Banner trang chủ

Quảng Nam ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

10/10/2022

    Thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2020, ngày 3/10/2022, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2625/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025. Theo kế hoạch này, với quan điểm coi chất thải rắn phát sinh là tài nguyên, tỉnh xác định sẽ tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ.

    Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa. Theo đó, 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn. Đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt  được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.

    Chất thải rắn sinh hoạt  sau khi được phân loại sẽ được thu gom, vận chuyển, xử lý riêng, tận dụng để tái sử dụng, tái chế hoặc bán cho các cơ sở thu mua phế liệu hoặc sẽ được đưa về nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để xử lý.

    Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra các giải pháp tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc nâng cấp sản phẩm bị lỗi, sản phẩm cũ để kéo dài thời gian sử dụng, tận dụng thành phần, linh kiện của sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải rắn để thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất theo quy định của pháp luật, xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng theo quy định của pháp luật và cuối cùng là chôn lấp chất thải rắn theo quy định.

    Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức, sắp xếp tần suất thu gom chất thải rắn sinh hoạt  sau phân loại cho phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

    Việc tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phù hợp với chiến lược quốc gia, giảm áp lực đối với việc xử lý như giảm diện tích bãi chôn lấp, giảm chi phí xử lý; đồng thời, tận dụng được các loại chất thải rắn khác thông qua các hoạt động tái sử dụng, tái chế. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn, hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn ở từng cá nhân, tổ chức; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt  tại nguồn ngay khi có phát sinh.

Châu Loan

Ý kiến của bạn