Banner trang chủ

Địa lan Trần Mộng - Loài hoa của mùa xuân vùng núi cao Tây Bắc

07/02/2020

     Xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (Lào Cai) được coi là thủ phủ của loài địa lan Trần Mộng, một loài địa lan hiếm, đẹp quyến rũ, cành và hoa cong rủ duyên dáng. Với quan niệm một chậu lan nở rực rỡ, cành lá xum xuê tượng trưng cho sự no ấm và may mắn, nên rất nhiều người ưa chuộng, trưng bày trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý.

     Cây hoa địa lan Trần Mộng ban đầu là cây tự nhiên mọc, ở mỏm đá trong rừng được bà con dân tộc bản địa mang về trồng trong vườn nhà. Tương truyền, vua Trần Anh Tông ngủ mơ thấy được xem một loài địa lan lạ, hoa rất đẹp và thơm. Khi tỉnh giấc, nhà vua ngẩn ngơ, bần thần. Kỳ lạ thay, trong ngày hôm đó, có người mang tiến vua một chậu lan như trong giấc mộng. Thế là từ đó, loài lan quý được mang tên địa lan Trần Mộng, tức giấc mộng của vua Trần. Ngày nay, loài hoa này được yêu thích và trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Giống hoa địa lan Trần Mộng không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng có yêu cầu chặt chẽ về điều kiện khí hậu, thời tiết. Giống hoa được người dân bản mang từ rừng về trồng, với nhiều năm kinh nghiệm trồng, người dân nơi đây tự rút ra kinh nghiệm nhân giống và kỹ thuật chăm sóc. Nếu tách cây phải xem xét kỹ sức của lan và mầm nhú lan khỏe, mầm vươn dài khoảng 10cm mới tách, chọn vào thời điểm tiết trời mát dịu, lan nở đã tàn, mầm đã già có thể tách, san tỉa, sang chậu được thuận lợi. Loài địa lan này có lá dài, bẹ củ, dò hoa mọc ở dưới gốc lên, nhiều giống một củ ra hai dò hoa hoặc nhiều hơn và có loại ra dò hoa hai năm liên tiếp cùng một củ. Lan có hoa dài, ngồng hoa cao vượt trên lá, hoa to và có sắc; hoa lâu tàn, hương lan xa; ngồng hoa vươn lên uyển chuyển, ngồng hoa có thể cao gấp 2 lần chiều cao của cây. Thông thường mỗi chậu sẽ có khoảng 10 ngồng hoa trở lên, thậm trí chậu có đến trăm ngồng hoặc hơn, số hoa trên ngồng nhiều, hình dáng hoa thanh cao, hoa có hương thơm quyến rũ, màu hoa quý phái, mang ý nghĩa thịnh vượng và may mắn.

 

Hoa địa lan Trần Mộng

 

     Khi trồng địa lan Trần Mộng cần bỏ hết các rễ thân thối, luôn nhặt các lá rụng phủ ở các gốc để tránh không bị rệp trú ẩn, tách bỏ các dò bị vàng lá; dùng đất bùn ao phơi khô tẩm đạm, phân tiểu hoặc nhào đất với bùn, với phân ủ rồi phơi khô. Đất cần phải xới càng kỹ trước khi trồng. Lớp đất trên cùng có thể to hơn các lớp đất dưới. Phần đất ấp sát củ cao trên miệng chậu để sau một thời gian tưới, đất tụt xuống dần là vừa phù hợp. Nếu đất tụt xuống dưới miệng chậu, cần xếp thêm đất cho rễ và củ được mát. Chọn chậu cần chọn các chậu thoát nước, giữ được mát cho gốc cây. Chậu trồng mà sâu sẽ thúc đẩy sự phát triển rễ và giúp cây khỏe mạnh. Chậu vừa sâu vừa rộng giúp cây phát triển nhiều chồi cây, nhưng hoa sẽ ít và yếu. Chậu sâu và hẹp sẽ thúc đẩy việc cho ra những cành hoa hoa cao, khoẻ mạnh và những bông hoa đầy sức sống.

