Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Thái Nguyên áp dụng hiệu quả sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

15/09/2015

     Thái Nguyên là một tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc có nền công nghiệp phát triển.Việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên Thái Nguyên cũng đang phải đối mặt với những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa như lượng khí độc hại, nước thải ra môi trường tương đối cao... Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nhiều biện pháp cải thiện môi trường, áp dụng SXSH trong công nghiệp hướng tới một nền sản xuất xanh.     Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với BVMT, tỉnh đã tập trung triển khai Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH)trong công nghiệp đến năm 2020".      Bên cạnh đó, Thái Nguyên là một trong 5 tỉnh mục tiêu được hỗ trợ về tư vấn và tài chính của Hợp phần SXSH (Chương trình do Bộ Công thương chủ trì được triển khai từ năm 2008, với sự tài trợ của Đan Mạch). Để triển khai hiệu quả Hợp phần SXSH, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành các hoạt động: Hoàn thiện các văn bản, tăng cường kinh phí hàng năm cho SXSH; Tăng cường tư vấn kỹ thuật để giúp doanh nghiệp thực hiện SXSH; Lồng ghép chương trình SXSH vào các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của tỉnh; Đưa các hoạt động SXSH vào giáo dục và nghiên cứu khoa học; Tăng cường nhân rộng dự án trình diễn các hoạt động truyền thông về SXSH; Tổ chức nhiều lớp đào tạo để hoàn thiện, nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật về SXSH. Mặt khác, Sở cũng không ngừng phối hợp với các đơn vị quản lý để tăng cường nhận thức cho lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, qua đó tiến hành các thao tác tiếp theo như thực hiện kiểm toán, đánh giá dòng thải; Lập báo cáo đánh giá và triển khai SXSH với các đơn vị có tiềm năng; Quy hoạch, trích kinh phí thực hiện SXSH; Tăng cường dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu...      Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng tập trung đầu tư SXSH vào các ngành chính như ngành sản xuất giấy, xi măng, luyện kim màu, sản xuất tấm lợp fibro xi măng.     Đối với ngành sản xuất giấy và bột giấy, tỉnh đã đầu tư các giải pháp SXSH (giảm chất thải tại nguồn, cải tiến sản phẩm, tận thu và tái sử dụng chất thải, tạo ra các sản phẩm phụ và tiết kiệm nguyên liệu) với chi phí thấp là 57 triệu đồng, đem lại lợi ích 616 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, ngành sản xuất giấy và bột giấy đã giảm thải 125 tấn CO2/năm; giảm 114.400 m3/nước thải trong năm. Ngành sản xuất xi măng, đã đầu tư 1,54 tỷ đồng cho các giải pháp có thời gian hoàn vốn ngắn, như cải tiến một số công đoạn trong quy trình sản xuất, thay đổi vị trí các động cơ cho phù hợp với phụ tải để giảm tiêu thụ điện, thay thế đèn tín hiệu bằng các đèn công suất thấp… do đó đã đem lại lợi ích 999,5 triệu đồng/năm. Đồng thời, ngành cũng đầu tư 4,94 tỷ đồng cho các giải pháp đầu tư lớn như: Trang bị hệ thống máy móc đóng bao công nghệ mới, với mâm quay 8 vòi tự động, điều chỉnh bằng biến tần, công suất 80 - 120 tấn/giờ, lắp thêm các túi lọc bụi công suất 20.000m3/giờ để thu hút toàn bộ bụi phát sinh… đem lại lợi ích 603,8 triệu đồng/năm, giảm thải được 1509,3 tấn CO2/năm; giảm phát thải 178,5 tấn bụi/năm; tái sử dụng 825 tấn nguyên liệu mà trước đây thải bỏ.       Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên áp dụng các giải pháp SXSH một cách hiệu quả        Tương tự, ngành luyện kim, đầu tư 10,3 tỷ đồng cho các giải pháp đầu tư lớn như xây dựng hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, trạng bị hệ thống máy móc công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng và thu hồi nhiệt, đem lại lợi ích 3,4 tỷ đồng/năm, đã giảm phát thải 3.810 tấn CO2/năm, 3,68 tấn PbO/năm, giảm 31 tấn bụi và 2.552 m3 nước thải/năm. Ngành sản xuất tấm lợp đầu tư 110 triệu đồng cho các biện pháp SXSH, do đó đã tiết kiệm được kinh phí 114 triệu đồng/năm; tiết kiệm nước 59 triệu đồng tương ứng với lượng nước tiêu thụ giảm từ 12.000 m3/tháng xuống còn 7.500 m3/tháng, tiết kiệm 54.000 m3/năm; tiết kiệm điện 55 triệu đồng/năm (giảm mức tiêu thụ điện trung bình từ 186 kWh/ngày tương đương 55.800 kWh/năm)...      Ngoài ra, với 6 dự án điểm được tỉnh triển khai đồng bộ và đầu tư một cách khoa học, từ giai đoạn đầu tham gia Hợp phần SXSH trong công nghiệp, đã thu được những kết quả tiêu biểu như: Tại công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, với Dự án “Thất thoát bột thô trong nước thải xeo”, Công ty đã lắp đặt hệ thống tuyển nổi (kết hợp hai bể lắng) với số vốn đầu tư 701 triệu đồng, tiết kiệm 447 triệu đồng/năm, thu hồi vốn trong vòng 18 tháng, đã giảm mùi bột giấy phân hủy, giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải. Tại nhà máy xi măng Lưu Xá, đã tiến hành giải pháp thay thế hệ thống dập bụi ướt bằng hệ thống lọc bụi tay áo hiệu suất cao. Với giải pháp này, Nhà máy đã giảm phát thải 48 tấn bụi/năm; 352,6 tấn CO2/năm; giảm sử dụng 55.000 m3 nước tuần hoàn... Bên cạnh đó, dự án thay đổi công nghệ mạ bán tự động trên nền nhựa và lắp đặt hệ thống điện phân xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần PLATO; Dự án thay thế dây chuyền đúc thủ công bằng đúc liên tục, thay thế 2 cặp lò nấu tại Công ty Cổ phần công nghệ cao Sao Xanh cũng đã thu được hiệu quả cao.      Đến nay, các dự án SXSH đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhờ tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm nước thải, giảm lượng tiêu thụ điện, giảm nồng độ bụi trong khí thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Từ kết quả của các dự án điểm, Thái Nguyên cần nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, để phát triển công nghiệp xanh.                   Lưu Tuấn Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015    
Ý kiến của bạn