Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Thái Nguyên tăng cường bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

07/06/2021

     Thái Nguyên nằm ở vị trí trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc,  có lợi thế về tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 6 KCN, bao gồm: Sông Công I (195 ha), Sông Công II (250 ha), Điềm Thụy (350 ha), Yên Bình (400 ha), Nam Phổ Yên (120 ha), Quyết Thắng (105 ha). Trong đó, có 4 KCN đang hoạt động chính thức (KCN Sông Công I, Yên Bình, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên); 01 KCN đang trong quá trình thi công xây dựng là KCN Sông Công II. Tính đến nay đã có 169 dự án đi vào hoạt động, trong đó: 61 dự án thuộc KCN Sông Công I; 80 dự án thuộc KCN Điềm Thụy; 18 dự án thuộc KCN Yên Bình và 10 dự án thuộc KCN Nam Phổ Yên. Sự phát triển của các KCN đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương nhưng cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

     Hiện trạng môi trường các KCN trên địa bàn

     Tính đến nay, đã có 3 KCN trong số 4 KCN đang hoạt động cơ bản thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn, có trạm quan trắc môi trường tự động (gồm KCN Sông Công I, KCN Yên Bình và Khu A - KCN Điềm Thụy). Chất thải phát sinh trong các KCN được thu gom, phân loại tại nguồn, lưu trữ, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Hầu hết các dự án đầu tư trong KCN đều chấp hành tốt quy định pháp luật về BVMT, như thực hiện đánh giá tác động môi trường, xây dựng các công trình xử lý chất thải, quan trắc kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ và thực hiện thông tin báo cáo theo quy định. 

     Đối với KCN Sông Công I, đây là KCN đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, được hình thành từ năm 1999, với loại hình sản xuất chủ yếu là: luyện thép, cán thép, sản xuất gạch lát nền, may mặc, luyện kim màu (luyện kẽm), sản xuất kết cấu thép, sản xuất linh kiện điện tử… Do các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, vì vậy, các cấp các ngành ở tỉnh đã quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật môi trường, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải đối với các doanh nghiệp trong KCN thông qua các hoạt động kiểm tra định kỳ, lấy mẫu đột xuất, quan trắc môi trường định kỳ theo mạng lưới quan trắc hiện trạng môi trường do UBND tỉnh phê duyệt. Về nước thải, hiện KCN Sông Công I có Trạm XLNT tập trung công suất 2000m3/ngày đêm, với modul sinh học và modul lý hóa lý nhằm xử lý triệt để nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất có chứa kim loại. Theo kết quả quan trắc môi trường năm 2020, các thông số môi trường trong nước thải sau hệ thống xử lý đều nằm trong giới hạn cho phép (đạt cột A - QCVN  40:2011/BTNMT). Rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp của các đơn vị trong KCN Sông Công I phát sinh khoảng 4.232 tấn/năm. Trong đó, rác thải sinh hoạt được Công ty Cổ phần phát triển Hạ tầng thu gom về bãi tập kết rác của Công ty và thuê Hợp tác xã dịch vụ môi trường Phổ Yên thu gom và vận chuyển đi xử lý tại khu xử rác thải của thành phố. Chất thải rắn (CTR)  công nghiệp, một phần được các doanh nghiệp tái sử dụng, phần không tái chế được chuyển giao cho các đơn vị có đủ chức năng thu gom, xử lý. Đối với, chất thải nguy hại (CTNH), được các doanh nghiệp tự thu gom và lưu trữ tạm thời vào khu vực lưu chứa riêng theo quy định tại đơn vị (có biển cảnh báo chất thải nguy hại tại khu vực lưu giữ và đánh dấu mãCTNH) sau đó vận chuyển cho các đơn vị có chức năng xử lý đúng quy định.

     Tại KCN Điềm Thụy (được phân thành 2 khu: A và B), hiện khu A đã có trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung, với công nghệ XLNT tiên tiến, tự động hóa cao, công suất 3000 m3/ ngày, đêm. Nước thải sau xử lý đạt cột A quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT) trước khi xả ra môi trường. Khu B đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, dự kiến sẽ hoàn thành trong Quý III/2021. Số lượng CTR thông thường phát sinh từ các nhà máy khoảng 12.100 tấn/năm, CTNH khoảng 5.500 tấn/năm.

Đoàn kiểm tra của tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác BVMT tại KCN Điềm Thụy

     Còn đối với KCN Yên Bình là KCN có hệ thống  XLNT nước thải tập trung rất hiện đại, gồm 4 modun với tổng công suất 60.000m3/ngày, đã lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Theo kết quả quan trắc, các thông số môi trường sau hệ thống xử lý nước thải luôn nằm trong giới hạn cho phép cột A - QCVN 40:2011/BTNMT. Lượng CTNH phát sinh khoảng 64.800 tấn/năm, CTR thông thường phát sinh trong các nhà máy khoảng 85.638,12 tấn/năm.

     Các KCN còn lại, KCN Sông Công II đang triển khai xây dựng hệ thống XLNT. Đến nay, Dự án KCN Sông Công II đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng được 210ha/250ha (đạt 84% tổng diện tích). Trong đó, 136ha đã được san nền và xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù, chưa hoàn thiện hạ tầng, song KCN Sông Công II đã thu hút được 10 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 7 dự án FDI và 3 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký trên 650 triệu USD và trên 250 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%. KCN Nam Phổ Yên đã có đề xuất triển khai và tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung trong thời gian tới.

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT các KCN

      Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng thực tế cho thấy, công tác BVMT tại các KCN vẫn còn khó khăn, tiềm ẩn gây ô nhiễm cao nếu không được kiểm soát thường xuyên, chặt chẽ. Hiện còn 2/6 KCN đã hoạt động nhưng chưa hoàn thiện trạm XLNT tập trung (KCN Nam Phổ Yên và Khu B - KCN Điềm Thụy) do gặp khó khăn trong vấn đề vốn và giải phóng mặt bằng; vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp trong KCN chưa nghiêm túc duy trì vận hành thường xuyên hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân như các nhà máy luyện kim, đúc chi tiết trong KCN Sông Công I.

     Để tăng cường công tác BVMT các KCN, Sở TN&MT Thái Nguyên đã thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, kịp thời phát hiện những hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể:

     Sở TN&MT Thái Nguyên và Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với 163 lượt doanh nghiệp (DN) về công tác BVMT, tạm đình chỉ một số DN và yêu cầu các DN này khẩn trương khắc phục các vi phạm tồn tại trong lĩnh vực này. Điển hình một số doanh nghiệp đã khắc phục như: Công ty CP Nhật Anh đã đầu tư 300 triệu đồng để duy tu, cải tạo hệ thống BVMT. Đến tháng 4/2020, Công ty đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải trị giá 3 tỷ đồng. Mới đây, Nhà máy Thép Trường Sơn sau khi được Sở TN&MT kiểm tra, chấn chỉnh đã tích cực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về môi trường và đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải…

     Từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức kiểm tra, lấy mẫu đột xuất tại 9 đơn vị kiến nghị xử phạt 3 đơn vị với tổng số tiền 470 triệu đồng và có văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm chỉnh việc kiểm soát ô nhiễm. Từ tháng 1/2020, Sở TN&MT Thái Nguyên tiếp tục tổ chức lấy mẫu khí thải đột xuất tại các doanh nghiệp này. Kết quả kiểm tra và kết quả phân tích mẫu khí cho thấy, phần lớn các đơn vị luyện kim trong KCN Sông Công I và Công ty Shinwon đã có quan tâm đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý khói bụi, khí thải ra môi trường tại thời điểm kiểm tra đạt tiêu chuẩn cho phép.

      Để đảm bảo các yêu cầu về BVMT trong các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới, Sở TN&MT Thái Nguyên sẽ phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường các dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động xả thải trong các KCN, lấy mẫu đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu xả thải trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường; công bố công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấm hoạt động hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở tái phạm nhiều lần hành vi vi phạm về môi trường. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải như Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm không khí; tăng cường quản lý CTR; giảm thiểu phát thải rác thải nhựa; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về  BVMT với các nội dung yêu cầu như: Hạn chế thu hút đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất lạc, phát thải lớn; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ thân thiện với môi trường, có công nghệ xử lý chất thải hiện đại; đẩy mạnh công tác truyền thông về BVMT; gắn tiêu chí về BVMT vào các tiêu chí bình xét thi đua cuối năm đối với các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân… Kết hợp nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ môi trường, phát triển kinh tế môi trường; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển, Quỹ BVMT.

Châu Loan - Phùng Thị Minh Trang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

 

 

 

Ý kiến của bạn