Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Cần tăng cường chính sách hỗ trợ cho các Hợp tác xã dịch vụ môi trường cơ sở tại địa phương

13/10/2013

 

Các nhân viên của HTX DVMT thu gom rác thải góp phần BVMT

Trong những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) dịch vụ môi trường (DVMT) được thành lập, không ít mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường đã thành công. Các HTX góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, huy động sức mạnh và ý thức của người dân trong BVMT. Tuy nhiên, phần lớn các loại hình HTX DVMT ở các địa phương còn phân tán và nhỏ lẻ nên gặp nhiều bất cập trong quá trình hoạt động. Tại Hội nghị Thực hiện chính sách môi trường và phát triển dịch vụ môi trường cơ sở được tổ chức tại TP. Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc do Trung tâm Tư vấn phát triển nông thôn Sông Hồng (Trung tâm) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện, phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Vũ Thị Lợi  - Giám đốc Trung tâm về vấn đề trên.

 

PV: Xin bà cho biết, thực trạng hoạt động của các loại hình HTX DVMT cơ sở trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng?

Bà Vũ Thị Lợi: Trong bối cảnh hiện nay, mô hình HTX DVMT là mô hình hoạt động hiệu quả nhất trong việc quản lý chất thải/rác thải tại nông thôn. Hầu hết, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn đã được thu gom và xử lý tạm thời, góp phần giữ gìn môi trường nông thôn trong sạch. Hiện cả nước có khoảng 274 HTX DVMT, trong đó riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 20 HTX DVMT. Nguồn lực đầu tư của các HTX DVMT chủ yếu là nguồn vốn tự huy động từ các thành viên, với số vốn hàng chục tỷ đồng để mua xe chở rác, trang bị dụng cụ lao động, đầu tư vào các bãi chứa rác, ứng dụng công nghệ tận dụng phế thải để tái chế, sản xuất phân vi sinh… Các HTX này đã góp phần tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn dân cư ở các thị trấn, thị tứ của tỉnh; mỗi năm thu gom hàng trăm nghìn tấn rác thải các loại. Điển hình như HTX Môi trường Duy Tiến (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), được thành lập từ năm 2005, hoạt động có hiệu quả cho đến nay dựa trên tinh thần tự nguyện hiến bãi đất làm nơi chôn lấp rác thải. Ban Quan trị HTX đã vận động các xã viên hiến xe chở rác, hình thành các tổ thu gom rác, mỗi tổ khoảng 5 - 6 người, hàng ngày các tổ tự phân công đến các hộ, thu gom rác, đảm bảo thu gom trên địa bàn với hàng nghìn tấn rác thải được chôn lấp hợp vệ sinh. Không những thế, HTX còn tận dụng để tái chế hàng trăm tấn rác thải thành các sản phẩm dân sinh, vừa tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và giúp HTX tháo gỡ được các khó khăn về tài chính, giải quyết được cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Tuy nhiên,  hoạt động của các HTX DVMT tại các địa phương, mà cụ thể tại Vĩnh Phúc vẫn chưa mang lại hiệu quả cao hiểu hiện ở một số điểm:

Hầu hết, các HTX DVMT ra đời không phải trên tinh thần tự nguyện mà do sự chỉ đạo của UBND xã nên còn phụ thuộc vào chính quyền, chưa có tính độc lập. Các HTX phần lớn là mô hình mới còn thiếu về tài chính và công nghệ, mang tính chất thủ công thu gom, chưa thực hiện được các công đoạn phân loại, chủ yếu xử lý chôn lấp là chính, trong khi đó việc quy hoạch các bãi rác của huyện còn thiếu đồng bộ.

Các kiến thức về BVMT của Ban Quản trị các HTX tuy đã được tham gia các lớp tập huấn về Luật BVMT năm 2005, kỹ năng quản lý điều hành, thị trường, marketing… nhưng thực sự vẫn chưa mang lại hiệu quả cao trong công việc do phương pháp chưa phù hợp, không được hướng dẫn thực hành sau khi tập huấn nên họ chưa áp dụng được.

Nhân viên thu gom của HTX đa số là phụ nữ, người lớn tuổi hoặc người ít có cơ hội làm việc trong các ngành nghề khác và hầu như họ chưa được tập huấn về các kỹ năng bảo vệ sức khỏe và kỹ thuật thu gom, xử lý rác tạm thời nên hoạt động cũng còn rất nhiều hạn chế.

Về phương tiện làm việc, hầu hết các HTX đã trang bị được xe chuyên dụng chở rác, tuy nhiên do địa hình nhiều xã, đường bị sụt lún, phải chuyển sang mua xe ba gác cho phù hợp, quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang cho xã viên thu gom rác chưa được trang bị đầy đủ.

Nguồn tài chính, hiện nay đa số các HTX hoạt động dựa vào nguồn hỗ trợ của tỉnh và phí  DVMT mà người dân đóng góp. Chưa đa đạng được các hoạt động nên nguồn thu hạn chế, lương cho xã viên còn thấp và chưa có các chế độ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội…

 

PV: Hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách gì để khuyến khích các mô hình này phát triển, thưa bà?

Bà Vũ Thị Lợi: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến công tác BVMT như: Luật BVMT năm 2005, thể hiện rõ quan điểm về đầu tư BVMT trong điều 5 “Đa dạng hóa các nguồn vốn BVMT, bố trí các khoản chi riêng cho sự nghiệp môi trường trong ngân sách nhà nước hàng năm; Ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động BVMT…” .

Bện cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 4/6/2010 về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010  - 2020, trong đó có tiêu chí thứ 17 với nội dung về xây dựng các công trình BVMT nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch, gồm: xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ sinh thái trong khu dân cư, phát triển cây xanh ở các công trình công cộng…

Ngày 19/12/2011, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND về Cơ chế hỗ trợ BVMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu đạt các chỉ tiêu chính như sau: 65% rác thải nông nghiệp được xử lý; 47% rãnh thoát nước thải được cải tạo, xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn quy định; 20% khu dân cư nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng về nước thải được xử lý; 65% số hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm biogas; 50% nghĩa trang nhân dân, nghĩa địa được cải tạo, xây dựng mới đạt tiêu chuẩn quy định.

 Để thực hiện mục tiêu trên, ngày 24/5/2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-UBND về thực hiện cơ chế hỗ trợ BVMT, cụ thể: Hỗ trợ tiền công thu gom và xử lý rác thải; mua sắm phương tiện thu gom và xe cơ giới vận chuyển, xử lý rác thải bình quân 200 triệu đồng/xã/năm; Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải khu dân cư, làng nghề không quá 5 tỷ đồng/công trình theo tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ 50% tổng chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải (xử lý bụi, tiếng ồn, khí thải) theo dự án được cấp có thẩm quyền quyền phê duyệt và kinh phí hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/hệ thống xử lý…

Có thể nói, những chính sách trên đã khuyến khích các cơ sở hoạt động dịch vụ BVMT phát triển, việc tuyên truyền kịp thời các văn bản chính sách đến từng người dân, để phổ biến nhân rộng các HTX DVMT hiệu quả là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

PV: Bà có thể đề xuất một số giải pháp để khắc phục những khó khăn của các HTX DVMT hiện nay? Trung tâm Sông Hồng đã và đang có những hoạt động nào để hỗ trợ cho các HTX DVMT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc?

Bà Vũ Thị Lợi: Nên chăng các nhà hoạch định chính sách về môi trường cần bổ sung cơ chế, chính sách cho các HTX DVMT để được đảm nhận một số dịch vụ khác ngoài dịch vụ thu gom rác thải đó là: Xây mới, cải tạo rãnh thoát nước, xây nghĩa trang, dịch vụ xử lý môi trường chợ… để tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo chế độ của những người làm công việc BVMT.

Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho ban lãnh đạo cũng như xã viên, người thu gom về chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường. Đặc biệt cần tăng cường đào tạo kỹ năng quản lý và vận hành cho Ban Quản trị các HTX để họ có đủ năng lực xây dựng kế hoạch chiến lược ngắn hạn và dài hạn cũng như phương án hoạt động phù hợp với tổ chức và địa phương mình. Đồng thời, tăng cường tập huấn những kỹ năng về đảm bảo an toàn lao động trong thu gom, xử lý rác thải cho đội ngũ các xã viên trực tiếp đi thu gom.

 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp dân cư nhằm nâng cao nhận thức về văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến môi trường để thay đổi hành vi của cộng đồng trong công tác BVMT.

Hiện nay, Trung tâm Sông Hồng đang triển khai Dự án“Nâng cao năng lực quản lý vận hành cho các HTX DVMT mới thành lập” trong khôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng về lồng ghép môi trường vào chương trình phát triển xã hội tại Việt Nam - Synergies” với sự tài trợ của Tổ chức phát triển và chuyển giao công nghệ Pháp (GRET) cho 4 HTX DVMT tại các xã (Đại Đình, Bồ Lý , Hoàng Hoa, Duy Phiên thuộc huyện Tam Đảo, Tam Dương). Trong đó, tập trung vào các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành HTX, kỹ năng vận động chính sách, kỹ năng bảo vệ sức khỏe và kỹ thuật xử lý rác tạm thời tại bãi thu gom, thiết lập các đối thoại cấp địa phương giữa chính quyền - HTX - người dân để tạo sự gắn kết, tăng tính đồng thuận nhằm giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động của các HTX DVMT thuộc 20 xã điểm Chương trình nông thôn mới của tỉnh” đang chờ phê duyệt. Đề án được triển khai sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho các HTX phát huy vai trò BVMT, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

PV: Xin cảm ơn bà!

Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013

Ý kiến của bạn