúng đều nơi chứa và tiêu thoát nước, chủ yếu là ngọt. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học, xuất bản năm 2006 thì: "Ao là chỗ đào sâu xuống đất để giữ nước, nuôi cá, thả bèo, trồng rau...". Hồ thì được định nghĩa là "Nơi đất trũng chứa nước, thường là nước ngọt, tương đối rộng và sâu, nằm trong đất liền". "Đầm là khoảng trũng to và sâu ở giữa đồng để giữ nước". Còn theo người dân quê, phân biệt lớn nhất giữa ao, hồ, đầm phải chăng là ở độ rộng lớn của diện tích, độ sâu của chúng? Chẳng hạn, do nhiều nguyên nhân, quá trình hình thành, ao bao giờ cũng nhỏ hẹp hơn hồ và đầm. Như vậy, sự phân biệt một cách rành rọt, rõ ràng trong các định nữa nói trên cũng có cái khó bởi vì trong thực tế nhiều khi không có ranh giới rõ ràng lắm. Chính vì vậy, người ta còn phân biệt ba loại hình chứa, thoát nước này bằng một số cách khác. Chẳng hạn, có xu hướng phân biệt các loại hình này bằng mức độ ánh sáng chiếu xuống. Ao, đầm là nơi mà ánh sáng có thể soi qua tầng nước xuống tận đáy. Hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được. Lại có xu hướng phân biệt bằng sự tồn tại của các loại thuỷ sinh như: đầm là nơi nước ngập nông, có các loại thực vật thủy sinh có thể sống được tạo thành hệ sinh thái đặc biệt đa dạng, phong phú; ao, hồ thì sâu hơn cho nên các loại thực vật thủy sinh ít tồn tại được. Tuy nhiên, do quá trình tác động của con người, và do hạn hán ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khí hậu hiện nay, nhất là do quá trình lao động, sản xuất của người dân, các loại hình chứa nước này có sự biến đổi, chuyển hoá lẫn nhau thành ra các định nghĩa này dần dần bị lạc hậu, không còn phù hợp. Tình trạng thay đổi theo hướng hẹp dần về diện tích, độ sâu, các loại thuỷ sinh cũng bị mai một, hủy hoại, mất dần, cho nên tiêu chí trên đây ở nhiều nơi không còn ý nghĩa khu biệt 3 loại hình ao, hồ, đầm. Trong tương lai gần, nếu chúng ta không giữ gìn, bảo vệ, quản lý thật sự tốt và nghiêm khắc, hệ thống ao, hồ, đầm ở nước ta sẽ ngày càng mai một, biến mất và chuyển sang các loại hình khác, đặc biệt là đất. Do vậy, việc xác định ao, hồ, đầm có thể thay đổi theo thời gian. Người viết bài này thử đặt vấn đề, đưa ra một vài ý kiến về ao, hồ, đầm dưới góc nhìn của việc thực hiện Luật Tài nguyên nước, coi đây là một lát cắt nhỏ trong cả một khối lượng đồ sộ những vấn đề, nội dung, giải pháp... đặt ra trong quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước.

