Banner trang chủ

Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét để nhận chìm và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển Việt Nam

10/03/2020

     Trong những năm qua, biển và đại dương đang bị ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Một trong các nguồn gây ô nhiễm là việc nhận chìm bất hợp pháp chất thải và chất khác xuống biển, đại dương. Do vậy, cần kiểm soát và quản lý hiệu quả hoạt động nhận chìm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa BVMT và phát triển KT-XH.

     Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhận chìm chất nạo vét tại các cảng biển, luồng lạch xuống biển vẫn được thực hiện. Theo số liệu của ngành Hàng Hải, hàng năm, thế giới có khoảng 250 - 500 triệu tấn vật chất được nhận chìm, trong đó, Việt Nam có khoảng hơn 20 triệu tấn chất nạo vét được cấp phép cho nhận chìm ở biển. Tuy nhiên, không phải chất nạo vét nào cũng được nhận chìm xuống biển, cũng như không phải khu vực nào trên biển cũng cho phép nhận chìm, mà cần có các quy định kỹ thuật đánh giá rõ ràng đối với chất nạo vét để nhận chìm và lựa chọn khu vực nhận chìm tối ưu về mức độ an toàn môi trường, sinh thái biển.

     Nhằm góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoạt động nạo vét, nhận chìm ở biển của Việt Nam, các nội dung quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 18/2/2020. Thông tư bao gồm 4 Chương và 24 Điều, trong đó chương I về quy định chung (từ điều 1 - 4); chương II về quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét (từ điều 5 - 14); chương III về quy định kỹ thuật xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển (từ điều 14 - 22); chương IV về các điều khoản thi hành (từ điều 23 - 24). Thông tư có phạm vi điều chỉnh về quy định kỹ thuật về đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.

 

Hàng năm, Việt Nam có khoảng hơn 20 triệu tấn chất nạo vét được cấp phép cho nhận chìm ở biển

 

     Việc áp dụng các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét phải tuân thủ theo các phương pháp được quy định tại Thông tư này và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành. Trường hợp các phương pháp tiêu chuẩn quốc tế, phương pháp tiêu chuẩn khu vực hoặc phương pháp tiêu chuẩn nước ngoài chưa được quy định tại Thông tư này sẽ được xem xét, chấp nhận sử dụng nếu có độ chính xác tương đương hoặc cao hơn. Trường hợp các phương pháp quan trắc, phân tích, đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét quy định tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các phương pháp mới thì áp dụng theo các phương pháp mới.

     Thông tư cũng quy định nội dung và các bước đánh giá chất nạo vét như: Đặc điểm thành phần, tính chất vật lý, hàm lượng chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; khả năng lắng đọng, tạo cặn chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; mức độ khả dụng sinh học chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét; khả năng tích lũy sinh học của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét. Việc lựa chọn các thông số phục vụ đánh giá chất nạo vét phải đánh giá, xác định được các nguồn, hoạt động có khả năng gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nạo vét. Qua đó, xác định danh sách các thông số phân tích phục vụ đánh giá chất nạo vét; đánh giá các điều kiện phục vụ công tác phân tích, phương pháp, giới hạn định lượng thực tế của việc phân tích.

     Với các mẫu vật chất thu thập được phải lập kế hoạch phân tích mẫu để xác định mức độ bảo đảm chất lượng cho toàn bộ công việc lấy mẫu, lưu trữ và phân tích mẫu phù hợp với các phương pháp phân tích được sử dụng. Các nội dung liên quan đến điều kiện bảo quản mẫu, độ sâu lấy mẫu, số lượng mẫu, bản đồ khu vực lấy mẫu, các phương pháp thí nghiệm phân tích mẫu.

     Đồng thời, Thông tư yêu cầu tiến hành phân tích, thử nghiệm liên quan đến sinh học đối với chất nạo vét thì phải quan sát được các phản ứng dương tính của sinh vật với các chất gây ô nhiễm trong bể thử nghiệm nhằm xác định các phản ứng bất thường của các loài sinh vật khi bị phơi nhiễm với chất gây ô nhiễm; quan sát các phản ứng âm tính của sinh vật với các chất gây ô nhiễm (các sinh vật ở trạng thái bình thường không bị phơi nhiễm khi tiếp xúc với chất gây ô nhiễm có trong chất nạo vét); các sơ đồ kiểm soát nhằm ghi lại thời điểm, nồng độ chất gây ô nhiễm khi xảy ra các phản ứng bất thường của sinh vật.

