Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng đến sự phát triển bền vững năng lượng Việt Nam

05/01/2021

    Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 - NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn Chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần BVMT sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại…". Như vậy có thể thấy rằng, Nghị quyết số 55-NQ/TW định hình một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của ngành năng lượng Việt Nam, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) là một trong những nhân tố then chốt trong Chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.

SDNLTK&HQ, trụ cột mới của Chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng

    Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Ở khía cạnh kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín nghiên cứu về an ninh năng lượng cho rằng, việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho SDNLTK&HQ mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư từ 3 đến 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung. Ở khía cạnh bảo tồn tài nguyên năng lượng, cho dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015. Từ đây có thể thấy, bên cạnh việc khai thác, mở rộng nguồn cung năng lượng, bao gồm cả việc phát triển các nguồn cung mới ngoài lãnh thổ, việc SDNLTK&HQ, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, tối ưu hóa chất lượng sử dụng năng lượng của nền kinh tế đã được Đảng và Nhà nước nhận định từ rất sớm và chuyển hóa yêu cầu SDNLTK&HQ vào cuộc sống thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống chính sách, luật pháp phù hợp.

    Ở phạm vi quốc gia, các hoạt động cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã được thống nhất hóa trong khung hành động tổng thể thông qua Chương trình mục tiêu về SDNLTK&HQ, được tổ chức triển khai liên tục trong 10 năm (2006 - 2015). Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu này cho thấy, Việt Nam đã thu nhận những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Chúng ta đã ban hành và tổ chức triển khai Luật SDNLTK&HQ (năm 2011) và các văn bản dưới Luật gồm các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Mặc dù việc hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về SDNLTK&HQ cần tiếp tục phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước trong giai đoạn mới nhưng có thể thấy rằng, việc nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm điều tiết hoạt động xã hội theo hướng trách nhiệm với tài nguyên năng lượng của đất nước. Các tổ chức quốc tế uy tín đồng hành cùng sự phát triển ngành năng lượng của Việt Nam đánh giá rất cao kết quả này. Các đánh giá khách quan cũng chỉ ra rằng, khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE - tons of oil equivalent) tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện đã được tiết kiệm so với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển KT-XH nếu không thực hiện Chương trình mục tiêu này. Điều đáng nói, hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình không chỉ dừng lại trong thời gian tổ chức thực hiện Chương trình mà còn tiếp tục phát huy nhiều năm tiếp theo, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của cả nước.

Kỳ vọng đột phá về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng của Việt Nam

    Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019-2030 tại Quyết định số 280/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình quốc gia). Như vậy, kể từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ (2006-2015), sau 4 năm, Việt Nam đã có kế hoạch tổng thể tầm quốc gia về SDNLTK&HQ cũng như bảo tồn tài nguyên năng lượng. Chương trình quốc gia đặt ra hai mục tiêu quan trọng đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành/lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mục tiêu đầu tiên của Chương trình quốc gia là tiết kiệm từ 8 -10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Mục tiêu này được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2019 -2025 với yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5 -7% tổng năng lượng yêu cầu cho phát triển đất nước trong giai đoạn; Giai đoạn 2026 - 2030 với yêu cầu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Với mục tiêu này, nếu hoàn thành, chúng ta có thể tiết kiệm đươc khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp đã tiêu thụ của cả nước vào năm 2014. Mục tiêu thứ hai của Chương trình quốc gia là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm. Đây là mục tiêu hướng tới xây dựng con người, xã hội Việt Nam có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen của người Việt Nam về SDNLTK&HQ. Nói cách khác, với mục tiêu này, Chương trình quốc gia định hướng lối sống văn minh, hiện đại, trách nhiệm và có văn hóa về sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên năng lượng.

    Thực hiện các mục tiêu trên, 3 giải pháp nền tảng mà Việt Nam cần phải kiên trì áp dụng. (i) Việt Nam phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng. (ii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố SDNLTK&HQ, tiết kiệm điện. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp. (iii) Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ vào chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, cải thiện nhận thức của cá nhân, cộng đồng về tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ phải gắn chặt với việc phát triển con người Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.

    Từ các giải pháp nền tảng trên, Chương trình quốc gia đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm thống nhất, hiệu quả hóa, tận dụng tối đa mọi nguồn lực, tiến tới xã hội hóa việc thực hiện hoạt động SDNLTK&HQ trên phạm vi cả nước.

Đối với công tác pháp quy: Rà soát, đánh giá và lên kế hoạch điều chỉnh bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ. Tập trung việc xây dụng lộ trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện cho các ngành, tiểu ngành, đảm bảo 100% các ngành, tiểu ngành sẽ có kế hoạch xây dụng định mức tiêu hao năng lượng/điện. Rà soát, lên kế hoạch việc thực hiện điều chỉnh các nội dung liên quan đến sử phạt vi phạm về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với công tác pháp chế: Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt đối với các ngành/tiểu ngành đã có quy định về định mức tiêu hao năng lượng, tiêu hao điện năng.

Đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Điều chỉnh, bổ sung và ban hành giáo trình, tài liệu học tập, đào tạo về kiểm toán năng lượng, người quản lý năng lượng, đảm bảo bắt kịp thay đổi thực tiễn trong kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng tại các cơ sở sở sản xuất, kinh doanh. Lập kế hoạch xây dựng và chuẩn bị đầu tư các trung tâm đào tạo về SDNLTK&HQ. Xây dựng mạng lưới đào tạo nhân sự về kiểm toán năng lượng và người quản lý năng lượng gồm các cơ sở đào tạo tại các địa phương, các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, viện nghiên cứu liên quan. Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho các ngân hàng thương mại có hoạt động tín dụng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp công nghệ, thay thế trang thiết bị, máy móc: Triển khai nhanh, hiệu quả các dự án tín dụng quốc tế thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Lập danh mục công nghệ, trang thiết sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với một số ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao.

Đối với công tác đổi mới sáng tạo trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: lập kế hoạch tài trợ hoặc tài trợ một phần đối với các nghiên cứu ứng dụng, triển khai các giải pháp hữu ích về SDNLTK&HQ.

Đối với công tác cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng SDNLTK&HQ: Phối hợp và lồng ghép mục tiêu sử dụng điện, SDNLTK&HQ vào Đề án tới cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ giai đoạn 2021-2025.

Đối với công tác tuyên truyền, đào tạo, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Xây dựng kế hoạch, nội dung và triển khai từng phần nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục để cải thiện hành vi của cá nhân, tập thể về tiết kiệm điện, SDNLTK&HQ theo các nhóm đối tượng: với công chức, viên chức, nhân viên văn phòng; với người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh; với học sinh, sinh viên; với nông dân...

Đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế: Xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về SDNLTK&HQ cho giai đoạn 2020 - 2025 theo hướng tập trung các hỗ trợ tài chính cho đổi mới, cải tạo công nghệ, kỹ thuật trong các ngành/lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao, tính cạnh tranh yếu. Hoàn thiện và đưa vào triển khai các dự án hợp tác quốc tế về SDNLTK&HQ.

Trần Thị Hường

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)

Ý kiến của bạn