2. Ao, hồ, đầm ở Việt Nam và những giá trị của chúng

    Giá trị được đề cập ở đây là những thứ quý giá cả về vật chất và tinh thần mà ao, hồ, đầm mang lại cho con người và ngược lại, người dân cũng làm cho ao, hồ, đầm dưới bàn tay khối óc của mình được phong phú, đẹp đẽ, có ích phục vụ đời sống con người. So với hồ, đầm thì ao dường như là xuất hiện muộn hơn cả. Ở mức độ nào đó, thì hầu hết các ao, nhất là ở lưu vực các con sông phần nhiều do con người tạo nên, gắn bó chặt chẽ, lâu dài với đời sống gia đình, cộng đồng dân cư Việt Nam hàng trăm năm về trước. Ao mức độ ít dần, "nhạt" dần về văn hoá theo địa hình địa lý từ Bắc vào Nam. Tại các vùng đất cao thì ao ít tồn tại hơn; ở các vùng ven biển, ở những nơi có những dải đất cao, kết cấu đất không bền vững, dễ thấm nước thì không tiện cho việc đào ao, giữ nước. Ở lưu vực sông Cửu Long thì ao lại càng ít hơn. Ngược lại, ở lưu vực các con sông phía Bắc, ao có mật độ dầy hơn. Nguồn gốc, sự xuất hiện của những cái ao cũng tương đối đa dạng, phong phú, nhưng phổ biến nhất là con người tạo ra trong quá trình "vượt đất" làm gạch, xây nhà, dựng trại... Ở những vùng chiêm trũng, khối lượng đất được vượt lên là rất lớn để làm nền nhà, làm sân, mức độ cao phải không bị ngập chịu được những trận lụt kỷ lục. Cho nên nhà nào cũng có ao, thậm chí có gia đình có những vài ba cái ao là chuyện bình thường. Trước đây, các con ao trong làng xã lại thông nối với hồ, đầm, sông thường được kết nối, tạo nên sự tuần hoàn nước thông thoáng, không có cảnh tù đọng, khép kín. Đã có thời, người ta đánh giá tiêu chuẩn của một người nông dân khá giả là có một hoặc vài cái ao cạnh nhà và nuôi trồng, sản xuất trên ao là có lãi nhất. Bởi vậy mới có câu: "Thứ nhất canh trì, thứ nhì canh viên, thứ ba canh điền". Từ hàng trăm năm trước, người dân Việt đã phát huy tối đa công dụng của ao, đồng thời làm cho cái ao phong phú, sinh động, có ích hơn. Đó là: 1). Nơi lưu giữ và thoát nước chủ yếu, quan trọng cả về mùa mưa lẫn mùa khô; 2). Là "lá phổi" điều hoà không khí, tạo môi trường sống thoáng mát, trong lành; 3). Tạo ra sự đa dạng sinh học trong một diện tích không rộng (cung cấp lương thực, thực phẩm, dưới mặt nước là cá, tôm, cua, lươn, chai, ốc, trên mặt nước là ao rau muống, giàn bầu, mướp, bí, xung quanh bờ ao là cây hoa, cây ăn quả...; 4). Ao là một cái bể bơi vô cùng gần gũi, tiện ích tiện và môi trường vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể và là cảnh quan du lịch; 5). Ao là là nơi "neo đậu" những ký ức tuổi thơ, là "chốn đi về" của người xa quê, tạo cảm hứng sáng tạo, đi vào văn, thơ, nhạc, hoạ, điện ảnh; 6). Ao lưu giữ những giá trị văn hoá tinh thần, góp phần làm nên sức mạnh, vẻ đẹp của làng-xã Việt Nam trong lịch sử cũng như xây dựng nông thôn mới hiện nay. "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo"... Câu thơ trong bài Thu điếu của nhà thơ Nguyễn Khuyến mãi mãi phác hoạ nên bức tranh yên tĩnh, đẹp đẽ của ao làng vùng quê chiêm trũng Việt Nam. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của thời gia và lịch sử, ao làng luôn luôn tồn tại trong tâm thức người Việt, như là một biểu trưng của "hồn quê". Từ những chiếc "ao làng" nhỏ bé vùng quê yên tĩnh, thanh bình, nhiều chàng trai, cô gái đã ra sông lớn, biển rộng, hội nhập với bốn biển của thế giới…

    Khác với ao, thường mang hình thức sở hữu cá nhân là chính, còn các hồ, đầm lớn thường là dấu vết còn lại của các đoạn sông đã đổi dòng hoặc kết quả của một trận vỡ đê, sở hữu chung hoặc nhà nước quản lý. Xuất phát điểm thì hồ và đầm ở nước ta có số lượng lớn, sau ao. Nhưng do quá trình phát triển, hiện nay, hồ có xu hướng ngày càng ít đi, bị thu hẹp. Người ta đã thống kế được các hồ, đầm lớn trên phạm vi toàn quốc. Tính đến năm 2003, Việt Nam có khoảng 3500 hồ chứa có dung tích lớn hơn 0.2 triệu m³, chỉ có 1976 hồ có dung tích lớn hơn 1 triệu m3, chiếm 55,9% với tổng dung tích 24.8 tỷ m³. Trong số hồ trên có 10 hồ do ngành điện quản lý với tổng dung tích 19 tỷ m³. Có 44 tỉnh và thành phố trong 63 tỉnh thành Việt Nam có hồ chứa. Các tỉnh có nhiều hồ lớn nhất là Nghệ An (249 hồ), Hà Tĩnh (166 hồ), Thanh Hóa (123 hồ), Phú Thọ (118 hồ), Đawsk Lắk (116 hồ) và Bình Định (108 hồ)... Trong số 1957 hồ cấp nước tưới do Bộ NN&PTNT quản lý phân theo dung tích có: 79 hồ có dung tích trên 10 triệu m³, 66 hồ có dung tích từ 5 đến 10 triệu m³, 442 hồ có dung tích từ 1 đến 5 triệu m³, 1370 hồ có dung tích từ 1 đến 2 triệu m³. Tổng dung tích các hồ chứa này là 5.8 tỷ m³ nước tưới cho 505.162 ha. Đó là con số tương đối từ cách đây khoảng 20 năm, đến nay, con số này chắc chắn sẽ nhiều thay đổi theo hướng ngày càng hẹp dần, nông đi do san lấp, bồi đắp, ô nhiễm, làm mất chức năng chứa, tiêu thoát nước. Ở TP. Hà Nội, phong trào san lấp, lấn chiếm các hồ nước công cộng diễn ra một cách dồn dập, tinh vi theo kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ", khi thì âm thầm, lúc thì công khai, mạnh mẽ, số lượng hồ ở đây ngày càng ít dần. Chính vì vậy, vào năm 2023 Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội có Quyết định số 1614/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 3.164 hồ, ao, đầm không được san lấp...

    Hệ thống đầm ở nước ta ngày càng ít hơn so với ao, hồ. Ở mỗi vùng, miền, địa phương nước ta hiện nay chỉ đầm nhỏ còn ít và ngày càng bị mai một còn lại ở một số nơi có những đầm lớn (hầu hết là đầm nước ngọt, cũng có một số đầm là nước lợ hoặc nước mặn). Hiện nay ở nước ta có những đầm lớn, nổi tiếng là: Đó là các đầm lớn, nổi tiếng như: đầm Vân Trì (Hà Nội); đầm Vân Long (Ninh Bình); đầm Phá Tam Giang-Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế); đầm Trường Giang (Quảng Nam); đầm An Khê, đầm Nước Mặn (Quảng Ngãi); đầm Trà Ô, đầm Nước Ngọt, đầm Thị Nại (Bình Định); đầm Cù Mông, đầm Ô Loan (Phú Yên); đầm Thủy Triều (Khánh Hòa); đầm Nại (Ninh Thuận); đầm Thị Tưởng (Cà Mau); đầm Đông Hồ (Kiên Giang)…

    Hệ thống các các hồ, đầm ở nước ta có những giá trị vô cùng quý giá mà không phải nước nào cũng có được, kèm theo một số đặc điểm nổi bật sau đây: 1). Có diện tích rộng lớn, là những nơi chứa nước khổng lồ phục vụ tưới tiêu, nuôi trồng thuỷ sản, xây nhà máy thuỷ điện, phục vụ đời sống, mưu sinh của người dân; 2). Đa dạng sinh học, điều hoà không khí, phong phú về cảnh quan, động, thực vật; 3). Diện tích nhiều hồ, đầm nằm trên lãnh thổ của nhiều địa phương, cơ sở, với địa hình đa dạng, phức tạp; 4). Hầu hết các hồ, đầm thuộc sở hữu của nhà nước, có những hồ được giao cho địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư quản lý trực tiếp, khai thác, sử dụng; 5). Các hồ, đầm của nước ta có nhiều tiềm năng rất khổng lồ, to lớn, phong phú, dồi dào về trữ lượng nước, nông-lâm-thuỷ, hải sản, du lịch, sinh thái; 6). Là nơi có nhiều doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sinh sống, khai thác, sử dụng nhưng lại khó khăn cho việc thống nhẩt quản lý, khai thác, bảo vệ diện tích, môi trường, cảnh quan một cách hiệu quả; 6). Nhiều hồ, đầm là di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng, là điểm tham quan, du lịch thu hút rất nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng; 7). Việc quản lý, khai thác, sử dụng chưa được chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả, thậm chí lãnh phí, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hướng xấu, gây hại đến hệ thống hồ, đầm, nhất là việc thực hiện Luật Tài nguyên nước.

Các ao, hồ, đầm có những chức năng rất quan trọng trong việc lưu giữ nước

 

3. Ao, hồ, đầm Việt Nam dưới góc nhìn Luật Tài nguyên nước

    Mở đầu Luật Tài nguyên nước 2023 khẳng định: "Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Với một câu ngắn gọn nói trên nhưng đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề rất nan giải, khó khăn, phức tạp và bất cập trong tình hình hiện nay: "quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra...". Tất nhiên, trong Luật đã đề cập rất đầy đủ, toàn diện các yêu cầu, nội dung, giải pháp, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện Luật Tài nguyên nước. Ở đây chỉ đưa ra một só nội dung, biện pháp mang tính nhấn mạnh và có tính tham khảo trong việc phát huy những giá trị vật chất, tinh thần của ao, hồ, đầm nình dưới góc độ Luật Tài nguyên nước.

    Thứ nhất, về trước mắt cũng như lâu dài, cần có cái nhìn tổng thể, mối liên quan chặt chẽ, ảnh hưởng, chi phối, tác động trực tiếp lần nhau giữa các luật, đặc biệt là Luật Đất đai với Luật Tài nguyên nước; đặt đất và nước trong mối quan hệ, chuyển hoá, tác động, chi phối lẫn nhau trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm và tác động mạnh mẽ biến đổi khí hậu hiện nay ở nước ta.

    Thứ hai, về phương châm và tầm vĩ mô, cần có suy nghĩ "ngược lại" với những gì đang diễn ra hiện nay. Hàng nghìn năm qua, chúng ta có hai tư liệu sản xuất đặc biệt là đất và nước. Chúng ta chỉ có thể phát triền bền vững khi có sự cân đối, hài hoà giữa đất và nước. Trong những năm qua, xu hướng lớn xảy ra là đất ở, đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lấn ất đất chứa nước. Tấc đất được ví với "tấc vàng" cho nên những "dụng cụ" chứa nước khổng lồ ngày càng bị thu hẹp, huỷ hoại, ô nhiễm, không còn tác dụng chứa nước. Do vậy, nếu như ngày nay người ta ví "tất đất, tấc vàng" đã đến lúc chúng ta cần nhận thức lại và hành động theo phương châm "tấc nước, tấc vàng". Bởi vì hiện nay, có lúc, có nơi nước được ví quý như vàng và vừa qua, nước cho sản xuất, đời sống ngày càng trở nên khan hiếm, quý giá "như vàng".

    Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo hành động thống nhất về tính cần thiết, cấp bách vai trò tối quan trọng của vấn đề nước với sản xuất, đời sống hiện nay. Không có vàng, không có đất, con người có thể sống được, nếu thiếu nước trong vòn 24-48 tiếng đồng hồ, con người có thể chết. Luật Tài nguyên nước đã đến lúc thi hành, thực hiện, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ biến, vận động hiện nay còn chưa tới mức độ cần thiết của nó, không thường xuyên, sâu rộng, thiếu sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

