Banner trang chủ

Làng nghề truyền thống trồng mai Nhơn An rộn ràng sắc hoa mùa Xuân

22/02/2016

   Những ngày đầu năm, làng nghề truyền thống trồng mai tết của xã Nhơn An lại rộn ràng không khí đón xuân. Toàn xã có 6 thôn thì có 5 thôn (Tân Dương, Thuận Thái, Thanh Liêm, Trung Định và Háo Đức) đã được tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống trồng mai cảnh, với hơn 2.200 hộ (chiếm 80% dân số) tham gia trồng mai.

   Trên các nẻo đường của làng nghề đã xuất hiện nhiều chuyến xe khắp nơi đổ về đây, nườm nượp nối đuôi nhau “ăn hàng”. Hàng loạt các chậu mai đã được bê ra khoảng đất trống đầu làng, người trồng mai vừa tất bật với công việc chăm sóc vừa giao dịch với các thương lái. Dọc các con đường, nhiều chậu mai đã được cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp được trưng bày trong bãi tập kết, rộn ràng khoe sắc.

   Các hộ trồng mai ở Nhơn An cho biết, đầu năm nay có rất nhiều thương lái từ các tỉnh phía Nam đã về làng mai này để mua mai đưa đi các tỉnh như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... Đây cũng là thị trường tiêu thụ mai lớn nhất, chiếm 60 - 70% lượng mai của vùng. Đặc biệt, so với năm ngoái, giá mai năm nay tiếp tục tăng tùy theo dáng, năm tuổi, độ nở hoa, màu sắc. Năm nay, mai vàng có độ tuổi từ 4 - 5 năm tuổi bán với giá từ 600.000 - 700.000 đồng/chậu, tăng từ 150.000 - 200.000 đồng/chậu, cũng có những chậu mai giá đến hàng trăm triệu đồng dành cho khách chịu chơi. Nhờ vậy mà mỗi năm, người dân toàn xã Nhơn An có doanh thu hàng chục tỷ đồng nhờ vào nghề trồng mai bán dịp Tết.

   Trong muôn vàn sắc hoa, cây mai quyến rũ con người bởi sự tương phản hiếm có: Thân gầy guộc, hoa mỏng manh, hương thơm dịu dàng, thanh khiết nhưng ẩn chứa trong mình sự kiêu dũng, khí phách. Mai được tôn phong là “bách hoa khôi”, đứng đầu các loài hoa. Các nhà nho xưa thường dùng hình ảnh hoa mai để ví với cốt cách thanh tao và chí khí của người quân tử. “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, ngay cả chí sĩ Cao Bá Quát, một hình mẫu cho cái sự "ngông" kiểu "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" cũng chỉ cúi đầu trước vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết của loài hoa này.

Loài mai vàng được người dân ưu chuộng trưng bày trong dịp Tết

   Cây mai là loài cây đa niên, có thể sống trên một trăm năm, gốc to, rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, đặc biệt với khí hậu miền Nam. Ngoài thiên nhiên, cây mai tự rụng lá vào mùa Đông và ra hoa vào mùa Xuân do đó, người dân thường tỉa hết lá vào tháng chạp âm lịch, để kích thích cho cây mai ra hoa rộ vào dịp tết Nguyên đán. Khi cây mai ra hoa thường mọc ra từ nách lá, mới đầu là một hoa to, gọi là hoa cái, có vỏ lụa (vỏ trấu) bọc bên ngoài. Khi vỏ lụa bung ra, thì xuất hiện một chùm hoa con, từ một đến mười nụ, tăng trưởng nhanh, khoảng 7 ngày sau là nở. Trong chùm hoa này, hoa to nở trước hoa nhỏ nở sau, đến vài ba ngày mới nở hết. Mỗi hoa bên ngoài có 5 đài màu xanh, bên trong có 5 cánh màu vàng, ở giữa là một chùm nhụy mang phấn màu xậm hơn. Thường hoa nở 3 ngày thì tàn. Hoa nào đậu thì bầu noãn phình to lên và kết hạt. Hạt non màu xanh, hạt già màu đen, hạt chín rụng xuống đất, mọc lên cây con. Cây con vài ba năm sau mới ra hoa bói lần đầu tiên và cứ thế tiếp tục ra hoa mỗi năm. Hiện nay nhờ kỹ thuật lai tạo giống, các nghệ nhân đã tạo ra được các giống mai có nhiều cánh, cánh xếp nhiều tầng như mai Huỳnh Tỷ, mai Giảo, mai Cúc, mai Cửu Long, Bạch mai, Miến Điện, mai Bến Tre, mai Tứ Quý.

   Trong các loài mai, mai vàng được trồng phổ biến nhất, do không kén chọn đất, màu hoa vàng theo truyền thống của người Việt Nam là màu phú quý nên được người dân ưu chuộng trưng bày trong dịp Tết. Hình ảnh hoa mai vàng khoe sắc, đâm chồi nảy lộc với hàm ý mong một năm mới nhiều tài lộc và thịnh vượng.

Người dân làng Nhơn An đang chăm sóc những chậu mai để bán vào dịp Tết

   Trong những năm gần đây, nghề trồng mai đã đem lại cuộc sống sung túc cho nhiều gia đình. Đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng mai ngày càng lớn. Để phục vụ thị hiếu của người chơi mai, người dân trong làng thường trồng mai kiểng, tạo dáng rồng bay thành các hình chân thú long, lân, quy, phụng đẹp mắt. Các chậu mai có gốc to, gốc càng già càng quý. Kỹ thuật trồng mai kiểng phải theo đúng quy trình, người trồng phải mất nhiều công chăm sóc. Có thể nhân giống mai bằng triết cành, giâm cành hoặc ghép cành và trồng trên nhiều nhiều loại đất khác nhau như đất thịt, cát pha, sét pha, phù sa, đỏ bazan, thậm chí đất có lẫn đá sỏi…. Tuy nhiên, mai kỵ đất bị úng thủy, thường xuyên ngập lụt. Rễ mai dài bởi vậy nước ngập lâu dài sẽ khiến cây bị héo úa và chết dần.Trong rễ mai, rễ bàng (mọc quanh đoạn cổ rễ) có sức sống mạnh nhất.Vì vậy, bộ rễ bàng đóng vai trò quan trọng với việc sinh trưởng và phát triển của cây mai. Loài mai tuy chịu được nắng hạn, nhưng cần phải tưới nước mỗi ngày hoặc cách ngày tưới nước một lần mới tốt. Tưới thẳng vào gốc và xịt nước với tia nhỏ lên khắp tán lá lại tốt hơn. Nên tưới vào lúc sáng sớm hoặc tưới vào lúc chiều mát. Ngoài ra, điều quan trọng nhất với mai kiểng là dáng cây và việc ra hoa đúng kỳ. Cành lá quá tốt sẽ gây ra ức chế với việc trổ hoa. Cây còi cọc quá thì hoa ít, không đẹp. Mai kiểng được trồng trong chậu với lượng đất giới hạn, nên việc bón phân, chăm sóc cho mai hết sức cần thiết. Sau đó, người trồng chỉ cần để ý đến thời gian ra nụ của cây để căn chỉnh sao cho đến Tết cây ra nụ, hoa đẹp nhất.

   Năm nay thời tiết ấm hơn mọi năm, nhiều chậu mai còn xanh lá nhưng nụ đã nở, các hộ dân làng nghề Nhơn An đang tất bật chăm sóc những chậu mai, hy vọng mùa vụ bội thu để có cái Tết Bính Thân no ấm.

                Trần Thắng Trung

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn