Banner trang chủ

Hải Dương nỗ lực giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt

22/11/2019

     Hiện nay, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương ngày càng gia tăng tạo áp lực cho công tác quản lý BVMT của địa phương. Trước thực trạng trên, tỉnh Hải Dương đã và đang kêu gọi đầu tư các dự án xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giải quyết bài toán rác thải trước mắt và lâu dài. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương về những khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý CTR sinh hoạt trong thời gian tới.

 

Ông Vũ Ngọc Long - Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương

 

     PV: Xin ông cho biết tình hình thu gom, xử lý phát sinh lượng CRT sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương?

     Ông Vũ Ngọc Long: Về tình hình phát sinh lượng rác thải sinh hoạt (RTSH), theo tính toán và thống kê sơ bộ, năm 2018,  tổng lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 1.071,7 tấn/ngày đêm. Trong đó, tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 419 tấn/ngày, đêm (152.935 tấn/năm); Lượng CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn khoảng 652,7 tấn/ngày, đêm (238.236 tấn/năm). Đối với khu vực đô thị, tỷ lệ thu gom, vận chuyển tại TP. Hải Dương đạt khoảng 95%, còn ở các khu vực đô thị khác tỷ lệ thu gom, vận chuyển đạt khoảng 80 - 85%; khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đạt khoảng 78,7%, còn lại do các hộ gia đình tự thu gom. Tổng số đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn tỉnh là 1.093 tổ, đội thu gom, 3 Công ty và 2 Hợp tác xã với khoảng 3.056 người tham gia. Các xã trên địa bàn tỉnh hiện đều đã thành lập được các tổ, đội thu gom rác thải. Một số xã khu vực TP. Chí Linh và huyện Kinh Môn đã có tổ, đội thu gom tuy nhiên do địa hình đồi, núi, diện tích rộng nên một số hộ gia đình tự thu gom ra bãi chôn lấp hoặc tự xử lý trong khuôn viên gia đình.

     Ở khu vực đô thị và nông thôn biện pháp xử lý chủ yếu là đốt và chôn lấp, cụ thể: Lượng RTSH của TP. Hải Dương, phát sinh khoảng 200 tấn/ngày đêm, được đốt tại Nhà máy xử lý RTSH của Công ty CP Công trình đô thị Hải Dương tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (từ tháng 1/2018); RTSH của thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang được xử lý bằng phương pháp đốt tại Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc có công suất thiết kế 50 tấn/ngày, đêm. Rác thải của các thị trấn còn lại được đem chôn lấp. Theo báo cáo của các huyện thì một số bãi rác của các thị trấn đã đầy và tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường như: Bãi rác thị trấn Kim Thành, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Lai Cách, Thanh Hà…Còn ở khu vực nông thôn, một số địa phương rác thải được xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt chất thải tập trung, cụ thể: UBND tỉnh đã hỗ trợ 26 xã thuộc 4 huyện trên địa bàn tỉnh thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bằng phương pháp đốt triệt để tại các nhà máy. Rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom tạm vào các bể chứa, chưa được xử lý triệt để. Lượng rác của một số xã còn lại được chôn lấp. Như vậy, tổng lượng RTSH ở khu vực nông thôn hiện tại được thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để (bằng phương pháp đốt) đã đạt khoảng 108,4 tấn/ngày.

     Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 835 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 193 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Hiện nay, một số bãi chôn lấp của các xã đã đầy như xã Kim Lương, Kim Xuyên (huyện Kim Thành); xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà).

     PV: Vấn đề an ninh, trật tự liên quan đến công tác quản lý CTR tại địa phương cũng đang được dư luận quan tâm, ông có thể cho biết về vấn đề này?

     Ông Vũ Ngọc Long: Do lượng RTSH tại một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom hết và chôn lấp không đúng quy định, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và trở thành vấn đề bức xúc. Đối với vấn đề này, Sở TN&MT đã có báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh cho phép Sở phối hợp với đơn vị có đủ chức năng, năng lực để tiến hành điều tra, lấy mẫu phân tích hiện trạng môi trường, xác định quy mô, mức độ ô nhiễm cần phải xử lý tại các điểm chôn lấp rác ở các xã và đánh giá cụ thể để đề xuất các biện pháp xử lý khả thi đảm bảo yêu cầu đối với từng điểm ô nhiễm.

     Cùng với đó, tình trạng đổ trộm chất thải công nghiệp, RTSH, chất thải xây dựng diễn ra khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở các khu vực, địa điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh hoặc 2 huyện, khu vực ngoài đê, bãi bồi ven sông. Hành vi vi phạm của các đối tượng đổ trộm chất thải công nghiệp ngày càng tinh vi, thường diễn ra vào rạng sáng và ban đêm, tại những khu vực có tuyến đường vắng, ít người qua lại và diễn ra có tính chất cố tình vi phạm nên việc xác định được đối tượng vị phạm là rất khó để xử lý theo quy định của pháp luật. Sở TN&MT đã phối hợp với phòng Cảnh sát về môi trường - Công an tỉnh: Năm 2017, phát hiện và xử lý được 1 trường hợp vi phạm xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng đối với hành vi tiếp nhận xử lý chất thải thông thường không đúng quy định; năm 2018 xử lý 1 trường hợp vi phạm chôn lấp CTR công nghiệp trái quy định xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ năm 2017 đến nay đã phát hiện 4 vụ việc đổ trộm chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm để xử lý.

     PV: Để hạn chế tối đa ô nhiễm do RTSH gây ra, tỉnh ban hành cơ chế và ban hành chính sách đặc thù gì cũng như khó khăn, vướng mắc khi thực hiện, thưa ông?

