Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 19/11/2024

Các quy định về môi trường trong quản lý quy hoạch chung đô thị của TP. Hồ Chí Minh

15/09/2015

      TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước với mức tăng bình quân từ năm 2011 - 2013 là 9,6%, tổng thu ngân sách năm 2013 đạt trên 764.000 tỷ đồng. Tuy nhiên với áp lực tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng khiến cho vấn đề BVMT là một thách thức lớn với chính quyền TP hiện nay.      UBND TP ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 20/3/2014 quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 (Quyết định số 1340/QĐ-UBND). Quyết định số 1340/QĐ-UBND đã quy định chi tiết các quy định về môi trường trong quản lý kiến trúc quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị và làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ và nội dung quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tất cả các khu vực trong đô thị.      1. Quy định về phát triển hạ tầng xã hội      Đối với hệ thống các khu công viên, cây xanh, không gian mở, mặt nước: Giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu (diện tích khoảng 200 ha); Tận dụng quỹ đất của các cơ cở công nghiệp phải di dời để phát triển thêm diện tích công viên, cây xanh (khoảng 250 ha); Bảo vệ và quản lý tốt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (75.000 ha); rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh (1.500 ha), huyện Củ Chi (2.250 ha); Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè (7.000 ha); Đầu tư để hình thành ba tuyến vành đai sinh thái với không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp bề rộng 2.000 - 3.000 m. Đất dự trữ, trồng cây xanh tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc thuộc khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, phía Nam thuộc huyện Nhà Bè, Cần Giờ và phía Tây thuộc huyện Bình Chánh.      Đối với mạng lưới công nghiệp: Di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành phát triển; trong TP không phát triển các cụm công nghiệp mới và có kế hoạch chuyển đổi các cụm công nghiệp lên khu công nghiệp; Các khu công nghiệp mở rộng và hình thành mới, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông.   Các dự án quản lý đô thị cần tuân thủ tiêu chí đánh giá các thành phần môi trường        Khu vực bảo tồn và cấm xây dựng: Cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích khoảng 33.000 ha) trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh. Các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không làm phá vỡ môi trường sinh thái phù hợp với Quyết định số 5/2008/QĐ-UBND ngày 21/1/2008 của TBND TP về việc ban hành Quy chế quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của TP.      2. Quy định quy hoạch hạ tầng kỹ thuật      Thu gom và xử lý nước thải      Đối với nước thải sinh hoạt: Xây dựng các tuyến cống bao và giếng tách dòng (tại cuối các tuyến cống chính thoát nước chung, trước các miệng xả) để thu gom và đưa nước thải về trạm xử lý tập trung trước khi xả ra môi trường. Các khu vực phát triển mới xây dựng tách riêng hai hệ thống thoát nước mưa và nước thải, nước thải được dẫn về trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Trạm XLNT tập trung cần có nhiều đơn nguyên phù hợp với phân đợt xây dựng, mỗi trạm XLNT đều có hồ chứa nước thải sau xử lý để kiểm soát ô nhiễm và tái sử dụng. Nước thải trước khi xả ra nguồn tiếp nhận phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành.      Đối với nước thải công nghiệp: Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tập trung chịu trách nhiệm thu gom toàn bộ nước thải các cơ sở trong khu công nghiệp và xử lý đạt quy chuẩn quốc gia trước khi xả ra môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất có nước thải ô nhiễm nặng (ngành nghề sản xuất cụ thể: xi mạ, bảo vệ thực vật, thuộc da nhuộm, cao su từ mủ latex ...), cần được xử lý theo hai bước: XLNT cục bộ trong nhà máy và làm sạch nước thải tại trạm XLNT tập trung của khu công nghiệp. Nước thải từ các nhà máy xí nghiệp phân tán phải có công trình XLNT riêng trong nhà máy đạt tiêu chuẩn môi trường. Chất lượng nước thải công nghiệp sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp".      