Banner trang chủ

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Nam châu Phi

25/02/2019

    Hiện hơn 600 triệu người ở khu vực Nam châu Phi vẫn chưa được sử dụng điện, do vậy, năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới là một trong những cách nhanh nhất nhằm đưa điện đến những khu vực đang có nhu cầu, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và hẻo lánh với số lượng không nhỏ người châu Phi sinh sống. Do đó, các nước khu vực Nam châu Phi đang chuẩn bị nguồn nhân lực có thể lập kế hoạch, lắp đặt và bảo trì các hệ thống năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sạch.

 


Các tua bin gió tại một cánh đồng ở Vredendal, Nam Phi (Ảnh TTXVN)

 

    Theo khảo sát, việc thiếu nguồn cung lao động được đào tạo để lập kế hoạch, lắp đặt và bảo trì năng lượng mặt trời, gió và các hệ thống năng lượng sạch khác đang là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực cung cấp điện cho khu vực này. Hiện, số lượng lao động trẻ được đào tạo về công nghệ năng lượng sạch chiếm tỉ rất nhỏ. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), nếu không tính nước Nam Phi, chỉ khoảng 16.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Nam châu Phi. Con số này chỉ chiếm khoảng 0,1% lực lượng lao động trong ngành năng lượng tái tạo toàn cầu và ít hơn số người làm việc trong lĩnh vực năng lượng gió ở riêng bang Illinois, Mỹ. Do đó, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các doanh nhân năng lượng tái tạo và công nhân lắp ráp sản phẩm, bán hàng, tiếp thị, tài chính và sở hữu trí tuệ.

    Với thực tế trên, tháng 10 vừa qua, Hội nghị quốc tế về năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới ở Singapo phát động chiến dịch Thúc đẩy việc làm (Powering Jobs) với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người trên toàn cầu vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo.

    Giám đốc về phát triển bền vững Gilles Vermot Desroches của Quỹ Năng lượng điện Schneider cho biết, "Với sự hỗ trợ của Schneider và Quỹ Rockefeller, tổ chức Năng lượng cho mọi người (Power for All) - tổ chức thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới, sẽ tập trung vào việc xây dựng các kỹ năng ở các quốc gia có tỷ lệ tiếp cận điện đang ở mức rất thấp". 

    IRENA cho rằng, nỗ lực trên là một phần của chiến dịch toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu 4,5 triệu việc làm vào năm 2030 liên quan đến việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới. Một phần của việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới tập trung đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu về cung cấp năng lượng phổ cập, phù hợp với điều kiện tài chính, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại vào năm 2030.

    Giám đốc nhân sự BBOXX Kweku Yankson cho biết, một trong những vấn đề lớn nhất đối với việc mở rộng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới ở châu Phi là các hệ thống cần được xây dựng, lắp đặt và vận hành ở những khu vực xa xôi, nên khó thu hút và giữ chân người lao động đáp ứng yêu cầu. Ngay cả ở các quốc gia, chẳng hạn như Rwanda, vốn ngày càng được nhiều công ty đa quốc gia hỗ trợ đào tạo số lượng lớn lao động trẻ, thì thách thức cấp bách nhất vẫn là xoay quanh việc tìm kiếm các giám đốc, nhà quản lý tài chính có kinh nghiệm, đủ khả năng. Để cung cấp nguồn lao động tiềm năng dồi dào hơn, BBOXX đã thành lập Học viện BBOXX, cung cấp các khóa học chuyên về năng lượng tái tạo thông qua đào tạo trực tuyến.

    Emery Nzirabatinya, cựu Giám đốc học tập và phát triển của BBOXX và hiện đang làm việc tại Nairobi cho một công ty trợ thính của Mỹ cho biết, BBOXX đang triển khai chương trình lãnh đạo tương lai ở Kigali, Rwanda nhằm tìm kiếm sinh viên tốt nghiệp đại học có tiềm năng và tiếp tục đào tạo thông qua chương trình phát triển nghiêm ngặt, kéo dài một năm với điều kiện trải nghiệm thực tế tại BBOXX. Việc thúc đẩy đào tạo các lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nước châu Phi vốn đang nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo ngoài mạng lưới.

    Tháng 12/2018, Kenya đã bắt đầu triển khai Chiến lược điện khí hóa quốc gia mới bao gồm các hệ thống năng lượng tái tạo độc lập, ngoài mạng lưới, coi đây là yếu tố quan trọng nhằm đạt được mục tiêu 100% hộ gia đình có điều kiện sử dụng điện vào năm 2022. Khoảng 75% dân số Kenya hiện đang được sử dụng điện.

    Isaac Kiva, người phụ trách bộ phận năng lượng tái tạo của Bộ Năng lượng Kenya cho biết, Kenya nỗ lực nhằm cung cấp điện cho 1,3 triệu người thuộc 14 quận hiện đang thiếu nguồn cung điện. Nước này đang nghiên cứu đưa vào hệ thống giáo dục chương trình giảng dạy cụ thể về điện Mặt Trời để đào tạo kỹ năng cần thiết đối với nguồn lao động tương lai.

    Chính phủ Rwanda đang hợp tác với các trường đại học Mỹ, như Carnegie Mellon và thúc đẩy nỗ lực học tập trực tuyến để cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn cho người học nhằm đào tạo nhân lực cho ngành năng lượng sạch. Cựu Giám đốc học tập và phát triển của BBOXX Emery Nzirabatinya dự đoán quá trình trên sẽ có tác động tích cực, chuẩn bị các kỹ năng cần thiết đối với nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Rwanda.


 

 Hương Mai (Theo BNews/TTXVN)

Ý kiến của bạn