Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013

15/09/2015

     Ngày 18/9/2014, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia (MTQG) năm 2013. Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến tới dự chủ trì buổi Lễ.      Hàng năm, Bộ TN&MT tiến hành xây dựng Báo cáo MTQG theo từng chuyên đề với các nội dung: Đa dạng sinh học (năm 2005); Môi trường nước 3 lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai năm 2006); Môi trường không khí đô thị (năm 2007); Môi trường làng nghề (năm 2008); Môi trường khu công nghiệp (năm 2009); Tổng quan môi trường Việt Nam (năm 2010); Chất thải rắn (năm 2011); Môi trường nước mặt (năm 20120). Năm 2013, để đánh giá tổng thể về chất lượng môi trường không khí (MTKK), phân tích mối quan hệ và tác động giữa 3 yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường trong phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2008 - 2013, Bộ đã xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia với chủ đề “Môi trường không khí”.   Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến phát biểu tại buổi Lễ        Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh, trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao (bình quân 5,7%/năm), bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó ô nhiễm MTKK tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, trên các tuyến giao thông… đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Báo cáo MTQG năm 2013 đã đưa ra những đánh giá về công tác quản lý, BVMT không khí ở nước ta thời gian qua, những thành công và tồn tại, thách thức. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý MTKK, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra về phát triển bền vững gắn với BVMT đến năm 2020. Qua đó, Thứ trưởng hy vọng, Báo cáo sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nghiên cứu cũng như tất cả những người quan tâm đến công tác BVMT nói chung và BVMT không khí nói riêng.      Báo cáo gồm 6 chương, tập trung nghiên cứu vào các vấn đề: Đặc trưng về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến MTKK; Các nguồn gây ô nhiễm MTKK; Diễn biến, hiện trạng chất lượng không khí tại các khu vực thành thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc; Tác động của ô nhiễm MTKK đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.   Toàn cảnh buổi Lễ        Theo Báo cáo, trong những năm qua, công tác BVMT không khí luôn được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả khả quan, hành lang pháp lý BVMT không khí đã và đang tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về MTKK đã đi vào hoạt động ổn định; Các ngành, lĩnh vực có những hoạt động cụ thể, đem lại những kết quả tích cực trong kiểm soát và BVMT không khí. Tuy nhiên, công tác quản lý MTKK vẫn tồn tại những bất cập như: Thiếu các quy định đặc thù cho MTKK; Tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt, chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với đó là ý thức tuân thủ các quy định về BVMT của các chủ nguồn thải còn kém…      Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT kiến nghị Quốc hội và Chính phủ rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về MTKK; Xây dựng Pháp lệnh về không khí sạch; Hoàn thiện tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý MTKK từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách, nhằm vận động cộng đồng tham gia triển khai các biện pháp BVMT không khí. Bên cạnh đó, kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về MTKK; Sớm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cho từng địa phương; Đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn phát thải khí, quan trắc, kiểm soát MTKK đô thị. Ngoài ra, tăng cường giám sát, kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải khí; Triển khai giám sát ô nhiễm không khí xuyên biên giới; Đẩy mạnh các giải pháp xanh nhằm giảm thiểu lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…        Đánh giá về mức độ ô nhiễm MTKK tại Việt Nam thì ô nhiễm môi trường bụi là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay, so với giai đoạn 2003 - 2007, ô nhiễm bụi chưa được cải thiện. Ô nhiễm tiếng ồn tại các đô thị và khu vực sản xuất cũng là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay và chưa được khắc phục. Trong thời gian gần đây, một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới, trong đó, ô nhiễm bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axit và khói mù quang hóa là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia.      Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh về đường hô hấp được đánh giá là cao nhất do ô nhiễm không khí. Không những thế, ô nhiễm không khí còn gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu tới các hệ sinh thái tự nhiên và là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ bề mặt Trái đất, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai.   Thu Hằng
Ý kiến của bạn