Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Từ một chi tiết nhỏ ở làng quê, nghĩ về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

14/11/2013

     Trong lịch sử làng, xã Việt Nam, “cái bờ rào” là khái niệm phổ biến hơn “bức tường rào”. “Cái bờ rào” là danh từ phản ánh sự tồn tại có ý nghĩa tượng trưng về một số vật liệu, cây cối được sử dụng làm dải phân cách giữa các gia đình với nhau. Thường thì mỗi gia đình ở làng quê Việt Nam đều có chung bờ rào với ít nhất một gia đình trong xóm. Dù giữa hai gia đình là họ hàng thân thiết, hay chỉ là hàng xóm, láng giềng thì người ta vẫn phải dựng lên ở chỗ giáp ranh một cái bờ rào. Chức năng chính của cái bờ rào này không phải là để bảo vệ mà để phân định ranh giới, địa phận giữa nhà nọ với nhà kia. Trừ một số trường hợp đặc biệt, còn về cơ bản, qua thời gian và những biến thiên lịch sử, cái bờ rào ở nông thôn vẫn chỉ là cái vạch ranh giới, nó tồn tại trong ý thức người dân nhiều hơn là ý nghĩa thực tế. Những cái bờ rào như thế thường được sử dụng bằng vật liệu đơn giản như tre, nứa, cành xoan mà cái “mắt cáo” của nó thì nhiều khi con trâu cũng có thể chui lọt. Bờ rào phổ biến nhất thường được sử dụng bằng những hàng cây không có gai như dâm bụt, ngải cứu, cúc tần... thậm chí bằng cái dậu mồng tơi như trong thơ đã Nguyễn Bính miêu tả:

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi

Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”.

     Ngày xưa, nếu ranh giới giữa hai nhà được trồng bằng những vật liệu vững chắc hoặc bằng loại cây có gai thì chắc chắn hai gia đình ấy “có vấn đề” với nhau. Nếu gia đình nào có bờ rào “kín cổng cao tường” và một cái hào sâu thì có nghĩa là gia chủ đó ngầm ý không muốn quan hệ với hàng xóm. Chính vì được xây dựng, cấu tạo đơn sơ như thế nên cái bờ rào ấy có ý nghĩa văn hóa sâu sắc, phản ánh lối sống, cách ứng xử của con người với con người và con người với thiên nhiên qua các thời đại. Cái bờ rào ở làng quê thường là không gian mở, giúp các gia đình giao lưu, trò chuyện, đối thoại với nhau mà không cần phải sang nhà nhau. Cái bờ rào vừa bảo đảm “chủ quyền” về lãnh thổ nhưng lại không quá cách biệt về không gian giao tiếp. Nó vừa đủ kín đáo để hằng ngày mỗi người có thể tự do trên “lãnh địa” của mình nhưng lại không đến nỗi khuất mặt hàng xóm, đồng thời còn tạo không gian xanh mát. Nó là cái cớ cho những cuộc hàn huyên, thăm hỏi nhau một cách không chính thức, là nơi người ta có thể cho và nhận bát canh, củ khoai, bắp ngô, củ sắn… Chính vì thế, cái bờ rào truyền thống của làng xóm Việt Nam chỉ chia mà không ngăn, tạo cảm giác gắn bó, ấm áp, gần gũi đúng như đạo lý sống “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, rằng “không ai nuôi chó một nhà, nuôi gà một vườn”. Và cũng vì thế, như một quy định bất thành văn, người ta không thể tự nhiên, dễ dàng phá đi cái bờ rào đơn sơ để xây lên một bức tường cao, tạo sự che khuất, khép kín.

 

Hàng rào bằng cây xanh góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn

 

     Những năm qua, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, kiên cố hóa, ngói hóa nhà cửa, “cứng hóa” đường làng, ngõ xóm bằng xi măng, sắt thép và đặc biệt là khi con người cá nhân được khẳng định, lấn át con người cộng đồng thì cái bờ rào ở nhiều nơi không còn nữa, thay vào đó là bức tường rào. Người ta xây nhà cửa, lát sân, láng ngõ thì việc xây một bức tường bao quanh vườn trại, làm cổng sắt như là một lẽ đương nhiên của sự phát triển. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, trật tự ở nhiều làng quê còn lộn xộn, hiện tượng mất cắp vặt xảy ra thường xuyên nên nhiều gia đình xây “kín cổng cao tường” trên đó lại cắm mảnh chai, mảnh sành, giăng dây thép gai...

     Cái gì cũng có hai mặt, việc kiên cố hóa, bê tông hóa nhà cửa, đường làng ngõ xóm và cả cái tường rào thì ai cũng rõ, nhưng mặt không tốt trước hết là vào mùa hè, không khí ở làng quê sẽ nóng hơn vì cây cối ít đi. Sự bất tiện từ cái tường rào bằng gạch, xi măng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra, đó là sự gần gũi, thân thiện giữa những người hàng xóm với nhau ít nhiều bị ngăn cách, thậm chí là trở nên cách bức, nhiều khi “gần nhà mà xa ngõ”. Nhiều trường hợp vì nhà ai cũng “kín cổng cao tường” nên trước khi sang nhà hàng xóm phải thăm dò trước xem họ có nhà hay không, hoặc khi sang phái gõ cửa, bấm chuông… nên có việc gì cần thì mới sang nhà nhau, điều này làm cho thông tin giữa các gia đình cũng ít dần. Và nếu nhà thơ Nguyễn Bính có sống lại thì bây giờ ông cũng không thể theo dõi được từng cử chỉ, phán đoán được tâm trạng của cô hàng xóm, như đoạn thơ đầy xúc động trong bài thơ “Cô hàng xóm”.

“Chả bao giờ thấy nàng cười,

Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.

Mắt nàng đăm đắm trông lên...

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!”

     Cái bờ rào trong làng quê Việt Nam là nhân chứng của những thay đổi về ý thức, không gian sống, môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Chỉ cần nhìn vào chức năng của nó cũng có thể biết nhiều về nhân thế. Nó là chỉ số nhạy cảm cho sự thay đổi của bộ mặt và lối sống, cách ứng xử của người dân nông thôn với nhau và với môi trường, sinh thái. Từ chức năng phân định ranh giới, nó chuyển dần sang chức năng an ninh và khu biệt. Khi bờ rào chỉ đơn thuần là bức tường ngăn cách và kiên cố thì tình làng nghĩa xóm cũng thay đối. Những gì trước kia không thể thiếu được trong giao lưu, trao đổi giữa làng xóm thì nay nhiều khi trở thành cản trở, phiền toái. Được ở chỗ ấy và mất cũng là chỗ ấy. Trong nhiều trường hợp, trước kia, ngoài bờ rào là người hàng xóm thân thiện, tốt bụng, gần gũi, còn nay chỉ là “người ở cạnh nhà mình”.

 

Nên chăng chúng ta cần vận động nhân dân duy trì bờ rào

truyền thống thay vì những bờ rào bằng bê tông, gạch đá

 

