Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Đề nghị tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

08/11/2019

     Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

     Phó Thủ tướng yêu cầu Dự thảo Chỉ thị cần tập trung vào các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những hành vi vi phạm quy định pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai, các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại.

     Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện, gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Từ bài học về việc nhập ốc bươu vàng nhằm mục đích phát triển kinh tế, nhưng sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng. Rùa tai đỏ cũng là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam.

 

Ảnh minh họa/Nguồn: VGP

 

     Hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập vào Việt Nam theo con đường tự nhiên như: Cây mai dương có nguồn gốc từ châu Mỹ và xuất hiện đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long vào năm 1979, đến nay đã lan rộng khắp cả nước; bọ cánh cứng hại dừa được phát hiện vào tháng 4/1999 ở tỉnh Bến Tre và nay đã gây hại cho hơn 30 tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ.  

     Trong số các tỉnh gửi báo cáo về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như: Ốc bươu vàng, mai dương, trinh nữ móc, cá lau kính... Trong đó, đáng lo ngại là loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước; cây mai dương được ghi nhận có mặt ở 42/63 tỉnh thành trên cả nước.

     Quá trình thực hiện quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, Bộ TN&MT nhận định còn có những tồn tại, hạn chế về nhận thức của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại. Bên cạnh đó, các quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định trong Luật Đa dạng sinh học mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Các quy định chưa đề cập đến các yêu cầu cụ thể để quản lý loài ngoại lai xâm hại, một số nội dung khác chưa được quy định như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… Do vậy, trong thực tế, pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Luật cũng không quy định cần có các hướng dẫn dưới Luật cho các vấn đề này, nên việc ban hành các văn bản dưới luật còn khó khăn.

     Một số Bộ, ngành cũng cho rằng, để quản lý tốt các loài ngoại lai xâm hại thì cần nâng cao công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin; triển khai các hoạt động điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài ngoại lai; tăng cường công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan liên quan để xử lý nhanh chóng các vụ việc nóng, đồng thời tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về nhận dạng và quy trình xử lý sinh vật ngoại lai để ngăn chặn kịp thời sinh vật ngoài lai ngay từ cửa khẩu Việt Nam và cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sinh vật ngoại lai vì theo quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm...

 

Trần Tân

Ý kiến của bạn