Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý chất thải rắn

08/12/2020

     Ngày 1/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (CTR).

     Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, công tác BVMT đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Tại một số địa phương, việc lưu giữ, tập kết, trung chuyển và xử lý CTR sinh hoạt (sau đây gọi là rác thải) chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.

     Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý CTR trên địa bàn; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý CTR, đặc biệt là rác thải còn nhiều bất cập; việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng với tình hình thực tế; việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ dừng ở mức thí điểm tại một số địa phương, chưa được tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình; công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại một số địa phương, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khi quy định về đơn giá xử lý hiện nay chưa thu hút được các nhà đầu tư áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua có sự giao thoa, chồng chéo giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, chưa phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý CTR, đặc biệt là quản lý rác thải.

     Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý CTR hiện nay, đồng thời, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý CTR, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; trường hợp chưa đủ điều kiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần ưu tiên việc đầu tư các cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

     Bộ TN&MT rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý CTR, căn cứ Luật BVMT (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch BVMT quốc gia trong quý I/2022, trong đó, có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý CTR, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.

Cấp bách tăng cường xử lý CTR, đảm bảo vệ sinh môi trường (Ảnh minh họa)

     Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom CTR phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp văn phòng… quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư tập trung nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường.

     Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hằng năm. Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích.

     Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải; Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu BVMT, thực hiện trước năm 2023; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển CTR công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý theo quy định. Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật BVMT (sửa đổi), nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn.

     Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%.

     Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost.

     Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý CTR; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý CTR.

Châu Long

Ý kiến của bạn