Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Tăng cường quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội

15/04/2021

     UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 946/UBND-ĐT ngày 1/4/2021 về công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP.

     Công văn nêu rõ, UBND TP thống nhất với nội dung báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội về công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP. Về cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy việc xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng, Sở Xây dựng tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng về việc ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với việc sử dụng vật liệu tái chế từ kết quả xử lý chất thải rắn xây dựng làm vật liệu cấp phối hoặc san nền; phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội và các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện các quy định về BVMT trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP.

Ảnh minh họa

     Đối với việc thực hiện phát triển các vị trí xử lý chất thải rắn xây dựng, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, khẩn trương tìm vị trí, tổ chức triển khai các trạm trung chuyển tạm thời, vị trí xử lý tái chế, chôn lấp chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu xử lý của địa phương và các khu vực lân cận trong giai đoạn trước mắt.

     Cùng với việc cho ý kiến cụ thể về vị trí tiếp nhận chất thải rắn xây dựng, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn theo phân cấp quản lý; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn xây dựng vi phạm trên địa bàn.

     UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển, xử lý đối với khối lượng chất thải rắn xây dựng đổ chưa đúng nơi quy định trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng, trộn lẫn chất thải rắn xây dựng vào rác thải sinh hoạt; xe vận chuyển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

     Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chịu trách nhiệm nghiên cứu, trình UBND TP dự thảo hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật trong đó việc phân cấp đầu tư, quản lý sau đầu tư hoặc cải tạo, nâng cấp các trạm trung chuyển, xử lý tái chế, chôn lấp chất chất thải rắn xây dựng phục vụ nội huyện, giao UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện.

     Các sở: Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, TN&MT, Tài chính, NN&PTNT, Giao thông Vận tải theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn các nội dung liên quan đến quy hoạch, xác định vị trí, giao thông, các thủ tục đầu tư, đáp ứng yêu cầu về môi trường, giá dịch vụ xử lý, các yêu cầu về hành lang thoát lũ (đối với vị trí ngoài đê) và các nội dung liên quan khác.

     UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức vận chuyển, xử lý đối với khối lượng chất thải rắn xây dựng đổ chưa đúng nơi quy định trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng, trộn lẫn chất thải rắn xây dựng vào rác thải sinh hoạt; xe vận chuyển gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Trần Tân

     Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn ước tính khoảng 2.500 - 3.000 tấn, trong khi đó, các bãi tập kết chung của TP đã lấp đầy. Ngoài ra, các chủ nguồn thải chưa tuân thủ các quy định về BVMT; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên...

     Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai một số biện pháp, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường vẫn xuất hiện những đống phế thải vô chủ, cho thấy việc ngăn chặn nạn đổ trộm rác thải vẫn chưa thật sự hiệu quả. Thực trạng này cần tiếp tục được quan tâm xử lý để bộ mặt đô thị của Thủ đô được sạch đẹp.

 

 

Ý kiến của bạn