     Cái bờ rào hay bức tường rào là một chi tiết rất nhỏ trong thiết chế làng xã, cộng đồng ở nông thôn, nhưng với góc nhìn môi trường sinh thái, với khía cạnh văn hóa thì nó có ý nghĩa quan trọng và lâu dài. Song, cái bờ rào không hề có một vị trí, vai trò gì trong 19 tiêu chí mà Chính phủ đề ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Càng không có văn bản nào quy định việc xây dựng cái bờ rào hay bức tường rào ngăn cách giữa các gia đình trong thôn, xóm trong quá trình xây dựng NTM hiện nay. Thế nhưng, thực tế đời sống văn hóa ở nông thôn nước ta hàng nghìn năm qua cho thấy, xung quanh cái bờ rào có rất nhiều chuyện cần bàn và nhiều khi nó lại có ý nghĩa lớn lao, chi phối một số tiêu chí quan trọng khác. Chương trình quốc gia xây dựng NTM là Chương trình lớn và toàn diện, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam trên quy mô cả nước. Theo Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì phải xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; Gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; Môi trường sinh thái được bảo vệ; An ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần đó, NTM có 5 nội dung cơ bản: một là, nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; hai là, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hoá; ba là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bốn là bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển; năm là, xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Để xây dựng nông thôn với 5 nội dung đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM bao gồm 19 tiêu chí. Một xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã đạt đủ 19 tiêu chí theo Quy định của Thủ tướng Chính phủ được chia thành 5 nhóm cụ thể: nhóm tiêu chí về quy hoạch; nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội; nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất; nhóm tiêu chí về về văn hoá - xã hội - môi trường và nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị. Nhóm tiêu chí về môi trường được quy định bới các yếu tố như: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vê sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

     Từ chi tiết nhỏ là cái bờ rào, đến bộ tiêu chí về môi trường dường như không liên quan mấy đến nhau. Người ta không bắt buộc các hộ dân phải xây tường rào bằng vật liệu cứng hay làm tường rào bằng cây xanh. Thế nhưng, chính các chi tiết nhỏ này lại có ý nghĩa lớn lao và bền vững về mặt môi trường, sinh thái. Nếu có điều kiện về các vùng nông thôn, nhất là các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thì chỉ đi lướt qua sẽ thấy nhiều làng, xã đều đạt các tiêu chí về môi trường. Thế nhưng, đi sâu tìm hiểu sẽ phát hiện ra rất nhiều vấn đề tưởng như vụn vặt của cuộc sống liên quan đến môi trường, sinh thái đang được đặt ra, không biết bao giờ khắc phục được. Ví dụ như vấn đề rác thải, túi ni lông. Đi vào các ngóc ngách của làng quê, từng bao tải túi ni lông, chất thải vứt lung tung, gió thổi bay khắp nơi. Nhiều nơi có đội đi thu gom nhưng xử lý không triệt để, gom ở trong làng, đánh đống cuối làng. Những cánh đồng lúa, hoa màu nhìn xa thấy xanh mướt, nhưng đến bờ ruộng, men theo các bờ kênh, mương thì có rất nhiều hộp nhựa, chai lọ, vỏ bao ni lông đựng thuốc trừ sâu dùng xong không được thu gom, xử lý. Nhiều sông đào, kênh mương nội đồng nước trong xanh với nhiều tôm cua, cá, ốc và các loài thủy sinh giờ đây thay bằng sự chết chóc bởi vì thuốc trừ sâu, chất thải hóa chất. Hiện nay, nếu sống ở các thành phố, thị xã lại được nghe đủ tiếng chim hót, còn ở nhiều vùng nông thôn, có chăng cũng chỉ còn mấy chú chim ri, chim sâu là thoát được cảnh săn bắn của thợ săn. Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái đang đặt ra, trong đó quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền giáo dục ý thức BVMT, sinh thái tại nơi mình sinh sống. Điều này không dễ gì đưa vào tiêu chí xây dựng NTM, bởi nó thuộc về văn hóa ứng xử với thiên nhiên, môi trường hay còn được gọi là môi trường nhân văn.

     Trở lại chi tiết nhỏ là cái bờ rào, trong quá trình xây dựng NTM hiện nay thì nên chăng chúng ta cũng cần vận động nhân dân duy trì cái bờ rào truyền thống thay vì những bức tường bằng bê tông, gạch đá? Điều có lợi về nhiều mặt, bởi mục đích của chúng ta không chỉ là xây dựng NTM mà còn xây dựng tình làng nghĩa xóm, đời sống văn hóa ở khu dân cư trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng xã Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, trong đó có truyền thống sống hòa hợp, thân thiện với môi trường.

 

Vũ Ngọc Lân

Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013

         

 

Ý kiến của bạn