     Về đánh giá độc tính chất nạo vét, tiến hành lựa chọn phương pháp thử nghiệm độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét theo phương pháp quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành tương ứng. Trường hợp phương pháp tiến hành thử nghiệm độc tính của chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét không có trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành thì áp dụng theo các hướng dẫn quốc tế ASTM E1367-99, ASTM E1525-02, ASTM E1391-03, ASTM E1706-05, ASTM E1367-03. Bên cạnh đó, việc xác định ranh giới, diện tích khu vực biển đề xuất nhận chìm chất nạo vét được nối bằng các đường khép kín bao gồm các đoạn thẳng nối các điểm khép góc có tọa độ cụ thể và được thể hiện bằng sơ đồ khu vực biển trên nền bản đồ địa hình đáy biển với tỷ lệ thích hợp.

     Đặc biệt, khu vực biển đề xuất sử dụng để nhận chìm chất nạo vét phải bảo đảm các yêu cầu: Không gây ra tác động có hại đến sức khỏe con người, tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước; hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu tới môi trường, hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản theo quy định pháp luật; không gây ảnh hưởng đến an toàn sử dụng công trình cảng biển và luồng hàng hải, các công trình dầu khí, đường cáp quang, cáp điện ở biển, hoạt động của tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; không ảnh hưởng đến các hoạt động quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển. Trong đó, thông tin, tài liệu, dữ liệu cần thu thập, tổng hợp về khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét gồm: Vị trí, tọa độ khu vực, khoảng cách tới bờ biển, hải đảo và tới khu vực nạo vét, diện tích, độ sâu; đặc tính khối nước của khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét và vùng phụ cận (độ sâu; đặc tính phân tầng theo mùa và các điều kiện thời tiết khác nhau; đặc điểm sóng, gió, thủy triều, dòng chảy biển; biến thiên nhiệt độ, độ muối, pH và ôxy hòa tan theo độ sâu; chất rắn lơ lửng, độ đục hoặc độ trong suốt của khối nước); thông tin, tài liệu, dữ liệu về đặc điểm đáy biển (địa hình đáy biển; cấp phối hạt trầm tích); đặc điểm vận chuyển bùn cát đáy, bồi tụ, xói lở đáy; hóa học trầm tích; hình ảnh, video đại diện đáy biển khu vực; thông tin, tài liệu, dữ liệu về các hệ sinh thái của khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét và vùng phụ cận…

     Theo đó, có 4 bước đánh giá, xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét bao gồm: Thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu phục vụ xác định khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét; đề xuất các khu vực khả thi nhận chìm chất nạo vét; đánh giá chi tiết các khu vực đề xuất nhận chìm chất nạo vét; so sánh, lựa chọn, xác định các khu vực có thể nhận chìm chất nạo vét. Các khu vực đề xuất nhận chìm chất nạo vét ở biển cần được đánh giá chi tiết bằng tổ hợp các phương pháp khảo sát và mô hình mô phỏng quá trình phát tán, lan truyền, biến đổi, chuyển hóa chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét với các nội dung chính gồm: các đặc trưng, đặc tính vật lý, hóa học, sinh học của các khu vực đề xuất nhận chìm chất nạo vét; mức độ ảnh hưởng của hoạt động nhận chìm chất nạo vét tới tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái biển, các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh tại các khu vực đề xuất nhận chìm và vùng phụ cận…

     Thông tư quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam được ban hành là một công cụ bổ sung thêm cho việc chi tiết hóa các nội dung của Hồ sơ nhận chìm đã được quy định tại Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, Thông tư cũng sẽ góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về việc đánh giá chất nạo vét để nhận chìm và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế hàng hải song hành cùng công tác BVMT, sinh thái biển bền vững ở nước ta.

 

TS. Dư Văn Toán

Viện nghiên cứu biển và hải đảo

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

Ý kiến của bạn