Banner trang chủ

Giá trị đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Ba Vì

06/05/2016

     Ngày 16/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 17/CT phê duyệt luận chứng kinh tế thành lập khu rừng cấm quốc gia Ba Vì. Đến ngày 18/12/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 407/CT về việc đổi tên rừng cấm quốc gia Ba Vì thành Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì, có chức năng trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp với tham quan, học tập và du lịch.

     VQG Ba Vì nằm cách thủ đô Hà Nội 60 km về phía Tây, là một trong những khu bảo tồn, thăm quan, giải trí đẹp, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Nơi đây phong cảnh ngoạn mục, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện với con người. Tổng diện tích VQG là11.372 ha, trong đó, rừng nguyên sinh trải rộng 2.752 ha, ở độ cao từ 100 - 1.296m của dãy núi Ba Vì hùng vĩ, có hệ thực vật nhiệt đới và á nhiệt đới khá điển hình ở Việt Nam; bốn mùa cây cối xanh tươi, khí hậu trong lành.

     Do địa hình núi cao, độ che phủ của rừng lớn nên nơi đây có khí hậu mát mẻ vào mùa hè, với nhiều con suối bắt nguồn từ núi rừng Ba Vì quanh năm nước chảy như Thiên sơn - Suối ngà, Ao Vua, Khoang Xanh, Hồ Tiên Sa. Là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, tháp Báo Thiên, động Ngọc Hoa... Về mùa đông, mây mù bao phủ tạo một cảnh quan rất ấn tượng. Ba Vì là một quần thể núi gồm 6 đỉnh, cao nhất là đỉnh Vua với độ cao 1.29 6m, đỉnh Tản Viên cao 1.227 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131 m… Đỉnh Vua là nơi xây dựng đền thờ Bác Hồ. Đối diện đỉnh Vua lại là một mái núi “thắt cổ bồng” được lập đền Thượng, tương truyền là nơi hóa thân của Đức Thánh Tản - Sơn Tinh được dân gian tôn thờ là anh hùng chống lũ lụt, ngoại xâm, vị thần liên minh các bộ tộc Việt - Mường.

 

Một góc VQG Ba Vì (Ảnh: www.vncreatures.net)

 

     VQG Ba Vì với 3 kiểu rừng: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới; Rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới; Rừng lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi thấp. Núi Ba Vì với 2 đai cao nên hệ thực vật nơi đây khá phong phú và đa dạng, đã ghi nhận 1209 loài thực vật bậc cao thuộc 99 họ, 472 chi với nhiều loài cây quý hiếm như bách xanh, thông tre, sến mật, giổi lá bạc, quyết thân gỗ, bát giác liên. Ngoài ra, tại VQG cũng đã thống kê được 503 loài cây làm thuốc.

     Theo kết quả điều tra bổ sung mới nhất, khu hệ động vật có xương sống (ĐVCXS) ở VQG Ba Vì thống kê được 342 loài, trong đó có 65 loài thú, 169 loài chim, 30 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư. Yếu tố đặc hữu của khu hệ ĐVCXS ở Ba Vì là 2 lớp bò sát (thằn lằn) và lưỡng thê (ếch vạch). Nhóm động vật quý, hiếm ở VQG Ba Vì có 66 loài, phần lớn là loài động vật rừng nhỏ, hoặc trung bình, tiêu biểu như cầy vằn, cầy mực, cầy gấm, beo lửa, sơn dương, sóc bay, gà lôi trắng, yểng quạ, khướu bạc má… và các loài đặc hữu hẹp hiện có ở VQG Ba Vì.

     Về các loài côn trùng, kết quả điều tra chuyên đề của VQG đã phát hiện được 552 loài côn trùng thuộc 364 giống, 65 họ, 14 bộ, trong đó có 7 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam gồm bngựa xanh thường , cà cuống, bướm khế, ngài mặt trăng, bướm rồng đuôi trắng, bướm phượng Hêlen, bướm đuôi kiếm. Hệ côn trùng ở Vườn đã tạo nên sự phong phú, đa dạng loài và làm nổi trội giá trị thiên nhiên của VQG Ba Vì.

 

Thu Hằng

Ý kiến của bạn