     Xã Tả Phìn được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu ôn hòa, rất thích hợp trồng giống hoa này. Theo một nghệ nhân trồng hoa địa lan, trồng loại hoa lan Trần Mộng rất khó và phải kiên trì. Đặc biệt, loài hoa chỉ thích hợp ở vùng núi cao khu vực phía Bắc, số lượng cung ứng ra thị trường không nhiều. Để có chậu địa lan bán Tết, người trồng phải mất 3 năm gieo củ, một năm chăm sóc, nên phải trồng luân phiên để năm nào cũng được thu hoạch. Không những vậy, tỷ lệ để cây nở hoa cũng rất thấp, tùy thuộc vào thời tiết để chăm sóc, nếu có mưa tuyết kéo dài, phải di chuyển cả vườn xuống những địa điểm có địa hình thấp hơn, nhiệt độ ấm, để tránh cây bị chết, hoặc nở hoa sớm trước Tết. Vào mùa hè, phải có máy phun mưa, giữ nhiệt độ ổn định cho cây phát triển. Điểm khác biệt của địa lan Sa Pa so với các giống khác là hoa nở gần 3 tháng mới tàn mà không cần bất cứ chất bảo quản nào. Đây là loại hoa rủ chứ không thẳng đứng như địa lan Đà Lạt. Mỗi chùm gồm nhiều bông, chiều cao có thể lên tới 90 cm. Đặc biệt, mùi của hoa địa lan kiếm Trần Mộng thơm dịu nhẹ, không hắc như các loại khác và loài hoa này chỉ có 4 màu đặc trưng là vàng chanh, xanh lơ, xanh ngọc, vàng nâu, trong đó, xanh ngọc là màu được ưa chuộng nhất. Hiện nay, giá bán 1 chậu hoa Trần Mộng loại nhỏ cũng từ 2 - 3 triệu đồng/chậu, loại trung bình từ 10 - 20 triệu đồng/chậu, tùy thuộc vào số bông. Với những chậu hoa to, nhiều hoa nở rực rỡ, tán đều và xum xuê thì giá có thể lên tới 100 - 120 triệu đồng, nhất là những chậu địa lan Trần Mộng 119 cành hoa, mỗi cành có 15 - 18 nụ, giá lên tới 135 triệu đồng.

     Là một trong những hộ trồng nhiều hoa địa lan, năm nay, gia đình anh Lý Phù Chiêu, dân tộc Dao, trồng hơn 600 chậu lan, thuê hai lao động là người địa phương phụ giúp chăm sóc lan. Công việc hàng ngày là tưới nước, tỉa bỏ lá già, lá sâu, uốn cành hoa. Những cành hoa ra sớm, nụ sắp bung được bao gói lại để cho nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Anh Chiêu cho biết, địa lan thường ra nụ vào khoảng tháng 9, 10. Nếu gặp rét đậm, rét hại kéo dài, nhất là sương muối hay mưa tuyết, các cành, nụ sẽ cứng lại, không phát triển, không nở hoa được. Do vậy, vụ Tết năm nay, anh Chiêu đưa hơn 200 chậu hoa địa lan chuyển xuống vùng thấp, gần sát TP. Lào Cai để tránh rét, bảo đảm cho hoa nở đúng dịp Tết, phục vụ nhu cầu khách hàng.

     Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động dồi dào ở địa phương, xã Tả Phìn đã chọn cây hoa lan là mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp xóa nghèo hiệu quả. Địa lan đang là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo của Tả Phìn. Hiện nay, tại địa phương có khoảng 500 hộ trong tổng số 701 hộ trồng hoa địa lan với khoảng 20 nghìn chậu hoa địa lan các loại. Trung bình mỗi năm, xã Tả Phìn cung cấp cho thị trường khoảng 70% số lượng hoa địa lan của Sa Pa trong dịp Tết Nguyên đán, thu về hàng chục tỷ đồng cho người dân.

     Để giúp đồng bào xã Tả Phìn phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế cây hoa địa lan, Phòng NN&PTNT huyện Sa Pa và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh hại cây lan cho người dân. Hợp tác xã hoa lan ở Tà Phìn được thành lập, thu hút hàng chục hộ tham gia, giúp nhau về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và điều tiết cho lan nở đúng thời điểm. Mới đây, Trung tâm khuyến nông tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ vốn cho nhóm thâm canh hoa địa lan, với 12 hộ ở thôn Tả Chải và Xả Xéng tham gia. Các hộ được hướng dẫn kỹ thuật tách chồi, nhân giống, kèm theo chậu trồng lan. Mục tiêu của xã Tả Phìn là phát triển hoa địa lan theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, nâng cao giá trị kinh tế của cây hoa lan Trần Mộng, đem lại nguồn thu ổn định và bền vững cho nông dân địa phương. 

     Nằm ở vùng "rốn rét" Sa Pa, quanh năm mây mù và gió lạnh, nhưng đồng bào các dân tộc Mông, Dao ở xã Tả Phìn đã biến thách thức thành cơ hội để trồng hoa địa lan, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định, góp phần xóa nghèo hiệu quả và bền vững. Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, hòa chung không khí mùa xuân, sắc hoa tươi thắm của những vườn hoa địa lan không chỉ tô điểm cho nơi đây một khung cảnh ấm áp mà còn mang sắc xuân đến với mọi nhà.

 

Lê Thúy Mai - Châu Loan

Ý kiến của bạn