Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Ngành Công Thương tăng cường các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất và tiêu dùng

07/01/2020

     Hiện nay, lượng nhựa tiêu thụ bình quân trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ngày càng gia tăng, trong khi các cơ sở tái chế và xử lý rác thải nhựa (RTN) còn thiếu, công nghệ lạc hậu, phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả. Để hạn chế tác hại của RTN, ngành Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu việc phát sinh RTN từ khâu sản xuất tới phân phối và tiêu dùng.

     Rác thải nhựa trong sản xuất, tiêu dùng

     Với đặc điểm giá thành rẻ, tiện lợi, túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, lượng RTN và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 -12% trong chất thải rắn sinh hoạt, xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Tính riêng các loại túi ni lông, ước tính mỗi năm, Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Ở các đô thị, lượng túi ni lông được tiêu thụ trung bình khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày, riêng tại 2 TP lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông thải ra môi trường.

     Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng ở Việt Nam đều sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy để phục vụ nhu cầu khách hàng; tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm bằng nhựa được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ rất phổ biến. Chỉ tính riêng  tại TP. Hà Nội, hiện có khoảng 100 DN sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa; 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng có sử dụng các sản phẩm nhựa làm bao bì trong kinh doanh…

     Mặc dù, nhận thức được tầm quan trọng của RTN gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, việc chuyển đổi từ sử dụng các sản phẩm túi ni lông khó phân hủy, hay các sản phẩm nhựa dùng một lần sang túi ni lông thân thiện với môi trường của các DN gặp nhiều khó khăn do giá thành của loại túi ni lông thân thiện với môi trường đắt hơn gấp nhiều lần so với túi ni lông thông thường. Mặt khác, DN sản xuất cũng có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong khi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành yêu cầu bắt buộc.

     Ban hành Chỉ thị giảm thiểu RTN

     Trước thực trạng trên, ngày 15/7/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT – BCT về tăng cường giảm thiểu RTN trong toàn ngành Công Thương. Theo đó, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng Công ty, DN trong ngành Công Thương tham gia hưởng ứng phong trào “chống RTN”; có hành động thiết thực nhằm hạn chế sử dụng và tiến tới “nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải;  từng bước xây dựng và hướng dẫn triển khai mô hình Văn phòng xanh cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quy định về quản lý chất thải rắn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngành Công Thương, thống nhất và tăng cường quản lý nhà nước về xả thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường theo cam kết quốc tế của Việt Nam về giải quyết RTN; tăng cường quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa tại các DN, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế RTN phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

 

Siêu thị BigC Hồ Gươm (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) sử dụng lá chuối để gói rau, thay thế túi ni lông

 

     Thực hiện Chỉ thị, hầu hết DN của ngành Công Thương đều chủ động tham gia phong trào “Chống RTN”. Các đơn vị sản xuất, phân phối đã nhanh chóng triển khai Kế hoạch giảm phát sinh RTN từ khâu sản xuất đến tiêu dùng; tăng cường sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số đơn vị đã bắt đầu có phương án chuyển đổi các vật liệu nhựa sang vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Các ý tưởng sử dụng ống hút bằng tre, bột gạo, bằng giấy thay cho ống hút nhựa; sử dụng khăn nén thay cho khăn lạnh, ly giấy thay cho ly nhựa bắt đầu được áp dụng. trong thực tế, đặc biệt, các DN chuyên sản xuất đồ uống bắt đầu sử dụng chai thủy tinh thay cho chai nhựa.Tiêu biểu có, Công ty CP Nước khoáng Khánh Hòa đã chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm nước khoáng Vikoda bằng chai thủy tinh thể tích 430 ml. Đồng thời, phối hợp cùng các khách sạn lớn trên địa bàn ký cam kết sử dụng nước uống bằng chai thủy tinh trong cơ sở lưu trú.

     Bên cạnh đó, các DN, với cam kết trách nhiệm xã hội, đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế RTN. Các DN xã hội cung cấp sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa trong tiêu dùng và thực phẩm sạch không chất độc hại như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Trạm Refill Station (Hà Nội)... đã đi vào cuộc sống. Một số siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước như: Vinmart, BigC, Lotte, Co.opMart... cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu RTN. Các đơn vị này chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi ni lông sử dụng một lần. Một số siêu thị sử dụng các khay, hộp, đĩa và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm được làm từ bã mía, sơ dừa... để thay thế một phần các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa. Đáng nói, có siêu thị đã sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, túi giấy thay cho túi ni lông; ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa, thay bằng các loại ống hút được sản xuất từ tre, cỏ, bột gạo..

     Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phong trào “Chống RTN”, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị xây dựng Kế hoạch thực hiện mục tiêu “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các DN sản xuất và người tiêu dùng cùng chung tay giảm thiểu RTN; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong các chương trình đang triển khai thực hiện.

     Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ đến các DN thực hiện cam kết trong công tác chống RTN và lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trước mắt, Bộ yêu cầu các đơn vị, phòng, ban thuộc Sở và các DN trong ngành Công Thương hạn chế, từng bước không sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Khi tổ chức các hội nghị, hội thảo, chuyển đổi sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu dễ phân hủy; không sử dụng túi ni lông, khăn lau sử dụng một lần trong tất cả các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Sở Công Thương tiếp tục xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế RTN khó phân hủy sử dụng một lần và túi ni nông khó phân hủy; đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ chế chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa khó phân hủy; có cơ chế khuyến khích các DN, sản xuất túi nhựa chuyển đổi công nghệ sang sản xuất các loại túi vải, túi giấy... và về các sản phẩm bao bì tự nhiên, thân thiện với môi trường.

 

Dương Văn Mão
Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn