Banner trang chủ

Những điểm mới về nội dung công cụ kinh tế trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

14/12/2020

     Luật BVMT năm 2020 đã có nhiều điểm mới đối với việc sử dụng công cụ kinh tế cho quản lý môi trường nhằm đáp ứng những chủ trương lớn của Đảng, nhất là việc “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” bằng việc sử dụng nhiều hơn và sát thực hơn công cụ kinh tế để quản lý môi trường, chuyển dần sang vận dụng những nguyên tắc cơ bản của thị trường trong quản lý môi trường, trong đó có hai nguyên tắc cơ bản là: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; Người hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền.

     Trên thực tế, những nguyên tắc nêu trên đã được vận dụng trước đây, tuy nhiên Luật BVMT năm 2020 có những điểm mới, bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành của thể chế kinh tế thị trường, điều chỉnh hành vi chủ thể gây ô nhiễm môi trường phải chi trả để khắc phục ô nhiễm đó, hoạt động kinh doanh hưởng lợi từ môi trường phải có trách nhiệm với môi trường đó là phải chi trả tiền để bù đắp trở lại cho bên cung ứng dịch vụ môi trường.

     Những điểm mới về công cụ kinh tế trong luật BVMT sửa đổi

     Thứ nhất, ngay từ tên chương XI đã sử dụng cụm từ “công cụ kinh tế” và có một mục về “công cụ kinh tế cho BVMT” để phản ánh những điều khoản thể hiện trong chương có những công cụ kinh tế sẽ được sử dụng.

       Thứ hai, về thuế, phí BVMT

      Đối với thuế BVMT đã đưa vào Luật BVMT năm 2020 dưới dạng những nguyên tắc cơ bản, nhưng vẫn tôn trọng không làm thay đổi pháp luật về thuế, BVMT đã và đang thực hiện. Những điểm mới đối với thuế BVMT đó là thay vì quy định trong Luật thuế BVMT hiện nay là thuế “gián thu”, chỉ thu theo sản phẩm, nay sửa đổi không dùng cụm từ “gián thu”, nói rõ thu thuế vào sản phẩm gây tác động xấu tới môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường nhằm hướng đến điều chỉnh hành vi hoạt động sản xuất kinh doanh gây thiệt hại cho môi trường.

     Đối với phí BVMT, điểm mới so với Luật BVMT năm 2014 là quy định rõ, cụ thể và mở rộng đối tượng chịu phí hơn nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc và quy định của luật phí và lệ phí đã ban hành.

     Luật BVMT năm 2020 cũng đã xác định rõ vai trò của Bộ TN&MT “chủ trì đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí BVMT”. Như vậy sẽ đảm bảo tính phù hợp của cơ quan quản lý môi trường trong việc điều chỉnh hành vi gây ô nhiễm của tổ chức, cá nhân thông qua công cụ thuế/phí.

     Thứ ba, về ký quỹ BVMT được bổ sung vào Luật BVMT năm 2020 thành một điều riêng, cùng với việc quy định ký quỹ BVMT trong “khai thác khoáng sản” trước đây, bổ sung hai loại hình phải ký quỹ BVMT, đó là chôn lấp chất thải” và “nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất”. Việc bổ sung công cụ này sẽ có tác dụng gắn trách nhiệm cho các hoạt động chôn lấp chất thải và nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài sẽ bị ràng buộc về mặt tài chính hoặc quy đổi tương đương trong việc có trách nhiệm ngay từ đầu đối với BVMT.

     Thứ tư, về chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Đây là điều khoản mới dựa trên nguyên tắc BPP và thực tiễn đối với việc áp dụng khá thành công của chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng. Luật BVMT năm 2020 ngoài việc quy định chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng theo quy định của luật lâm nghiệp, bổ sung thêm ba loại dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên phải chi trả dịch vụ môi trường: Dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước; Dịch vụ hệ sinh thái biển; Dịch vụ hệ sinh thái núi đá, hang động và công viên địa chất. Trong đó quy định rõ chỉ những hoạt động kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản và hấp thụ các-bon mới phải chi trả dịch vụ môi trường. Với những nội dung quy định tại điều này, tổ chức cá nhân phải chi trả dịch vụ hệ sinh thái khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

     Thứ năm, tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Đây là công cụ kinh tế dựa trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi win-win solution” khi tham gia vào thị trường các-bon giữa bên có nhu cầu mua và bên có nhu cầu bán. Hiện nay trên thế giới, loại thị trường này đã hình thành và phát triển, ở Việt Nam chúng ta đã tham gia vào cam kết giảm thiểu các-bon cùng nỗ lực toàn cầu nhằm giảm chất gây hiệu ứng nhà kính nhưng chưa được thể hiện bằng pháp luật, do vậy đây là điều khoản mới được thể hiện trong Luật BVMT năm 2020.

     Thứ sáu, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường. Mặc dù Luật BVMT năm 2014 đã có điều khoản này về “Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường”, Luật BVMT năm 2020 sửa lại điều này cụ thể và rõ hơn đó là “thiệt hại do sự cố môi trường”, những rủi ro này không lường trước được nên khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh mua bảo hiểm để khi rủi ro xảy ra giảm bớt mức độ thiệt hại cho doanh nghiệp, mặt khác ý thức BVMT của doanh nghiệp cũng được nâng lên khi đã thực hiện tham gia mua bảo hiểm.

     Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn đối với các công cụ kinh tế cho BVMT nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn để điều chỉnh hành vi của tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại cho môi trường và được hưởng lợi từ môi trường dựa trên những nguyên tắc của thị trường. Bên cạnh đó những cơ chế tài chính khác được hoàn thiện, bổ sung thêm trong luật BVMT 2020 như quỹ BVMT, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh để tạo ra một cơ chế khá đầy đủ hướng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường và người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc BVMT thông qua các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính.

PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh

Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

Ý kiến của bạn