Sẽ có Quyết định mới của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ
15/09/2015
Ngày 15/12/2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Công ty CP VN Oil tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và dự thảo Thông tư hướng dẫn. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì.
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng quy định vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan từ quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng đến thải bỏ, thu hồi và xử lý các sản phẩm. Việc này nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm đó được xử lý đảm bảo an toàn đối với môi trường, đây cũng là xu hướng mà các nước trên thế giới đang áp dụng.
“Ngày 23/6/2014, Luật BVMT 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, trong đó Điều 87 cũng quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định; UBND các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổ chức việc thu gom sản phẩm thải bỏ. Do đó, việc rà soát, sửa đổi Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg và Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Quyết định này theo Luật BVMT 2014 là cần thiết và cấp bách” - Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh.
Lãnh đạo Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường đã trình bày về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ và dự thảo Thông tư hướng dẫn. Theo đó, Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Quyết định quy định rõ về danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thu hồi, xử lý; quy trình thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu; trách nhiệm của người tiêu dùng, cơ sở phân phối, cơ sở thu gom, xử lý chất thải và người thu gom; quyền lợi của người tiêu dùng, người thu gom, cơ sở phân phối và cơ sở thu gom, xử lý chất thải. Quyết định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Hiện dầu nhớt thải là chất nguy hại theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường với khả năng gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường tự nhiên như: đất trồng trọt, nguồn nước, cũng như đối với sức khỏe con người. Mỗi năm ước tính hơn 300.000 tấn dầu nhớt được thải ra sau khi sử dụng, tuy nhiên công tác thu hồi và xử lý dầu nhớt thải trong nước hiện nay vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Quyết định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ đối với dầu nhớt thải đi vào hiệu lực sẽ hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng này. Song song với việc BVMT, việc thực hiện triệt để Quyết định cũng giúp tận diệt vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp hàng năm. Công tác thực hiện cũng cần sự phối hợp chạt chẽ và gắn liền với vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh, tái chế dầu nhớt và các chuyên gia môi trường đã chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thực trạng thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ nói chung và dầu nhớt thải nói riêng tại Việt Nam và hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này.
Hội thảo cũng đã nghe ông Nguyễn Hữu Văn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP VN OIL giới thiệu về Nhà máy VN OIL được xây dựng tại KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh). Nhà máy này sử dụng công nghệ bản quyền từ Công ty Chemical Engineering Partner (Hoa Kỳ). Đây là công nghệ cao xử lý tái lọc dầu nhớt thải triệt để, sau đó sản xuất dầu gốc đạt tiêu chuẩn chất lượng cao (tiêu chuẩn API nhóm II của Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ) là nguyên liệu để chế biến dầu nhớt chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu trong nước, hướng đến phát triển bền vững.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, thực hiện thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ tại Việt Nam thời điểm hiện nay sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp môi trường phát triển và tiết kiệm được nguồn tài nguyên vốn hữu hạn; khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công tại các làng nghề đang gây tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đề nghị, trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dầu nhớt chủ động, phối hợp với các cơ sở phân phối, cơ sở thu gom, xử lý dầu nhớt thải và người tiêu dùng xây dựng và triển khai các chương trình cụ thể hơn nữa nhằm thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với cộng đồng và môi trường, qua đó cũng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh bền vững tại Việt Nam; các cơ quan nhà nước trong phạm vị chức năng, nhiệm vụ của mình tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dầu nhớt và tái chế dầu nhớt thực hiện tốt các quy định của pháp luật môi trường tại Việt Nam.
Theo Monre