     Ông Vũ Ngọc Long: Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã rất quan tâm tới công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn, trong thời gian qua, đã ban hành một số cơ chế, chính sách trong công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn như: Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 về việc phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý CTR sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Đề án, đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ 26 xã thực hiện thu gom, xử lý RTSH ở khu vực nông thôn về các nhà máy xử lý theo phương pháp đốt triệt để; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 28/10/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 20/10/2017 về việc quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển RTSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 27/3/2018 của UBND tỉnh phê duyệt “Quy hoạch quản lý CTR tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 32/2019/QĐ-UBND ngày 12 tahnsg 7 năm 2019 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương thuộc đối tượng được hỗ trợ vận chuyển CTR sinh hoạt từ điểm tập kết tập trung đến cơ sở xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo Sở TN&MT Hải Dương kiểm tra Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers)

 

     Với sự ban hành kịp thời cơ chế, chính sách công tác quản lý CTR sinh hoạt đã đã đạt kết quả, tuy nhiên vần còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Nguồn kinh phí ngân sách tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là từ năm 2017 tỉnh phải tự cân đối thu chi ngân sách; Thiếu công nghệ để đầu tư xử lý rác thải đảm bảo tiết kiệm kinh phí và hiệu quả (hiện nay chủ yếu là công nghệ đốt và chôn lấp). Việc đầu tư nhà máy xử lý CTR tốn kém kinh phí, thiếu nguồn vốn và khó tìm chủ đầu tư phù hợp để triển khai thực hiện. Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn trên địa bàn các huyện đều không đảm bảo yêu cầu về  BVMT (khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật...), chủ yếu là bãi chứa tạm thời.

     Cùng với đó, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy xử lý CTR còn gặp nhiều khó khăn do các quy chuẩn hiện hành (phải cách tới chân công trình xây dựng khác tối thiểu là 500m; các cơ sở xử lý CTR của đô thị phải được bố trí ở ngoài phạm vi đô thị, cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy của sông suối, không bố trí ở vùng thường xuyên bị ngập nước...), Hải Dương là một tỉnh đồng bằng, mật độ dân số cao, việc lựa chọn được địa điểm để đầu tư đáp ứng yêu cầu trên khó thực hiện.

     Mặc dù, đã có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải theo quy hoạch, nhưng hiện nay việc chọn nhà đầu tư và địa điểm đầu tư (đặc biệt là tại thành phố Chí Linh, huyện Kinh Môn và quy hoạch xây dựng Nhà máy xử lý rác thải của huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc và Ninh Giang) đang là vấn đề cần quan tâm. Mặt khác, khi đã lựa chọn được nhà đầu tư thì việc triển khai dự án lại gặp nhiều khó khăn khách quan khác tới từ sự không đồng thuận của nhân dân địa phương. Hiện nay, chi phí thu gom, xử lý rác ở khu vực đô thị, xử lý rác tại khu vực nông thôn vẫn do nhà nước bỏ kinh phí thực hiện, người dân chỉ mới bỏ chi phí thực hiện thu gom rác song cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Thực hiện nguyên tắc PPP (người gây ô nhiễm phải trả tiền) và cơ chế chuyển từ phí sang giá, tỉnh Hải Dương đang thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt. Tuy nhiên, lộ trình có thể sẽ phải kéo dài do theo ước tính, giá đầy đủ sẽ gấp khoảng 7 lần so với phí hiện nay người dân đang bỏ ra. Ngoài ra, việc xác định đơn giá xử lý RTSH hiện nay còn hạn chế, chưa đưa ra được đơn giá xử lý để tính đúng, tính đủ cho việc xử lý rác thải và đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp xử lý nên chưa tạo được sức hút đầu tư cho các Nhà máy xử lý chất thải.

     PV: Trong thời gian tới, tỉnh có những giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn?

     Ông Vũ Ngọc Long: Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nhóm giải pháp cụ thể sau:

     Thứ nhất, thể chế, chính sách: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về BVMT, trong đó, có cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương từ Trung ương xuống tới xã, phường, thị trấn; Tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho BVMT, đặc biệt là tăng tỷ lệ chi cho công tác thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước cho thu gom, xử lý CTR sinh hoạt.

     Thứ hai, tổ chức thực hiện: Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch, quy hoạch đã được ban hành; lồng ghép, phối hợp thực hiện có hiệu quả với các nội dung công việc có liên quan đến công tác BVMT; Tăng cường kiểm tra đột xuất, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục, phòng tránh các sự cố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

     Thứ ba, tăng cường nguồn lực: Tiếp tục tăng cường, củng cố, kiện toàn tổ chức hệ thống quản lý nhà nước về BVMT từ tỉnh, huyện đến xã; Tăng nguồn nhân lực cho công tác BVMT, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và  BVMT các cấp (đặc biệt là cấp huyện và cấp xã). Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường; Tạo điều kiện bố trí nguồn kinh phí dự phòng phục vụ cho việc quản lý, xử lý những vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh đột xuất cần phải xử lý ngay.

     Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT: Không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến BVMT tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về  BVMT và biến đổi khí hậụ tới mọi tầng lớp nhân dân. Vận động xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa, thân thiện với môi trường.

     Thứ năm, đẩy mạnh khoa học kỹ thuật: Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch thân thiện môi trường; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư thay thế và cải tiến các thiết bị sản xuất thân thiện với môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đảm bảo quy chuẩn môi trường theo quy định.

     Thứ sáu, xây dựng cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư: Thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án có công nghệ lạc hậu, một số ngành nhạy cảm không thân thiện với môi trường như tái chế phế liệu, mạ cơ khí, luyện kim, sản xuất giấy...

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Nhật Minh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn