Banner trang chủ

Ðào nương ngày ấy nay còn mấy ai

22/02/2016

   Ca trù là một loại hình nghệ ra đời rất sớm và có đời sống tinh thần phong phú nó gắn liền với hội hè, đình đám cùng với sinh hoạt văn hóa đời sống trong mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên ca trù được phát triển rực rỡ dưới chế độ phong kiến, nhất là các tầng lớp quan lại phong kiến kể cả trí thức thời đó rất yêu loại hình nghệ thuật này và nó phát triển mạnh ở những nơi phồn hoa, đô hội, những trốn kinh kỳ, kẻ chợ, thị, thành…Tuy nhiên mỗi miền, vùng ca trù lại có sức sống riêng đồng thời mỗi địa phương nhìn nhận, nuôi dưỡng phát triển ca trù một cách khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì tại mảnh đất Phú Thọ nơi cội nguồn tộc ca trù ở đây được phát triển khá sớm và có những giai đoạn được phát triển sâu rộng, người Phú Thọ đã từng thưởng thức ca trù rất tao nhã, lịch thiệp. Đặc biệt họ rất ưu ái và trân trọng loại hình nghệ thuật này, cùng với dân ca xoan, ghẹo có từ thời Hùng Vương dựng nước. Đặc biệt hiện nay Phú Thọ đã và đang tích cực phục hưng, phát triển và làm sống lại loại hình nghệ thuật đặc sắc độc đáo.

Ca trù là một loại hình nghệ ra đời rất sớm và gắn với văn hóa, đời sống của người Việt

