Thúc đẩy hợp tác quan trắc thủy ngân khu vực châu Á -Thái Bình Dương
15/09/2015
Tại Việt Nam, việc quan trắc thủy ngân trong không khí mới chỉ được thực hiện trong một số chương trình quan trắc đặc biệt và hoạt động nghiên cứu tại một số khu vực. Vì thế, việc tham gia vào Mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương là rất cần thiết đối với Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tồn tại thủy ngân trong không khí, không chỉ từ các nguồn ô nhiễm trong nước, mà còn từ các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới. Đó là những chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng mạng lưới thí điểm quan trắc thủy ngân trong không khí khu vực châu Á - Thái Bình Dương” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 - 12/9/2014.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, cùng với việc tham gia Công ước Minamata về thủy ngân, việc tham gia Mạng lưới thử nghiệm quan trắc thủy ngân khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam có thêm các công cụ pháp lý để thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm thủy ngân trong không khí, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực về quan trắc môi trường nói chung và thủy ngân nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động quan trắc thủy ngân, phát tán thủy ngân trong không khí và ảnh hưởng của các nguồn phát thải thủy ngân tới các nguồn tiếp nhận nhạy cảm. Qua đó nâng cao kiến thức, năng lực cho các đơn vị trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, cũng như khu vực và trên toàn cầu về phương pháp, cách thức và kỹ thuật quan trắc thủy ngân nhằm thúc đẩy công tác kiểm soát ô nhiễm thủy ngân và thực thi Công ước Minamata một cách hiệu quả.
Hương Linh