Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

06/07/2021

     Ngày 24/5/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2021. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP là cần thiết, nhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý trong thời gian Luật BVMT năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có hiệu lực (đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2022).

     Yêu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 xuất phát từ việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; do đó cần thiết phải có quy định chế tài hành chính để xử lý trong trường hợp vi phạm. Hiện nay, các đoàn thanh tra đang vướng mắc trong việc đi thanh tra phát hiện các cơ sở không chấp hành các quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nhưng không có căn cứ để xử phạt, dẫn tới giảm hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, năm 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua, trong đó đã sửa đổi khá căn bản các quy định về tội phạm môi trường. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP nhằm tạo sự đồng bộ trong các quy định về xử lý hành chính và xử lý hình sự về các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nêu trên. Ngoài ra, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP sau một thời gian thi hành đã ghi nhận một số vướng mắc cần kịp thời khắc phục, sửa đổi.

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng

công an nhân dân để kịp thời phát hiện các hành vi xả chất thải không qua xử lý ra môi trường

     Xuất phát từ sự cần thiết nêu trên, Bộ TN&MT đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và trình Chính phủ xem xét, ban hành từ cuối năm 2019. Quá trình sửa đổi Nghị định, Bộ TN&MT cũng đã lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương và người dân, trong đó đã tiếp thu đa số ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành. Nghị định đã chỉnh sửa, bổ sung 37 Điều và 1 Phụ lục của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, bao gồm một số nội dung chính như:

     Thứ nhất, Nghị định cập nhật, bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm quy định mới của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP như vi phạm về hồ sơ, thủ tục môi trường liên quan đến kế hoạch BVMT, đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, quan trắc, giám sát môi trường, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…; đồng thời bãi bỏ những quy định không còn phù hợp.

     Thứ hai, Nghị định đã rà soát để đảm bảo đồng bộ với Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi xả nước thải, khí thải ra môi trường...

     Thứ ba, đã khắc phục một số vướng mắc trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Rất nhiều các quy định mang tính nguyên tắc tại Nghị định đã được sửa đổi, bổ sung, làm rõ để thống nhất cách hiểu, cách áp dụng, thuận tiện trong việc áp dụng. Trong đó, Nghị định đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đình chỉ hoạt động do vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở công ích như bệnh viện, cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt… Trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính, ngoài các biện pháp xử phạt chính là phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm cơ sở có thể bị xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thực tế, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở hoạt động công ích như bệnh viện, cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt…là rất khó khăn vì đây là các hoạt động thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh, xã hội của người dân. Đình chỉ hoạt động bệnh viện do vi phạm về BVMT sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; đình chỉ hoạt động của cơ sở xử lý rác sẽ dẫn tới việc rác thải ùn ứ, không được thu gom, xử lý dẫn tới mất mĩ quan đô thị và thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Do đó, Nghị định đã quy định việc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động đối nhóm đối tượng này theo hướng không áp dụng đình chỉ hoạt động trong trường hợp hành vi vi phạm của cơ sở không gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở đã chấm dứt hành vi vi phạm hoặc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm do hành vi hành chính gây ra.

     Ngoài ra, tại Nghị định cũng sửa đổi các hành vi vi phạm quy định vệ sinh nơi công cộng. Mức phạt tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP đối với nhóm hành vi này trước đây chưa phù hợp với một bộ phận thu nhập của người dân, kéo theo trình tự, thủ tục để xử phạt các hành vi theo thẩm quyền rất phức tạp. Ví dụ, để xử phạt đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố được lực lượng chức năng bắt quả tang tại chỗ thì phải chuyển đến trưởng công an cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện trở lên để ra quyết định xử phạt. Điều đó không khả thi và rất ít trường hợp được xử lý. Do đó, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã sửa đổi các hành vi này theo hướng giảm mức tiền phạt, đưa mức phạt tiền đối với các hành vi phù hợp với thẩm quyền xử phạt của chiến sỹ công an (mức phạt tối đa với cá nhân là 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (mức phạt tối đa với cá nhân là 2.500.000 đồng). Với việc giảm mức tiền phạt, một số hành vi như vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản. Việc giảm mức phạt này để đảm bảo tính khả thi với số đông người dân, đồng thời đơn giản hóa trình tự thủ tục xử phạt bằng hình thức phạt tại chỗ. Từ đó sẽ đưa các chế tài xử lý các hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

     Bên cạnh đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung đối với nội dung phân định thẩm quyền xử phạt đối với các lực lượng theo nguyên tắc lực lượng được giao quyền xử phạt phải vừa có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt chính, biện pháp xử phạt bổ sung, đồng thời phải có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi đó. Trong đó, Nghị định đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng công an nhân dân để kịp thời phát hiện các hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, nhằm phát huy tối đa ưu thế về lực lượng và nghiệp vụ của lực công an nhân dân; đã bổ sung thẩm quyền xử phạt đối với lực lượng bộ đội biên phòng đê xử phạt đối với các vi phạm về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, về bảo vệ môi trường biển để tăng cường lực lượng có thẩm quyền khi phát hiện vi phạm tại khu vực biên giới và trên các vùng biển, đảo, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.

     Một số nội dung khác tại Nghị định được chỉnh sửa, bổ sung nhằm phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và đảm bảo nguyên tắc thống nhất, không trùng lắp các hành vi vi phạm với các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan; chỉ sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính cấp thiết, không thay đổi cấu trúc, mức xử phạt đảm bảo tính ổn định của Nghị định.

     Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT.

Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn An Thủy

Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2021)

 

Ý kiến của bạn