Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Ninh Bình: Tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, thu gom, xử lý chất thải rắn

22/11/2019

     Xác định công tác quy hoạch,thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT, góp phần kiểm soát ô nhiễm và hướng tới phát triển bền vững. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình và các Sở, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và đề ra nhiều giải pháp thu gom, xử lý CTR phát sinh trên địa bàn.

     Thực trạng quy hoạch, thu gom, xử lý CTR

     Theo Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình với Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT thực hiện Quyết định số 1330/QĐ-BTNMT ngày 29/5/2019 về rà soát, đánh giá công tác quản lý CTR trên địa bàn, tỉnh đã ban hành Quyết định số 245/QĐ-UBND về Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 (ngày 09/4/2013). Theo Quy hoạch, toàn tỉnh có 4 khu xử lý (KXL) chất thải rắn (CTR), bao gồm: Thung Quèn Khó, xã Đông Sơn,  TP. Tam Điệp (30ha); Thung Châu, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (50ha); Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (50 ha); Kim Hải, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn (10 ha). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vị trí được quy hoạch của KXL CTR trên địa bàn các huyện: Nho Quan, Gia Viễn và Kim Sơn không phù hợp với nhu cầu xử lý chất thải tại địa phương.

     Để khắc phục tình trạng trên, ngày 6/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 321/QĐ-UBND  phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR tỉnh Ninh Bình đến năm 2030. Theo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch, tỉnh Ninh Bình có 7 khu vực xử lý CTR. Hiện nay, toàn tỉnh có 2/7 KXL đi vào hoạt động, nên chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh trên địa bàn. Cụ thể: Nhà máy xử lý CTR Ninh Bình tại xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp, với công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm, thực hiện phân loại, xử lý lượng CTR hữu cơ thành phân vi sinh cho TP. Ninh Bình, TP. Tam Điệp và 6 huyện trên địa bàn tỉnh. Lượng rác thải thu về Nhà máy được xử lý làm phân vi sinh (khoảng 60 tấn/ngày), còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Thung Quèn Khó (TP. Tam Điệp).

     KXL Hồi Ninh tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn có công suất 250 kg/giờ, thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò tự đốt cho 6 xã gồm Hồi Ninh, Kim Định, Chính Tâm, Chất Bình, Ân Hòa, Xuân Thiện. KXL do Hợp tác xã Đồng Tâm quản lý theo Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý CTR sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí” của BộTN&MT. KXL hoạt động từ năm 2015, tuy nhiên, hiện đang tạm dừng hoạt động do kinh phí duy trì hoạt động tốn kém, thường xuyên phải sửa chữa, công đoạn chế biến phân vi sinh không hiệu quả.

     Về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2018 khoảng 154.000 tấn (khu vực đô thị khoảng 50.000 tấn, khu vực nông thôn khoảng 104.000 tấn), trong đó TP. Ninh Bình (khoảng 31.390 tấn), TP. Tam Điệp (12.000 tấn); các huyện: Yên Khánh (17.500 tấn), Kim Sơn (21.092 tấn), Yên Mô (21.170 tấn), Nho Quan (15.427 tấn), Hoa Lư (11.520 tấn), Gia Viễn (21.900 tấn); chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng 2.000 tấn. Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom toàn tỉnh đạt khoảng70%.Phần lớn lượng CTR phát sinhchủ yếu từ quá trình sinh hoạtcủa các hộ gia đình, khu dịch vụ công cộng, từ các cơ quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...ngày càng lớn và chưa được phân loại tại nguồn đã và đang gia tăng áp lực cho công tác thu gom, xử lý. Lượng rác thải phát sinh tại 2 TP. Ninh Bình và Tam Điệp do hai đơn vị là Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị  TP. Ninh Bình và Công ty cổ phần môi trường đô thị Tam Điệp thu gom, vận chuyển; còn rác thải sinh hoạt phát sinh tại 6 huyện (Hoa lư, Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn) được Trung tâm vệ sinh môi trường các huyện và UBND cấp xã tổ chức thu gom. Toàn tỉnh có102/121 xã đã có mô hình tổ thu gom rác. Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 6 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, trong đó có 1 Nhà máy xử lý CTR Ninh Bình; 4 lò đốt rác có quy mô công suất 500 kg/giờ tại huyện Yên Khánh; 1 lò đốt rác có công suất 250kg/giờ tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn.

 

Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Tam Điệp thực hiện thu gom, vận chuyển rác trên các tuyến phố

 

     Từ thực trạng công tác xử lý CTR trên địa bàn tỉnh cho thấy, các KXL CTR chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý toàn bộ lượng chất thải sinh hoạt phát sinh; hiệu quả xử lý chất thải chưa cao; việc xử lý chất thải sinh hoạt theo mô hình lò đốt nhỏ lẻ là chưa phù hợp do hệ thống mới chỉ có buồng đốt sơ cấp, nhiệt độ chưa đảm bảo, hầu hết không có hệ thống xử lý khí thải phát sinh, quy trình công nghệ còn sử dụng nhiều thao tác thủ công, mất nhiều công lao động; rác sau ủ đem phơi để đốt bốc mùi ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, đặc biệt là trong các mùa mưa, ẩm ướt, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, làm tăng sức ép lên môi trường nước và môi trường không khí xung quanh khu vực đặt lò đốt. Trong khi đó, CTR không được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho công tác xử lý tại nhà máy xử lý tập trung của tỉnh. Mặt khác, việc vận chuyển rác thải từ địa bàn các huyện, TP về KXL rác tập trung tại Thung Quèn Khó xa, chi phí vận chuyển lớn. Chi phí cho công tác quản lý chất thải còn hạn hẹp, gây khó khăn trong việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR theo quy hoạch. Công tác thông tin, tuyên truyền về quản lý CTR ở các cấp cơ sở hiệu quả còn chưa cao; một bộ phận người dân còn chưa nhận thức được đầy đủ tác hại của CTR đối với sức khỏe con người và môi trường xung quanh nên một số nơi còn tình trạng đổ rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định. Công nghệ xử lý rác thải đã ứng dụng trên địa bàn còn chưa đồng bộ, chưa kiểm soát tối đa được các nguồn thải thứ cấp phát sinh từ quá trình xử lý rác thải, do vậy đang gây áp lực lớn cho môi trường khu vực các KXL rác thải tập trung. Mức phí vệ sinh, đơn giá, định mức thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đang áp dụng còn thấp…

     Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý CTR

     Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT nói chung và công tác quản lý CTR nói riêng, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết tăng cường việc triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý CTR. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý chất thải; chỉ đạo các Sở, ban, ngành chức năng xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện theo trình tự, thủ tục quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, cụ thể:Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/7/2012 của Ban chấp hành Đảng bộ về BVMT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 09/4/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Ninh Bình đến năm 2030; Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Ninh Bình đến năm 2030… Nghị quyết số 07-NQ/BCS ngày 10/01/2018 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Ninh Bình về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 15/01/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCS, Hiện UBND tỉnh hoàn thiện để ban hành Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020 - 2025; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 02/5/2019 của UBND tỉnh Ninh Bình về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh...

     Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của tỉnh, Sở TN&MT và UBND các huyện, thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo theo quy định, đồng thời thực hiện một số giải pháp như:

     Một là, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, thu gom, xử lý CTR; Ban hành chính sách ưu đãi đối với cơ sở sản xuất tái chế, tái sử dụng CTR, các cơ sở áp dụng công nghệ sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

     Hai là, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý CTR; nâng cao cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường cho địa phương; khuyến khích cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ phụ trách môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh học tập nâng cao trình độ; phân định rõ ràng về trách nhiệm quản lý Nhà nước về CTR giữa các cấp (tỉnh, huyện, xã), giữa các cơ quan chuyên môn, các Sở, Ban, ngành của tỉnh; các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh công tác quản lý môi trường tại các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ cho công tác BVMT và xử lý CTR.

     Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; xây dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về CTR; các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý CTR.

     Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở đề xuất, kiến nghị: Bộ TN&MT cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nói chung và CTR nói riêng một cách hệ thống và đồng bộ theo hướng phân công Bộ là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về CTR và Sở TN&MT là đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về CTR trên địa bàn tỉnh; Có cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong xử lý CTR để thống nhất áp dụng trên toàn quốc; Tăng tỷ lệ chi cho sự nghiệp BVMT hơn 1% tổng chi Ngân sách để đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn mới.

 

Lê Hùng Thắng - Phó Giám đốc

 Sở TN&MT Ninh Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn