Banner trang chủ

Non thiêng Yên Tử ngày xuân

22/02/2016

 

     Cách Hà Nội khoảng 130km về phía Đông Bắc, Yên Tử là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trên khắp cả nước, nơi gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, dòng Thiền đầu tiên của Việt Nam, được sáng lập bởi vị vua anh minh, tài đức vẹn toàn Trần Nhân Tông - người còn được gọi là Phật Hoàng. Vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, khách thập phương lại tìm đến non thiêng Yên Tử để thưởng ngoạn cảnh đẹp như trong tranh thủy mặc và cầu chúc cho gia đình năm mới bình an.

 

Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 2016 diễn ra vào sáng 17/2/2016 tức ngày mùng 10 tháng Giêng năm Bính Thân

 

     Lễ khai hội năm nay diễn ra trong tiết trời ấm áp, rất thuận lợi cho du khách thập phương trẩy hội, du xuân. Hội Xuân Yên Tử là hội xuân kéo dài và thu hút đông lượng khách nhất trong các lễ hội của Quảng Ninh.

 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dâng hương cầu Quốc thái dân an

 

     Đoạn đường lên đến đỉnh thiêng (chùa Đồng) Yên Tử dài gần 6km, với hàng nghìn bậc thang đá trải dài. Du khách sẽ được tham quan tất cả 6 ngôi chùa rất cổ kính, lần lượt là chùa Giải Oan ở chân núi, tiếp đến là chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu và cao nhất là chùa Đồng ở độ cao 1068m. Tất cả các ngôi chùa này đều được xây theo kiến trúc chùa cổ của Việt Nam.

 

Có hai cách để bạn có thể leo lên đỉnh chùa Đồng Yên Tử là đi bộ hoặc cáp treo

 

     Ở chân núi là tiếng suối Giải Oan róc rách, tương truyền khi vua Trần Nhân Tông quyết định lên Yên Tử tu hành, cung tần mỹ nữ tìm lên núi để khuyên người trở về nhưng không được nên đắm mình xuống suối tự vẫn. Vua cho lập chùa Giải Oan để thờ.

 

Cảnh quan trên đường lên đỉnh thiêng Yên Tử đẹp như tranh thủy mặc, càng lên cao càng đẹp, không khí trong lành

 

     Cao nhất, thiêng liêng nhất là ngôi chùa Đồng nằm ở độ cao 1068m. Nơi đây gần như quanh năm mây mù che phủ. Những ngày trời quang mây, đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt khắp khu vực dãy núi Đông Triều trùng trùng, điệp điệp. Theo truyền thuyết, 700 năm trước, chùa Đồng là nơi đức Trần Nhân Tông giã từ ngai vàng về quy y cửa phật và sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm. Vì thế, với lòng thành tâm hướng về cõi Phật, những ai đã từng một lần đặt chân đến đất Yên Tử cũng đều cố gắng leo cho đến đỉnh ghé thăm Chùa Đồng để cầu khấn và chạm tay lên thành chùa hay chuông đồng với nguyện cầu sẽ gặp nhiều may mắn được an lành.

 

Để lên được chùa Đồng, du khách phải trải qua một quãng đường gập gềnh núi đá, qua bao gian nan

 

     Ngày nay, việc hành hương về đất Yên Tử để lễ Phật được xem như một thói quen của một số bộ phận người dân để được suy ngẫm lại ý chí, đồng cảm với sự đức độ thanh cao của các bậc danh nhân thời xưa và để du xuân, vãn cảnh, thưởng ngoạn cuộc sống thanh bình bắt đầu cho một năm mới tốt đẹp.

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn