Banner trang chủ

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải - Nơi có đa dạng sinh học bậc nhất vùng Tây Bắc

05/04/2016

     Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh Mù Cang Chải là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất ở vùng Tây Bắc. Thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ và giữ gìn “kho báu” đa dạng sinh học này.

     KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải được thành lập theo Quyết định số 513/QĐ-UB ngày 09/10/2006 của UBND tỉnh Yên Bái với diện tích 20.108,2 ha, trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 15.128ha, diện tích phân khu phục hồi tái sinh thái là 4.979 ha. KBT nằm trên địa bàn của 5 xã, trong đó có xã Chế Tạo nằm trong vùng lõi, vùng đệm trải rộng trên các xã Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Su Phình.

     KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có tính đa dạng và đặc hữu cao về thực vật. Qua kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), bước đầu đã thống kê được ở đây có 788 loài thực vật bậc cao, trong đó có 33 loài thuộc diện quí hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới; động vật có 241 loài, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể, đáng chú ý có 42 loài quí hiếm cho Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu, đặc biệt là 4 loài: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen, voọc xám.

 

 

     Những năm trước, KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải bị xâm hại nặng nề, nhiều loài sinh vật cảnh và thảm thực vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Lâm tặc, người dân địa phương thường xuyên vào rừng khai thác các loại gỗ qúy hiếm, săn bắn động vật hoang dã, kể cả các động vật nằm trong Sách Đỏ. Do áp lực về lương thực, nhiều hộ dân sinh sống trong vùng chặt phá, phát nương làm rẫy, trồng lúa nương, trồng thảo quả. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm đã có nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ tốt. Các tổ tuần tra thường xuyên canh gác bảo vệ rừng, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Các xã trong KBT đều đã thành lập nhóm bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hàng năm kí cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với từng hộ gia đình. Đặc biệt, từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể, từ đó giảm áp lực vào KBT săn bắn, làm nương rẫy.

     Nhờ những giải pháp cụ thể đã giúp cho KBT ngày một phong phú, rừng được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt. Không chỉ có vậy mà đời sống người dân cũng được nâng lên thông qua các dự án, tiền khoán bảo vệ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương. Để quản lý, bảo vệ KBT ngày một tốt hơn, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tăng cường tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ rừng cần thực hiện tốt chính sách chi trả môi trường rừng cho người dân sinh sống trong và xung quanh KBT. Về lâu dài, các cấp chính quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tạo công ăn việc làm, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân nơi đây.

 

Nam Hưng

 

Ý kiến của bạn