Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển

12/03/2020

     Ngày 5/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

     Mục đích của Kế hoạch

     Mục đích ban hành Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

     Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 nhằm xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 để triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển. Thực hiện tốt Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 là điều kiện căn bản và quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

     6 nội dung, giải pháp đột phá 

     Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp chủ yếu gồm: Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

     Trong đó, về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ, giải pháp Nghị quyết đưa ra là: Định kỳ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về biển, hải đảo theo hướng ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, BVMT, phát huy văn minh sinh thái biển, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế, hiệu quả đầu tư công của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo.

     Kiện toàn, đổi mới tổ chức và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý về biển, hải đảo có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên nghiệp, hiện đại. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan thông qua các cơ chế, công cụ điều phối cụ thể. Kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các đảo, quần đảo, bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi và vùng ven biển.

     Định kỳ hàng năm đánh giá chỉ số tổng hợp quản trị biển, hải đảo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển theo chuẩn mực quốc tế làm cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Định kỳ 5 năm hai lần thực hiện chỉ số đánh giá tổng hợp thực hiện các mục tiêu, nội dung trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, trên cơ sở đó có giải pháp, phương án phù hợp để nâng cao hiệu quả quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ. Định kỳ 5 năm thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và đề ra những chủ trương phù hợp với tình hình trong giai đoạn mới.

     Về phát triển kinh tế biển, ven biển, giải pháp Nghị quyết đưa ra là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng.

     Thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế.

 

Ảnh minh họa

 

     Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.

     Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí. Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

     Tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

     Xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

     Về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển, Nghị quyết nêu rõ, bổ sung và xây dựng đầy đủ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục tại các hải đảo. Đảm bảo cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, hải đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng, nhằm nâng cao sức khỏe của người dân.

     Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các thiết chế văn hóa cho cộng đồng dân cư biển và ven biển, bao gồm cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế và nguồn kinh phí hoạt động. Duy trì, phục hồi và phát triển các lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn không gian văn hóa, kiến trúc và di sản thiên nhiên, duy trì, phát triển các trung tâm văn hóa đặc trưng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

     Triển khai thực hiện việc giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết về biển, đại dương, khả năng sinh tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, tránh thiên tai cho học sinh, sinh viên trong tất cả các bậc học, cấp học.

     Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển, Chính phủ yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ biển gắn với điều tra cơ bản biển.

     Hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, xuất sắc: công nghệ sinh học biển, công nghệ vũ trụ trong giám sát biển, khai thác đáy biển sâu trên cơ sở kế thừa và phát triển nguồn lực sẵn có.

     Đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao; có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế làm việc và cống hiến cho sự nghiệp biển đảo của nước nhà.

     Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

     Đối với môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

     Hoàn thiện việc tích hợp, số hóa cơ sở dữ liệu về biển và hải đảo của các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu biển quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ bảo đảm việc nhập, cập nhật, khai thác, chia sẻ dữ liệu đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu biển, hải đảo của các bộ, ngành, địa phương.

    Củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho hệ thống thu gom và xử lý chất thải nguy hại, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường và thực hiện việc thu gom, xử lý. Triển khai thực hiện quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị ven biển đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo theo hướng bền vững, dựa vào hệ sinh thái, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đáp ứng các quy định của pháp luật về BVMT.

     Đầu tư xây dựng trung tâm cứu hộ động vật biển tại một số khu bảo tồn biển. Đầu tư xây dựng hệ thống đô thị thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

     Nghị quyết cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025.

     Về tổ chức thực hiện, Chính phủ yêu cầu Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW để báo cáo Chính phủ.

     Bộ TN&MT là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ 5 năm hai lần tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đã đề ra từ diễn đàn lần trước và thảo luận, đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới với kết quả và thời hạn hoàn thành cụ thể theo yêu cầu của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

 

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn