Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Nam Định: Tăng cường công tác quy hoạch, thu gom, xử lý chất thải rắn

21/11/2019

     Trong nhiều năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai công tác quy hoạch, thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR), góp phần cải thiện chất lượng môi trường và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT về công tác quản lý CTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới.

 

Ông Phạm Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT

 

     PV: Xin ông cho biết thực trạng quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý CTR tại Nam Định?

     Ông Phạm Văn Sơn: Hiện nay, tỉnh Nam Định quản lý CTR theo khu vực đô thị (TP. Nam Định) và nông thôn (9 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Ý Yên, Giao Thủy, Nam Trực). Đối với Khu vực TP. Nam Định, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 186 tấn/ngày; Tỷ lệ thu gom xử lý đạt khoảng 93%. Công ty CP Môi trường Nam Định thực hiện thu gom và xử lý rác thải (XLRT) sinh hoạt tại Khu liên hợp XLRT Lộc Hòa, cách trung tâm TP 6 km về phía Tây, có tổng diện tích là 23,7 ha; XLRT bằng các phương pháp đốt, chôn lấp và sản xuất phân compost. Công nghệ xử lý CTR hiện nay tại khu liên hợp XLRT Lộc Hòa đến nay đã lạc hậu, tốn diện tích đất. Đối với khu vực nông thôn, tổng lượng rác thải phát sinh khoảng 660 tấn/ngày; trong đó thu gom, xử lý khoảng 580 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 88%. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình XLRT sinh hoạt quy mô cấp xã, XLRT sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh hoặc sử dụng lò đốt. Đến nay có 186/204 xã/thị trấn đầu tư xây dựng công trình XLRT sinh hoạt, trong đó có 106 xã/thị trấn xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh (30 xã có cả bãi chôn lấp và lò đốt); 98 xã/thị trấn lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt. Các xã, thị trấn thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường hoặc hợp tác xã vệ sinh môi trường để thu gom rác thải sinh hoạt, vận chuyển về khu XLRT sinh hoạt tập trung.

     Công tác quy hoạch, thu gom, xử lý CTR tỉnh Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Quy định về khoảng cách từ bãi XLRT đến khu dân cư theo QCVN 07- 9:2016/BXD của Bộ Xây dựng không phù hợp thực tế, khó thực hiện do các tỉnh đồng bằng có mật độ dân số đông. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu xử lý CTR tập trung thường không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương do không đồng tình với việc tiếp nhận rác của các nơi khác đưa đến vì sợ bị ảnh hưởng, tác động ô nhiễm môi trường từ các khu này; Thiếu các nguồn thông tin về công nghệ xử lý CTR từ các Bộ, ngành, Trung ương; kinh phí chi cho XLRT lớn, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế.

     Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong BVMT còn chậm, trong khi việc thu phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng được một phần cho công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Nhận thức, ý thức BVMT của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn hạn chế nên việc xả rác bừa bãi và đổ trộm phế thải vẫn còn diễn ra. Mặc dù, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về CTR, tuy nhiên do chưa có rà soát đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ; chưa bổ sung lực lượng quản lý CTR; mặt khác, lĩnh vực quản lý CTR thuộc sự quản lý của nhiều ngành nên đây là nhiệm vụ rất khó khăn cho ngành TN&MT.

     PV: Để công tác quản lý CTR đạt hiệu quả, tỉnh đã ban hành những chính sách gì, thưa ông?

