Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Những điểm mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

18/11/2021

    Luật BVMT số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT, đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Trong đó đặt ra mục tiêu và quan điểm rõ ràng như: Các yêu cầu BVMT phải ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường; Lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; Tăng cường công bố, công khai thông tin về môi trường…

    Quy định về phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTRSH trong Luật

    Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là một nội dung quan trọng được quy định trong Luật BVMT năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Khác với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT năm 2020 đã quy định cụ thể về quản lý CTRSH, gồm 6 điều với các nội dung: Phân loại, lưu giữ, chuyển giao;  Điểm tập kết, trạm trung chuyển; Thu gom, vận chuyển; Xử lý CTRSH; Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; Xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp. Các quy định này định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTRSH phát sinh tại nguồn, đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTRSH. 

    Trước thực trạng tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Điều 136, Luật BVMT năm 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên “khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường…”, thay vì việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Theo đó, Luật BVMT năm 2020 quy định, CTRSH phải được chia làm ba loại: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác (Điều 75). Mô hình và cơ chế quản lý này đã được chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt, việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác cũng được các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc…  áp dụng khá thành công. Theo đó, đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại rồi lưu giữ vào bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… Đối với hộ gia đình, cá nhân ở khu vực nông thôn phát sinh CTRSH, sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam (Điều 61); CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn

    UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Theo đó, CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Đối với các loại CTR khác thì phải được chứa đựng trong bao bì do UBND quy định để được thu gom, tái chế. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải thực phẩm nếu không được phân loại thì phải chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với CTRSH khác. Như vậy, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định.

    Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH và công bố rộng rãi. Đồng thời, có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của CTRSH khác theo quy định. Ngoài ra, các đơn vị này phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại CTRSH đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT.

    Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan

    Các quy định về CTRSH trong Luật BVMT năm 2020 định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu CTRSH phát sinh tại nguồn, đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND các cấp, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc quản lý CTRSH, cụ thể:

    Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý CTRSH; Hướng dẫn mô hình xử lý CTRSH tại đô thị và nông thôn; Hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; Quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH; Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại để tính.

    UBND cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; Quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Quy định hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Cùng với đó, thực hiện giao đất kịp thời để triển khai xây dựng, vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; Bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.

Thu gom CTRSH tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh

    Một điểm mới trong Luật BVMT năm 2020 là không khuyến khích cơ sở xử lý CTRSH có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu trên địa bàn cấp xã; Không khuyến khích sử dụng công nghệ chôn lấp CTRSH, trừ trường hợp đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý CTRSH, nhằm thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTRSH hiện nay, nhất là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý CTRSH với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Đặc biệt, Luật đã đưa ra quy định cụ thể nội dung về cải tạo, phục hồi môi trường đối với bãi chôn lấp CTRSH. Để thực hiện việc này, Dự thảo Luật quy định chủ đầu tư, chủ xử lý CTRSH có trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

    Để cụ thể hóa những điều quy định trong Luật, Bộ TN&MT đã xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật BVMT năm 2020, trong đó, hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; Quy định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; Kỹ thuật về phân loại CTRSH; Việc thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải; Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH, mô hình xử lý CTRSH đô thị và nông thôn; Đóng bãi chôn lấp CTRSH sau khi kết thúc hoạt động...

Bảo Bình

Ý kiến của bạn