Quản lý chất thải rắn (CTR): CTR được thu gom, phân loại tại nguồn, trên phạm vi toàn TP. Đối với CTR có thể tái chế như kim loại, nhựa cứng, cao su, giấy, carton, túi nhựa… được vận chuyển đến các cơ sở tái chế CTR tập trung ở các khu vực. CTR sinh hoạt không độc hại có khối lượng lớn dùng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đốt thu hồi năng lượng. Chất thải sinh hoạt có hàm lượng hữu cơ cao và phân hầm cầu được tận dụng chế biến thành phân tổng hợp hữu cơ cao bằng công nghệ ủ lên men hoặc công nghệ sinh học. CTR công nghiệp, sau khi phân loại tại nguồn được thu gom và vận chuyển đến khu liên hợp xử lý CTR để xử lý hoặc các nhà máy xử lý chất thải được xử lý bằng các công nghệ như tái chế, đốt và hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp. Chất thải nguy hại được quản lý và xử lý theo các phương pháp phù hợp theo quy định. Đối với CTR nguy hại y tế được thu gom, xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ 850°C đến 1.200°C. Để thống nhất quản lý, chủ các nguồn thải phải ký hợp đồng với các công ty có đủ năng lực thu gom và vận chuyển, xử lý CTR đạt yêu cầu môi trường. Các loại bùn thải từ hệ thống XLNT tại các trạm xử lý khu vực, cục bộ, nhà máy và bùn từ các bể tự hoại sẽ được chuyển đến khu xử lý CTR tập trung của TP hoặc các nhà máy xử lý.      Quy định về môi trường: Các dự án quản lý đô thị khi triển khai cần tuân thủ các tiêu chí đánh giá các thành phần môi trường, bao gồm môi trường đất; môi trường nước; môi trường không khí, tiếng ồn; môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan; xử lý rác thải, nước thải, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện giao thông đô thị, hình thành các hệ sinh thái ven sông. Dựa trên chức năng và tiêu chí BVMT lồng ghép trong 3 khu vực quy hoạch chính của TP là khu nội thành cũ, nội thành phát triển và ngoại thành. Việc phân vùng kiểm soát môi trường được quy định theo từng khu vực chính nêu trên và chia thành 7 vùng:      Vùng bảo tồn hạn chế phát triển bao gồm khu trung tâm TP cũ (Sài Gòn và Chợ Lớn) như quận 1, 3, 4, Bình Thạnh, quận 5, 6,… ; vùng đệm, vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cần Giờ và các vùng di tích văn hóa; Bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan, phục hồi môi trường các sông, rạch ô nhiễm, cải thiện giao thông đô thị, cải thiện các khu nhà lụp xụp.      Vùng cải thiện chất lượng môi trường bao gồm khu vực di dời các cơ sở gây ô nhiễm và phát triển đô thị mới tại các quận ven nội thành cũ như quận 8, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú; Kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị, xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, phục hồi các kênh, rạch, ao, hồ bị ô nhiễm, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cải thiện giao thông đô thị.      Vùng hành lang xanh dọc sông rạch lớn, đặc biệt là sông Sài Gòn: Khoanh vùng đất bảo vệ khu vực dọc sông, phát triển thảm thực vật tại các khu vực dọc theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn để phòng hộ và bảo vệ nguồn nước ngọt và nước ngầm. Nghiêm cấm xây dựng các loại hình công nghiệp độc hại như dệt, nhuộm, giấy, thuộc da; công nghiệp nặng như sắt, thép, công nghiệp sản xuất xe gắn máy, xe ô tô... trong vùng nước ngọt của hai sông này. Dọc theo bờ sông từ biên mặn trở lên, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải và phải bảo đảm khoảng cách ly xây dựng để kiểm soát nước thải và dễ xử lý khi có sự cố. Xử lý rác thải, nước thải, phục hồi môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm, hình thành các hệ sinh thái ven sông Sài Gòn, Đồng Nai và Nhà Bè, điều hòa vi khí hậu, xây dựng các mô hình làng sinh thái.      Vùng kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp bao gồm khu vực nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức), vùng đô thị mở rộng tại các huyện ngoại thành như Hiệp phước, Tây Bắc TP (Củ Chi, Hóc Môn)…; Cải thiện ô nhiễm làng nghề, giảm nhẹ tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tái định cư, kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp.      Vùng phòng hộ môi trường: Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái rừng phòng hộ và thảm xanh hiện hữu tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ. Duy trì và ổn định vùng trồng cây công - nông nghiệp tại Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè.     Vùng bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rừng đặc dụng, đất ngập nước bao gồm vùng lõi (4.721 ha) và một phần vùng đệm (trong số 41.139 ha) của rừng ngập mặn tại Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới Cần Giờ: Bảo vệ cảnh quan sinh thái, bảo vệ khu bảo tồn và đa dạng sinh học.      Vùng kiểm soát môi trường nông thôn, làng nghề (Khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh): Bảo tồn di sản, du lịch sinh thái, kiểm soát ô nhiễm, giảm nhẹ tác động do tái định cư, thay đổi sử dụng đất, tạo việc làm.   Nguyễn Ái Dương Bộ Xây dựng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014    
Ý kiến của bạn