     Ông Phạm Văn Sơn: Về chính sách quản lý CTR, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2011/QĐ-UBND ngày 20/7/2011 về việc quy định cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp rác thải tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nam Định; Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở XLRT sinh hoạt tập trung tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 phê duyệt quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 6/9/2018 thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định) tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom xử lý rác thải ven biển

 

     Để thực hiện những chính sách trên, Sở TN&MT đã ban hành Hướng dẫn số 2276/STNMT-CCMT ngày 6/12/2013 về thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã; Hướng dẫn số 2828/HD-STNMT ngày 10/11/2016 về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; Hướng dẫn số 3361/HD-STNMT ngày 21/12/2016 về yêu cầu kỹ thuật và vận hành lò đốt rác thải sinh hoạt theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

     Về công tác thực hiện quy hoạch, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 về quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, với tổng số 14 khu xử lý CTR trong toàn tỉnh, cụ thể: Quy hoạch khu xử lý CTR vùng tỉnh có 1 là Khu xử lý Lộc Hòa, TP. Nam Định với diện tích 35,5 ha, chức năng  xử lý CTR công nghiệp nguy hại và thông thường cho TP. Nam Định; Quy hoạch khu xử lý CTR vùng huyện, liên huyện gồm 13 khu xử lý với diện tích 81 ha, chức năng xử lý CTR sinh hoạt, y tế, xây dựng và bùn cặn...

     Trong năm 2019, UBND tỉnh Nam Định giao UBND TP.Nam Định chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan tham mưu thực hiện thủ tục đầu tư, thực hiện dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc (xử lý rác thải cho TP. Nam Định và huyện Mỹ Lộc) trên diện tích 5ha bằng công nghệ điện rác với công suất xử lý giai đoạn 1: 250 tấn/ngày; tổng mức đầu tư dự kiến là 780 tỷ đồng.

     Dự kiến, từ sau năm 2020, tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục triển khai các khu xử lý CTR quy mô vùng huyện, liên huyện theo quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định đã được phê duyệt. Trong thời gian tới sẽ xem xét rà soát lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và phù hợp với các quy định pháp luật.

     PV: Thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo Nghị Quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính Phủ, trong thời gian tới, tỉnh có những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị gì để thực hiện hiện quả công tác quản lý CTR trên địa bàn?

     Ông Phạm Văn Sơn: Nhằm quản lý hiệu quả CTR, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường XLRT tại hộ gia đình, tận dụng, tái chế rác thải giảm thiểu lượng rác phải xử lý tại các khu xử lý tập trung; Điều tra, thống kê, tổng hợp tổng thể về CTR phát sinh trên địa bàn tỉnh làm căn cứ để rà soát quy hoạch các khu xử lý CTR tập trung; Rà soát và triển khai thực hiện quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định đã được phê duyệt. Căn cứ quy hoạch về quản lý tổng hợp CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 3053/QĐ-UBND ngày 23/12/2016), UBND các huyện rà soát các điểm, khu vực nằm trên địa bàn huyện thuộc quy hoạch để tham vấn ý kiến của nhân dân trước khi triển khai dự án; Nghiên cứu triển khai dự án với công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và phù hợp với quy hoạch CTR đã được phê duyệt; Có cơ chế hỗ trợ đầu tư về tài chính, cơ sở hạ tầng, đất đai (tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng), môi trường cho các dự án xử lý CTR.

     Đồng thời, kiến nghị: Đề nghị sửa đổi các QCVN không phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương và chỉnh sửa các quy định pháp luật khác có liên quan đến quản lý CTR; Kiến nghị sửa đổi Nghị quyết 41-NQ/TW về mức chi cho sự nghiệp môi trường, tăng mức chi từ 1% lên 3% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó ưu tiên chi cho hoạt động quản lý CTR; Kiện toàn lại bộ máy, bổ sung nhân lực làm công tác  BVMT cho Sở TN&MT và Phòng TN&MT cấp huyện; Tổ chức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý CTR nói chung; xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch quản lý CTR cấp tỉnh,TP; Có cơ chế đặc thù về xử lý CTR nhằm đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; Định hướng về công nghệ xử lý CTR đảm bảo hiệu quả để các địa phương nghiên cứu áp dụng; Đề nghị Chính phủ nên quy hoạch và triển khai xây dựng  khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tập trung vùng cấp tỉnh.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

         

Ý kiến của bạn