Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 20/11/2024

Biện pháp an toàn PCB tại doanh nghiệp sửa chữa thiết bị điện

06/11/2013

     PCB là chất có độc tính cao, được xếp vào nhóm 2A có khả năng gây ung thư cho con người và  và đang được Cơ quan Quốc tế nghiên cứu Ung thư (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất xếp vào nhóm 1 là nhóm các chất gây ung thư. Người lao động tại các đơn vị sửa chữa và thay thế dầu truyền tải có nguy cơ phơi nhiễm PCB cao. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều loại dầu không rõ nguồn gốc, có nguy cơ chứa PCB. An toàn PCB tại đây không chỉ đơn thuần là việc sử dung bảo hộ lao động cho cá nhân hay phòng tránh rò rỉ, phát thải ra môi trường mà còn liên quan đến phòng tránh lây nhiễm chéo từ nguồn dầu có chứa PCB sang nguồn không chứa PCB, góp phần hạn chế tác động của PCB đến sức khỏe người lao động và BVMT sinh thái và cộng đồng.

     Mặc dù, không sản xuất PCB nhưng Việt Nam đã nhập khẩu và sử dụng hợp chất PCB trong dầu cách điện của các thiết bị điện như máy biến áp, tụ điện, trong dầu công nghiệp như dầu máy thủy lực, dầu tuốc - bin khí và phụ gia cho chất dẻo. Theo ước tính của đợt khảo sát năm 2007 - 2008, Việt Nam có tới 11.800 thiết bị điện nghi nhiễm PCB với tổng lượng dầu chứa PCB lên tới hàng chục nghìn tấn. Điều đáng nói là lượng dầu có PCB tại Việt Nam có thể còn cao hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu do lây nhiễm chéo trong quá trình sử dụng và thải bỏ.

     Theo TS. Phạm Mạnh Hoài - Quản đốc Ban quản lý Dự án PCB, lây nhiễm chéo PCB là quá trình xâm nhập của PCB  từ môi trường có chứa PCB sang môi trường không chứa PCB. Quá trình lây nhiễm chéo thường xảy ra khi có sự pha trộn (do vô tình hoặc cố ý) hay rò rỉ các loại dầu/vật liệu có chứa PCB sang các loại dầu/vật liệu không chứa PCB. Máy biến áp là loại thiết bị chứa  lượng dầu lớn, có khả năng bị lây nhiễm chéo cao do tận dụng lại dầu khi bổ sung, bảo dưỡng máy. Trong quá trình thay dầu, sử dụng chung thiết bị lọc, đường ống, do thiếu hiểu biết, hoặc thực hiện không đúng thao tác kỹ thuật, người lao động có thể làm lây nhiễm PCB từ dầu máy biến áp cũ có chứa PCB sang máy biến áp mới không chứa PCB. Khi xảy ra lây nhiễm chéo, lượng vật liệu và thiết bị nhiễm PCB tăng lên, dẫn đến rủi ro phát thải ra môi trường cao hơn. Trong cả hai trường hợp do vô tình hay cố ý, trách nhiệm của chủ thiết bị và vật liệu  chứa/nhiễm PCB trước và sau lây nhiễm chéo là như nhau. Do đó, các doanh nghiệp có thiết bị và vật liệu chứa PCB phải thực hiện các biện pháp nhận diện, cô lập, phòng tránh rò rỉ, không để lây nhiễm chéo trong quá trình vận hành, sửa chữa và lưu giữ vật liệu, thiết bị chứa PCB.

     Để đảm bảo hệ thống cung cấp điện ổn định và tránh sự cố, việc sửa chữa đại tu máy biến áp là biện pháp chủ động, nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây nên sự cố. Theo ông Đỗ Thanh Bái - chuyên gia của Dự án quản lý PCB, thông thường sau thời gian hoạt động khoảng 5 năm, dầu trong máy biến áp có thể bị suy giảm chất lượng do bị ẩm, bị suy giảm độ cách điện. Lúc này dầu cần được lọc lại để loại bỏ độ ẩm và các chất cặn. Sau khi được lọc thì dầu được bơm lại vào máy biến áp và sử dụng lại. Trong quá trình bảo dưỡng các thiết bị, người lao động phải hết sức cẩn thận không để PCB tiếp xúc với cơ thể,  tránh rò rỉ PCB vào môi trường và đặc biệt là tránh lây nhiễm chéo PCB, phát sinh chi phí quản lý và xử lý sau này.

      Ngoài ra, theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại (CTNH), PCB và vật liệu chứa PCB khi không còn được sử dụng được coi là một loại chất  thải nguy hại (CTNH) đặc biệt. Trong khi chờ ban hành các tài  liệu hướng dẫn và quy định về việc sử  dụng, lưu giữ  PCB  an  toàn , các doanh nghiệp cần tuân theo các yêu cầu kỹ thuật về quản lý PCB như quản lý chất thải nguy hại (CTNH) đã được quy định tại Thông tư trên. Cụ thể là khu vực lưu giữ phải có mái che, đủ cao và dốc để tránh ngập lụt, đủ kín để chống thấm ra môi trường, đủ bền để không bị ăn mòn, phản ứng và đủ thông thoáng để không xảy ra sự cố cháy nổ. Sàn kho có lớp vật liệu chống thấm để không gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm. Thiết bị lưu giữ PCB cần đủ kín để tránh bay hơi, rò rỉ, đủ bền để tránh ăn mòn, thấm, đủ cứng để tránh biến dạng, rách, vỡ, đủ lớn để tránh chảy tràn. Đặc biệt, khu vực và thiết bị lưu giữ PCB phải có đủ dấu hiệu nhận biết và cảnh báo và không được phép chồng các thiết bị hoặc thùng chứa dầu lên nhau.

     Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) là một đơn vị có nỗ lực trong việc quản lý an toàn PCB, trong đó có cả việc phòng ngừa lây nhiễm chéo. Việc sửa chữa, thay dầu truyền tải được các công nhân thực hiện theo đúng quy trình để hạn chế những sự cố có thể xảy ra. Các máy biến áp dầu được kiểm tra rò rỉ và ôxy hóa định kỳ. Đối với các thiết bị hỏng, PC Khánh Hòa có điểm sửa chữa tập trung tại Xí nghiệp Cơ điện Thí nghiệm, thuận tiện cho việc quản lý dầu cách điện hỏng. Dầu cách điện hỏng đã được chứa bảo quản trong Kho quản lý chất thải lỏng nguy hại theo đúng quy định. Đồng thời, PC Khánh Hòa cũng quan tâm phổ biến các văn bản pháp luật về PCB đến các cán bộ công nhân có liên quan, những người trực tiếp tiếp xúc với dầu cách điện có chứa PCB về an toàn nhằm nâng cao ý thức thực hiện đúng các quy trình, đảm bảo an toàn cho cá nhân và ngăn ngừa phát tán PCB ra môi trường.

     PCB là loại hóa chất độc hại, các vật liệu, thiết bị chứa PCB thuộc nhóm hàng hóa nguy hiểm và CTNH đặc biệt và phải được quản lý theo đúng quy định về hóa chất độc hại, hàng hóa nguy hiểm và CTNH. Để phòng tránh lây nhiễm chéo PCB, cũng như tránh rò rỉ, chảy tràn PCB ra môi trường, ngoài việc phải nắm vững các kiến thức về quy trình, thao tác thay dầu, chủ sở hữu thiết bị và vật liệu chứa PCB cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở người lao động thực hiện đúng các quy định về thực hành an toàn PCB trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng và thay dầu truyền tải, bao gồm các biện pháp an toàn cá nhân, các thao tác tránh rò rỉ phát sinh PCB ra môi trường. Ý thức, đạo đức và trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp vì một môi trường không còn PCB, an toàn và lành mạnh.

 

Trường Anh

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

Ý kiến của bạn