    Thứ tư, đất nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa, nắng lắm mưa nhiều, "Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", cho nên rất cần có nhiều "dụng cụ chứa và thoát nước" khổng lồ. "Dụng cụ" đó chính là hệ thống ao, hồ, đầm có vai trò vô cùng quan trọng. Tất nhiên, ao, hồ, đầm có nhiều chức năng, tác dụng khác nhau, nhưng chức năng chính, quan trọng đầu tiên phải là "vật dụng chứa nước" phục vụ sản xuất, đời sống toàn dân, nhất là trong mùa khô hạn. Việc giữ gìn, phục hồi, phát triển, quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả hệ thống ao, hồ, đầm ở nước ta là tối quan trọng và cần thiết hiện nay. Trên cơ sở khảo sát, quy hoạch hệ thống các ao, hồ, đầm, các địa phương cần có biện pháp kiên quyết giữ gìn, quản lý chặt chẽ, bảo vệ những ao, hồ, đầm hiện có. Đồng thời khuyến khích, tuyên truyền, vận động, xã hội hoá, thuyết phục cộng đồng, cá nhân gia đình cải tạo, phục hồi những ao, hồ, đầm đã bị san lấp, ô nhiễm. Nếu như trước đây, chỉ có các tỉnh miền Bắc, miền Trung đào ao giữ nước, sản xuất, kinh doanh thì trước thực trạng xâm nhập mặn, hạn hán như thời gian qua, đã đến lúc các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long phải có phương án đào ao, hồ, đầm làm nơi chứa nước ngọt cho sản xuất, đời sống.

    Thứ năm, cùng với phát huy những giá trị vật chất của ao, hồ, đầm, cần đặc biệt coi trọng việc giữ gìn, quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá, tâm linh, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến ao, hồ, đầm ở các địa phương, cơ sở. Theo truyền thống, thiết chế văn hoá ở đình, chùa, miếu mạo, di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh...thường đi liền, gắn bó chặt chẽ với các giếng nước, ao, hồ, đầm. Dưới góc độ tâm linh, những ao, hồ, đầm thuộc các cơ sở thờ tự thường rất linh thiêng, ít người dám xâm phạm. Do vậy việc kết hợp yếu tố tâm linh với việc thực hiện quy chế, hương ước, quy định, chính sách, pháp luật của nhà nước, địa phương, cộng đồng sẽ là yếu tố có tính quyết định việc bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của ao, hồ, đầm, giếng ở địa phương, cơ sở.

    Thứ sáu, hệ thống ao, hồ, đầm ở các địa phương, cơ sở thường gắn bó chặt chẽ với lợi ích với từng cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, thôn, làng, ấp, bản, cấp chính quyền cơ sở. Cho nên việc bảo vệ, giữ gìn, phục hồi, phát triển, mở rộng hệ thống này phụ thuộc có tính chất quyết định vào người dân, vào cộng đồng dân cư. Do vậy, việc thực hiện Luật Tài nguyên nước, cụ thể là giữ gìn, bảo vệ, phục hồi, phát triển những "dụng cụ chứa nước" khổng lồ ắt phải dựa vào dân, phát huy phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các quy định, hương ước, quy ước về quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển các ao, hồ, đầm, giếng ở tổ dân phố, khu dân cư. Người dân là chủ hưởng thụ từ những ao, hồ, đầm chứa nước. Do đó họ có quyền kiểm tra, giám sát, góp ý, phản biện, lên tiếng phản đối, gây sức ép khi có những biểu hiện hiện tượng san lấp trái phép, hủy hoại, bức tử, làm ô nhiễm môi trường những ao, hồ, đầm chung quanh nơi họ sinh sống. Cấp uỷ đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhất là người đứng đầu, nêu gương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó có Luật Tài nguyên nước.

    Thứ bảy, để Luật Tài nguyên nước đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả, riêng Ngành TN&MT thì không sao thực hiện tốt được. Phải dựa chắc vào các cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, người dân ở địa phương, cơ sở và có sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể này. Chẳng hạn, như trên đã nói, nhiều hồ, đầm rộng lớn của nước ta có diện tích nằm trên nhiều địa phương khác nhau, do nhiều gia đình, cộng đồng dân cư sử dụng, mưu sinh. Do vậy, Bộ TN&MT, các Sở TN&MT ở các tỉnh, phòng Tài nguyên-Môi trường các huyện phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các huyện, thị xã có hồ, đầm để quán lý, kiểm tra, giám sát, xử lý những hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước cũng như các luật liên quan khác.

Vũ Ngọc Lân

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Tài nguyên nước, Công báo/số 41+42 ngày 8/1/2024.

2. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm từ điển học, 2006

3. Bùi Xuân Đính, Bách khoa thư Làng Việt cổ truyền, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022 (4). Tổng cục Du lịch, Non nước Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.

5. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003.

6. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ý kiến của bạn