Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Ngành Giao thông vận tải: Thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường không khí tại các đô thị

31/01/2020

      Năm 2019, Việt Nam đăng cai tổ chức “Diễn đàn Liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12” (Diễn đàn EST12), với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải (GTVT) thông minh và cacbon thấp” thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển GTVT bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác GTVT… Nhân dịp Xuân Canh Tý năm 2020, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn Trần Ánh Dương - Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT về các giải pháp thúc đẩy hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, BVMT, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông an toàn và thuận tiện.

 

Ông Trần Ánh Dương - Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT

 

      PV: Xin ông cho biết một số kết quả đạt được sau Diễn đàn EST12 năm 2019. Là đơn vị đăng cai tổ chức, vậy xin ông cho biết một số nội dung chính của bản Tuyên bố “Tuyên bố Hà Nội” và đóng góp của Việt Nam?

     Ông Trần Ánh Dương: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh và các đối tác quốc tế tổ chức thành công diễn đàn Liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 (EST 12) từ ngày 28-31/10/2019 tại Hà Nội.

     Diễn đàn EST 12 đã thống nhất thông qua Tuyên bố Hà Nội nhằm hiện thực hóa thành phố và cộng đồng thông minh tại châu Á thông qua 13 nhóm giải pháp và biện pháp giao thông bền vững về môi trường, trong đó tập trung vào một số nội dung chính: Hạn chế sự gia tăng phụ thuộc vào phương tiện cơ giới cá nhân; Tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông để thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng GTVT khối lượng lớn trên cơ sở ToD, đặc biệt là khi ứng dụng công nghệ mới. Thúc đẩy ​các giải pháp giao thông thông minh bằng cách tích hợp mạng lưới giao thông với quản lý giao thông hiệu quả, giao thông công cộng, hạ tầng và thiết bị dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, mạng lưới đường bộ tối ưu hóa và hệ thống đỗ xe được quản lý tốt với sự ứng dụng IoT, ICTs, ITS, xe điện, phương tiện tự hành, ứng dụng thông minh và thiết bị di động,…;Tăng cường các cơ chế cung cấp tài chính hiện hành và tìm kiếm các cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư mới để xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, thông minh, chất lượng và có khả năng thích ứng. Đồng thời, thúc đẩy và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp để khai phá tiềm năng công nghệ số trong phát triển thành phố thông minh. Đẩy mạnh hợp tác khoa học với các hoạt động nghiên cứu chung, phối hợp chuyên gia, xuất bản các tạp chí và ấn phẩm khoa học, tổ chức các khóa đào tạo,…

     Đặc biệt, Tuyên bố Hà Nội phù hợp với định hướng của Việt Nam về phát triển bền vững, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và xây dựng các thành phố thông minh. Bộ GTVT đã biên dịch Tuyên bố Hà Nội và phổ biến tới các tỉnh, thành phố để nghiên cứu, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

     PV: Thưa ông, vừa qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM có thời điểm ở trên mức báo động ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà một trong số các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí do khí thải từ xe cơ giới. Vậy ngành GTVT có hoạt động gì nhằm kiểm soát tình trạng trên?

     Ông Trần Ánh Dương: Khí thải từ xe cơ giới là một trong các nguồn gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị tập trung với mật độ phương tiện giao thông cao, do đó việc kiểm soát khí thải xe cơ giới là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được các nước quan tâm tổ chức thực hiện.

     Tại Việt Nam, việc kiểm soát khí thải xe cơ giới được thực hiện kể từ năm 2006 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ; bắt đầu bằng việc kiểm định khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy đã qua sử dụng nhập khẩu từ ngày 1/7/2006; áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương mức Euro 2 đối với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới từ ngày 1/7/2007; mở rộng việc kiểm định khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông trên toàn quốc từ ngày 1/7/2008.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham dự Diễn đàn Liên Chính phủ

về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 tại Hà Nội

 

     Đến nay, Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức tương đương Euro 3 đối với xe mô tô hai bánh và mức tương đương Euro 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; mức tiêu chuẩn khí thải áp dụng đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu cũng được nâng cao bắt đầu từ ngày 15/5/2019 theo Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

     Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hiện đang thực hiện bổ sung quy định về kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trong sửa đổi Luật Giao thông đường bộ làm cơ sở để xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên phạm vi cả nước.

     Trước diễn biến xấu về chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số biện pháp sau:

     Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm định xe cơ giới; tổ chức thực hiện nghiêm lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

     Tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra lưu động để kiểm tra khí thải xe ô tô động cơ diesel tham gia giao thông giữa 2 kỳ kiểm định.

     Tuyên truyền, phổ biến các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện và chủ động chuyển đổi sang sử dụng phương tiện ít phát thải, ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải.

     PV: Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT năm 2020 về môi trường?

     Ông Trần Ánh Dương: Để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020, toàn ngành GTVT tập trung một số giải pháp sau:

     Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Kế hoạch hành động của Bộ GTVT về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

     Thứ hai, hoàn thành việc triển khai Chương trình hành động của Bộ GTVT về tăng cường công tác BVMT trong ngành GTVT giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

     Thứ ba, xây dựng 4 văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, quản lý khí nhà kính từ hoạt động của tàu bay và phương tiện tiếp nhận tại cảng biển.

     Thứ tư, tổ chức thực hiện công tác BVMT các quy hoạch, dự án đầu tư phát triển, công trình nạo vét, duy tu luồng theo quy định.

     Thứ năm, kiểm tra, đôn đốc việc tuân thủ pháp luật BVMT trong hoạt động GTVT theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

     Thứ sáu, xúc tiến hợp tác quốc tế và tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với BĐKH.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn