Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam hiện nay

07/12/2021

  1. Mở đầu

    Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu. KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH giúp tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý, giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, hạn chế chất thải, khí thải ra môi trường.

    Tại Việt Nam, Luật BVMT năm 2020 được coi như là văn bản pháp lý đầu tiên thừa nhận việc phát triển mô hình KTTH tại nước ta. Theo đó, Điều 142 quy định, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trước đó, các chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo hướng của nền KTTH tại Việt Nam cũng được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các cương lĩnh, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, đặc biệt từ khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa cho đến nay nhằm nỗ lực hướng tới các mục tiêu của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước.

    Bài viết hệ thống hóa các chính sách thúc đẩy phát triển KTTH trong công nghiệp hiện có tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua thực tiễn việc triển khai làm rõ điểm tích cực và các hạn chế trong các chính sách hiện hành, nhằm góp phần thúc đẩy nhanh hơn việc hoàn thiện các chính sách trong thời gian tới.

    2. Khung chính sách thúc đẩy KTTH trong công nghiệp

    Về bản chất, KTTH dựa trên các “nguyên tắc R” với vòng lặp cơ bản 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế - reduce, reuse, recycle) và có thể mở rộng đến 6R, 9R (từ chối, thay thế, tân trang, tái sử dụng cho mục đích khác, phục hồi năng lượng, khai thác lại - Refuse, Replace, Refurbish, Remanufacture, Repurpose, Recycle Materials, Recover energy, Remine) và thậm chí có thể mở rộng hơn nữa nhằm tận dụng vật chất, giảm phát thải. Ở một số khu vực KTTH đã đạt đến mức xả thải bằng không, hay nói cách khác là không có rác thải (Reike et al.  2018, Kirchherr et al., 2018; Winans, Kendall, & Deng, 2017)

    KTTH có thể áp dụng ở nhiều ngành nghề và với quy mô khác nhau. Đối với lĩnh vực công nghiệp, đặc trưng của khu vực này là có nhu cầu lớn về tài nguyên thiên nhiên,tâp trung máy móc công nghệ và mức độ phát thải. Chính vì vậy, các hoạt động KTTH trong công nghiệp cũng tập trung vào các hoạt động này. Các chính sách thúc đẩy KTTH chia thành 3 nhóm chính: (1) nhóm chính sách KTTH trong sản xuất; (2) chính sách quản lý chất thải; (3) các chính sách hỗ trợ chung (tài chính, công nghệ, nhận thức, trách nhiệm xã hội...).

    Để thúc đẩy KTTH trong sản xuất công nghiệp, các chính sách tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững như: (i) Chính sách sản xuất sạch hơn...(ii) Các chính sách khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng; (iii) Chính sách logicstic và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Để quản lý chất thải công nghiệp hướng tới nền KTTH cần có các chính sách: (i) Chính sách quản lý chất thải công nghiệp (ii) Chính sách khuyến khích cộng sinh công nghiệp; tái chế, tái sử dụng chất thải... Ngoài 2 nhóm chính sách trực tiếp can thiệp vào chu trình vận động của vật chất công nghiệp kể trên, nhóm chính sách thứ 3 tham gia thúc đẩy KTTH trong sản xuất công nghiệp là hệ thống các chính sách khuyến khích chung đối với doanh nghiệp như: (i) Chính sách ưu đãi về tài chính như ưu đãi về thuế, phí, tài trợ, thu hút đầu tư...; (ii) Chính sách hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, công nghệ...; (iii) Chính sách hỗ trợ thay đổi nhận thức...

    Hệ thống các các chính sách này đồng thời tác động lên ý thức, hành vi của cá nhân/doanh nghiệp cũng như các quá trình vận động của vật chất trong quá trình sản xuất, hỗ trợ các dòng chảy vật chất khép kín vòng tuần hoàn, giảm thiểu xả thải, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng đầu vào; từ đó giảm dần các tác động bất lợi, hướng tới BVMT, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Đó chính là mục đích cơ bản nhất của việc áp dụng mô hình KTTH trong nền kinh tế nói chung và trong công nghiệp nói riêng.

    3.  Hệ thống chính sách liên quan đến phát triển KTTH trong công nghiệp tại Việt Nam

    Như đã nêu, Luật BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã có các quy định cụ thể về tiêu chí, lộ trình, trách nhiệm và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH đối với các cá nhân, tổ chức. Đây được coi là căn cứ chính thức và quan trọng nhất đối với việc triên khai mô hình KTTH tại Việt Nam nói chung và trong công nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, việc phát triển KTTH trong công nghiệp tại Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục được hỗ trợ thông qua khung chính sách hiện hành, cụ thể như:

    Chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững: Từ 2016 đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững gồm 2 giai đoạn: 2016 - 2020 và 2021 - 2030. Nếu mục tiêu của chính sách trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đề cập đến từng khía cạnh của KTTH thì bước sang giai đoạn 2021 - 2030, việc theo đuổi nền KTTH đã được thừa nhận, và mục tiêu của chương trình trong giai đoạn tới là: “thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền KTTH ở Việt Nam”.

    Năm 2018 Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành. Nếu giai đoạn đầu, KTTH được gián tiếp thúc đẩy thông qua các mục tiêu xanh hóa sản xuất; giảm cường độ phát thải khí nhà kính, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, xanh hóa lối sống,.. thì trong giai đoạn này, các giải pháp liên quan đến phát triển KTTH được đề cập trực tiếp như: “Xây dựng các chính sách, chiến lược hỗ trợ nền KTTH không chất thải; quản lý tổng hợp CTR và nước thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên”.

    Chính sách khai thác và sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng: Hoạt động về khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất hiện được quy định tại nhiều các văn bản luật liên quan như Luật BVMT (2020), Luật Thực hành Tiết kiệm chống lãng phí (2013), Luật Thuế tài nguyên (2009), Luật Thuế BVMT (2010), Luật Chuyển giao công nghệ (2017), Luật Đất đai(2013), Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Khoáng sản (2010), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo(2015), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010)... Mục tiêu chung của các chính sách này là phát triển kinh tế song song với sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, vật chất, năng lượng và bảo vệ các thành phần môi trường tự nhiên. Sự tích hợp này cũng đồng nghĩa với hoạt động sản xuất, tiêu dùng theo xu hướng KTTH đã được bao phủ khá đầy đủ.

    Chính sách sản xuất sạch (SXSH) hơn: SXSH được coi là một trong những giải pháp then chốt trong Chiến lược PTBV của Việt Nam và được đẩy mạnh thực hiện, triển khai trong hầu hết các văn bản về BVMT và PTBV như: Chiến lược BVMT quốc gia các giai đoạn 2001-2010, 2011-2020. Cụ thể, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, SXSH, kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, trong đời sống cộng đồng đô thị, nông thôn; đồng thời thúc đẩy phát triển các khu vực công nghiệp, đô thị... theo hướng thân thiện với môi trường.

    Chính sách cộng sinh công nghiêp: Nghị định 82/2018/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam có quy định về “cộng sinh công nghiệp”, “doanh nghiệp sinh thái” hay khu công nghiệp sinh thái. Đây là những mô hình phát triển công nghiệp theo hướng tuần hoàn và bền vững. Ngoài ra, việc khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp được quy định tại các văn bản khác như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Nước thải có thể được tuần hoàn, tái sử dụng cho các mục đích khác nhau sau khi được thu gom và xử lý theo quy định); Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP (Chất thải công nghiệp như thải tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, luyện kim có thể được phân loại, sơ chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng).

    Chính sách logistic và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ: Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ “dịch vụ logistic là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu”. Phấn đấu hình thành dịch vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển logistic điện tử (e-logistics) cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện. Cùng với đó, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã nêu rõ mục tiêu: Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics.... Doanh nghiệp quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa...

    Các chính sách về quản lý chất thải công nghiệp theo KTTH:  Các chính sách đối với chất thải công nghiệp cũng rất quan trọng trong nền KTTH vì chất thải công nghiệp hiện đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lượng chất thải; đồng thời chính sách đối với chất thải là nhân tố quyết định đến việc coi nó còn giá trị vật chất và tham gia trở lại vòng tuần hoàn hay hết giá trị để bị thải bỏ.

    Đối với quản lý chất thải rắn (CTR), Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (2018) thể hiện rõ quan điểm quản lý tổng hợp CTR là quản lý toàn bộ vòng đời chất thải từ khi phát sinh đến khi xử lý cuối cùng, bao gồm phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý cuối cùng. Luật BVMT năm 2020 cho thấy, các quan điểm theo hướng tuần hoàn như: Coi rác thải là tài nguyên, ai gây ô nhiễm phải trả tiền, huy động trách nhiệm của nhà sản xuất, người thải bỏ,.. được đặc biệt nhấn mạnh. Một số quy định nhằm thúc đẩy tính tuần hoàn của chất thải như: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (Điều 54); Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, cơ quan, tổ chức có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường phải tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chuyển giao cho các đối tượng có chức năng xử lý khác (Điều 82).

Doanh nghiệp ngành giấy đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm chi phí và nguyên liệu

    Đối với nước thải công nghiệp, Khoản V, Điều 72, Luật BVMT năm 2020 quy định rõ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về BVMT và mục đích sử dụng nước;

    Chính sách ưu đãi về tài chính như ưu đãi về thuế, phí, tài trợ, thu hút đầu tư: Để hỗ trợ các chính sách thúc đẩy KTTH nói chung, KTTH trong công nghiệp nói riêng,  Luật BVMT năm 2020 đều có các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các hoạt động kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải và BVMT; Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN (2008) cũng đưa ra các khuyến khích thông qua các quy định miễn giảm thuế TNCN như: Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải”; “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực BVMT, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và BVMT; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, CTR; tái chế, tái sử dụng chất thải” được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

    4. Đánh giá chung về cơ chế chính sách thúc đẩy KTTH trong công nghiệp thời gian qua

    Thuận lợi

    Một là, khung pháp lý thúc đẩy nền KTTH ở Việt Nam khá toàn diện, bao hàm đầy đủ cả chu trình vận động của vật chất từ sản xuất- tiêu dùng - xả thải; từ góc độ kỹ thuật, thể chế thực hiện đến các chính sách hỗ trợ. Việc thừa nhận chính thức về mô hình KTTH trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là đã được chính thức luật hóa là căn cứ quan trọng nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KTTH trong thời gian tới.

    Hai là, hệ thống các chính sách, quy định, các mục tiêu đặt ra trong từng giai đoạn cho thấy những nỗ lực và kỳ vọng của Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện hệ thống các giải pháp nhằm thúc đẩy KTTH tại Việt Nam nói chung và KTTH trong công nghiệp nói riêng.  Hệ thống các chính sách thúc đẩy SXSH, xanh hóa sản xuất; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất, tiêu dùng được triển khai xuyên suốt; tích hợp đa dạng trong các chính sách của các ngành nghề, lĩnh vực tạo ra những chuyển biến quan trọng trong nhận thức các bên liên quan và kết quả sản xuất, mô hình sản xuất, kinh doanh.

    Ba là, các chính sách tiêu dùng hướng tới KTTH đã bao quát cả tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh thương mại và tiêu dùng cá nhân; bao gồm cả tiêu dùng/sử dụng tài nguyên, năng lượng đến công cụ/phương tiện lao động sản xuất; nhắm tới thay đổi nhận thức đến thói quen và hành vi của các bên liên quan; đặc biệt là tiêu dùng của các doanh nghiệp.

    Bốn là, chính sách ưu đãi khá đa dạng, bao gồm cả ưu đãi về thuế, phí; trái phiếu, tín dụng đầu tư trong hầu hết các hoạt động liên quan đến sản xuất, tiêu dùng cũng như xử lý/quản lý chất thải. Các khung/mức hỗ trợ, khuyến khích tăng; đồng thời mức độ xử phạt cũng nâng cao dần.

    Năm là, các chính sách thường xuyên được bổ sung cập nhật và thử nghiệm các chính sách mới phù hợp với các xu hướng mới, đẩy mạnh công nghệ số như: chính sách xây dựng các trung tâm lưu trữ thông tin về chất thải làm cơ sở cho cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái; mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, chính sách về logictic... nhằm theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển.

    Khó khăn

    Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển, còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc chuyển đổi sang nền KTTH đã và đang đặt ra không ít thách thức như:

    Thứ nhất, đến nay các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến phát triển KTTH mới chỉ điều chỉnh mang tính nguyên tắc, định hướng và cần có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Việc hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, thể chế, cơ chế thực thi, giám sát, đánh giá... cho từng ngành, lĩnh vực đòi hỏi còn phải đầu tư nhiều nguồn lực và thời gian.

    Thứ hai, các nội dung phát triển doanh nghiệp sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, cộng sinh công nghiệp... đề cập trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế chưa được cụ thể hóa. Mặt khác, vấn đề mua sắm công xanh là một trong những chính sách mục tiêu của sản xuất và tiêu dùng bền vững đến nay vẫn mang tính định hướng tại Luật Đấu thầu 2013, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017... chưa có các quy định, chỉ tiêu cụ thể về các yêu cầu xanh hóa trong hoạt động mua sắm công (SWITCH-Asia, 2020).

    Thứ ba, nguồn hỗ trợ cho việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển KTTH còn hạn chế. Mặc dù, các chính sách hỗ trợ khá đa dạng, nhưng phân bố còn thiếu hợp lý, mức hỗ trợ thấp, thủ tục hành chính rườm rà làm giảm tính hấp dẫn của chính sách, ví dụ như: Nghị định 54/2015/NĐ-CP về ưu đãi về các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tuy vậy, phạm vi ưu đãi của Nghị định còn khá nhỏ hẹp, các ưu đãi không được chỉ rõ hay tham chiếu đến quy định cụ thể. Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư quy định đối tượng được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư bao gồm các cơ sở xử lý rác thải, trong đó chỉ quy định danh mục các dự án nhóm A, B, dự án trên 50 tỷ đồng, được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho thấy sự thiếu hợp lý. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 46 dự án do các địa phương đề xuất quy mô dưới 50 tỷ đồng đang tồn đọng, không được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi; Các cơ chế chính sách ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý CTR còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý hoạt động tái chế hiện tại như nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm thứ phát..; đồng thời kìm hãm sự phát triển của ngành này theo hướng tích cực trong tương lai.

    Thứ tư, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.

    6. Kết luận và khuyến nghị

    Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, các đô thị Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những bất cập về tình trạng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, mức tiêu thụ tài nguyên lớn, mức độ phát thải cao và trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân (Bộ TN&MT, 2016). Với những quy định chính thức trong các chủ trương, chính sách, Việt Nam đặt kỳ vọng mô hình phát triển KTTH sẽ giúp nền kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

    Hệ thống các chính sách hướng tới phát triển KTTH trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam thời gian qua cho thấy, sự đa dạng và khá đầy đủ và tạo ra những thành tựu nhất định. Tuy vậy, việc hệ thống hóa các chính sách cũng cho thấy nhiều bất cập trong hệ thống các chính sách hiện hành. Vì vậy, để hoàn thiện cơ chế chính sách và ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn mô hình KTTH tại Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực công nghiệp nói riêng cần phải triển khai những giải pháp như:

    Cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các chính sách nhằm đảm bảo tính thống nhất, logic giữa hệ thống các văn bản; đồng thời đảm bảo tính thực tiễn trong các điều kiện nguồn lực hiện tại của quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiêp; Rà soát và ban hành bộ tiêu chí đánh giá cụ thể đối với KTTH giúp cho các ngành, doanh nghiệp sớm có kế hoạch và mục tiêu phát triển.

    Xây dựng các hướng dẫn cụ thể về KTTH đối với các bên liên quan như chính quyền địa phương, các loại hình, tính chất, quy mô doanh nghiệp về lộ trình, cách thức thực hiện; vai trò, nhiệm vụ, quyền lợi của các bên trong từng bước, từng nhiệm vụ cụ thể.

    Nhà nước cần ban hành các cơ chế khuyến khích đủ mạnh để tăng động lực hỗ trợ, kích thích doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hướng tới KTTH. Song song với đó cần xây dựng các quy định đảm bảo tính cân bằng về chi phí- lợi ích của tất cả các bên -  đó chính là cơ sở quan trọng của việc đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong quá trình triển khai.

    Đẩy mạnh hơn hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan để thúc đẩy việc chuyển biến nhận thức thành hành động thực tế trong triển khai KTTH thời gian tới, trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến các quy định, tiêu chí, hướng dẫn thực hiện KTTH theo Luật BVMT năm 2020 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Nguyễn Thị Thục

Viện Phát triển Bền vững Vùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2021)

    Tài liệu tham khảo

  1. Bộ KHĐT (2021). Dự thảo Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
  2. Bộ TNMT (2019). Báo cáo trạng môi trường quốc gia năm 2018;
  3. Bộ TNMT (2020). Báo cáo trạng môi trường quốc gia năm 2020;
  4. Kirchherr, J., Piscicelli, L., Bour, R., Kostense-Smit, E., Muller, J., Huibrechtse-Truijens, A., & Hekkert, M. (2018). Barriers to the Circular Economy: Evidence From the European Union (EU). Ecological Economics, 150(December 2017), 264–272. https://doi.org/10.1016/j.ecolecon.2018.04.028;
  5. Reike, D., Vermeulen, W. J. V., & Witjes, S. (2018). The circular economy: New or Refurbished as CE 3.0? - Exploring Controversies in the Conceptualization of the Circular Economy through a Focus on History and Resource Value Retention Options. Resources, Conservation and Recycling, 135(August 2017), 246–264. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2017.08.027;
  6. SWITCH-Asia ( 2020). Xây dựng Chương trình Hành động Quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng Bền vững (2021 - 2030) ở Việt Nam: Đánh giá tiến độ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 và đề xuất cho giai đoạn 2021-2030;
  7. Tạ Thị Thùy Trang ( 2019). Một số bất cập của pháp luật BVMT về xử lý nước thải. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 23 (399), tháng 12/2019;
  8. Winans, K., Kendall, A., & Deng, H. (2017). The history and current applications of the circular economy concept. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 68(October 2015), 825–833. https://doi.org/10.1016/j.rser.2016.09.123.

 

 

 

Ý kiến của bạn