   Trở lại thôn Trinh Nữ, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh- Phú Thọ chúng tôi gặp được đào nương Phạm Thị Bang năm nay đã ngoài 90 tuổi. Sinh ra trong một gia đình truyền thống có nghề ca hát, cụ Bang đã dong ruổi theo cha đi hát từ thuở nhỏ và được người cha truyền dạy nghề từ rất sớm. Cha cụ Bang là Phạm Văn Bân một người có tiếng đàn đáy và trống trầu giỏi nhất vùng ngày ấy. Còn mẹ là Lưu Thị Hoan cũng là một ca nương tiếng tăm một thủơ. Ngoài cụ Bang ra thì cụ Bân còn sinh thêm 3 người con gái nữa và tất cả đều mang vẻ đẹp “sắc nước hương trời” và cũng theo nghiệp cha mẹ làm nghề ca hát. Theo trí nhớ của cụ Bang thì cụ chính thức đi hát từ năm 13 tuổi và cuộc đời cũng thăng trầm theo câu hát. Năm 25 tuổi đào nương Phạm Thị Bang kết duyên với một trai làng, tưởng cuộc đời một cô hát sẽ hạnh phúc khi bước về nhà chồng nhưng với định kiến xã hội, cùng sự khắt khe của lễ giáo phong kiến và cả sự khắc nghiệt của nhà chồng cuộc đời ca hát của cụ chấm dứt từ đấy. Lần theo ký ức thời gian, cụ Bang kể cho chúng tôi nghe về một thời xuân sắc, một thời mà cụ đi hát khắp các vùng trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc, về cả Hà Nội, Hải Phòng, hát ở những nơi cung to, phủ lớn của các quan lại triều đình, mỗi khi có tiệc, có khao, cưới hỏi, lễ hội, đình đám… Tiếng hát của cụ đã làm say đắm biết bao, tao nhân, mặc khách, bao bậc hiền nhân, quân tử và cũng từ những buổi hát ấy đã nảy sinh bao mối lương duyên. Nhưng dường như duyên phận may mắn lại không đến với cụ để rồi từ một đào nương đoan trang hiền dịu, sắc nước hương trời phải về làm lẽ cho một gia đình quyền quý, rồi sau đó phải bỏ hát, để mà “thèm câu hát ngay trong những giấc mơ”. Nhiều lúc cụ nhớ hát đến nao lòng, nhưng vẫn phải kìm nén nhất là khi đã có con rồi cụ vẫn không thể ru con bằng những bài hát quen thuộc mà một thời mình đã từng hát. Hiện nay cụ Bang có 9 người con gái, 5 con của chồng và 4 con do chính cụ sinh ra, nhưng cụ không truyền dạy ca hát cho ai vì theo cụ cuộc đời của cụ đã quá long đong chìm nổi trong từng câu hát, mà đã trót mang cái nghiệp ca hát vào thân thì nó lênh đênh, chìm nổi, đa đoan đoạn trường và bạc bẽo lắm “Một là duyên hai là nợ ba nữa là tình. Cớ làm sao con chim nó lẩn quất mãi bên mình suốt cả năm canh, ả phiền là bạn, mấy ả phiền…”. Nghe câu hát ngọt ngào mượt mà day dứt lắm. Chúng tôi biết cụ đang hồi tưởng lại một thời xuân sắc mà trong đó có cả niềm vui và bao nỗi đoạn trường. Chôn chặt đáy lòng câu hát trên 60 năm với gần một đời người, biết bao thăng trầm, khổ đau, cay đắng, tiếng hát của đào nương Phạm Thị Bang năm xưa lại cất lên làm chúng tôi phải ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng cho cả người dân nơi đây và cả con cháu gia đình bởi vì xưa nay có mấy ai biết cụ là đào nương tiếng tăm một thuở. Càng ngỡ ngàng khi cụ hát cho chúng tôi nghe lại các bài hát Mưỡu và hát Nói như: Hồng hồng tuyết tuyết, Hồ mã bắc phương, Tri kỷ như ai… giọng hát của cụ vẫn còn mượt mà và trong trẻo lắm, nghe cụ hát không ai có thể nghĩ là giọng hát của một cụ bà ở độ tuổi 90, đã có nhiều người ví cụ như cụ Quách Thị Hồ của Phú Thọ. Không chỉ được nghe cụ hát mà chúng tôi còn được cụ giảng giải cho phân tích cho nghe từng điệu hát, nhịp phách, tiếng đàn, ví như để hát được hay thì phải đẩy hơi, nhả chữ như thế nào và nghệ thuật hát ca trù là loại hình khó hát, tiết tấu không đơn giản. Khó ở ca trù là cách đánh phách, nhịp (tom, chát), rơi ngoài trọng âm hơn là cái “E”, cái chất của hát dân ca, cái “vang, rền, nền, nảy”. Theo như chúng tôi được biết thì hiện nay lớp người như cụ Bang hát được ca trù không còn ai nữa. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương thì đã có một thời vắng chính trên quê hương Phú Thọ đã vắng bóng tiếng ca trù, bởi nhiều nguyên nhân khách quan nhất là một thời nhiều người coi các ả đào là thứ xướng ca vô loài và gán ghép cho ca trù cũng như xung quanh nó nhiều tiếng xấu không mấy thiện cảm. Do đó nhiều đào nương tiếng tăm một thuở không còn mặn mà với tiếng đàn, nhịp phách cùng với loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ông cũng khảng định Phú Thọ là đất phát tích của dân tộc, nơi còn gìn giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống độc đáo, do vậy cùng với dân ca xoan, ghẹo thì Phú Thọ cần sớm khôi phục loại hình nghệ thuật ca trù là hết sức cần thiết, bởi bản thân ca trù kết tinh giá trị nghệ thuật rất tinh tế, có sức truyền cảm và lan tỏa, đồng thời qua đó còn thu hút du khách thập phương mỗi khi trở về nguồn cội. Qua đó còn làm giàu thêm giá văn hóa cổ truyền và bản sắc văn hóa vùng miền. Hiện nay cụ Bang vẫn còn nhớ được 8 giọng hát chính và 38 giọng hát lẻ của hát bát thanh; trong đó cụ hát được nhiều giọng như: trầu văn, hát tuồng, xướng tế, xẩm, khóc… và nhiều điệu hát như: xẩm chèo, kể chuyện, nảy Kiều… đặc biệt cụ còn nhớ được gần 40 bài hát Mưỡu và hát Nói, hơn chục bài hát thờ. Hỏi cụ tại sao trên 60 năm không hát cụ vẫn nhớ được nhiều bài hát và điệu hát như thế, cụ Bang bảo dường như từng câu hát đã ăn vào máu thịt, không thể nào quên và tự nó cứ tuôn trào, nhất là những đêm cụ không ngủ được. Được biết Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tặng thưởng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp dân gian Việt Nam và bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho nghệ nhân Phạm Thị Bang. Âu cũng là xứng đáng với cụ vì những đóng góp với cuộc đời này. Bởi như chúng tôi được biết hàng loạt lớp tập huấn về ca trù tổ chức tại huyện Phù Ninh, thành phố Việt Trì do ngành Văn hóa thông tin (cũ) nay là Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm khôi phục lại vốn ca trù trên quê hương đất Tổ, chủ yếu cụ Phạm Thị Bang là người truyền dạy, cụ còn về tận Việt Trì truyền dạy ca trù cho các diễn viên, nhạc công của Đoàn nghệ thuật chèo Phú Thọ. Tại Hội thảo quốc tế và liên hoan ca trù toàn quốc do Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2006, cụ Phạm Thị Bang và các diễn viên, nhạc công của đoàn nghệ thuật chèo Phú Thọ đã giới thiệu với công chúng những làn điệu ca trù đặc sắc và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong công chúng và giới nghiên cứu văn hóa dân gian.

Ca trù góp phần thu hút khách thập phương mỗi khi trở về nguồn cội

   Được biết, những năm qua, ngành Văn hóa thể thao và du lịch Phú Thọ đã vào cuộc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về ca trù, đêm ca trù về với cội nguồn, ca trù sức sống và lan tỏa…Tuy nhiên để ca trù ngày một phát triển thì cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Có như vậy thì tiếng hát ca trù mới được cất lên từ mọi làng quê.

Phạm Công Đảo

Cục Thông tin đối ngoại,
Bộ Thông tin và Truyền Thông

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn