Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 04/07/2024

Diễn đàn “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam”

28/03/2024

    Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Diễn đàn.

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

    Theo khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) và tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam), năm 2022, thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị với 19 nhóm chỉ tiêu chính tại 118 KCN trên cả nước cho thấy, có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái, chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường…

    Kết quả này đã chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các KCN liên quan đến việc phát triển bền vững các KCN. Đây cũng có thể là những chỉ dấu cho các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các KCN bền vững tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ thêm.

    Tình trạng tăng phát thải khí CO2 là vấn đề nghiêm trọng mà các KCN đang phải đối mặt hiện nay, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư xung quanh. Do vậy, để thực hiện Chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26, các KCN truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.

    Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nguồn vốn và tài chính. Bà Trần Thị Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ chia sẻ, phần lớn các KCN được phát triển theo giai đoạn cuốn chiếu, việc đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ thống các phân khu chức năng và hệ thống xử lý nước thải, hệ thống hoàn thiện điện nước thì cần nguồn vốn lớn và phải đầu tư ngay từ ban đầu. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý còn chưa rõ ràng, gây cản trở cho KCN trong việc chuyển đổi mô hình.

Quang cảnh Diễn đàn

    Tại Diễn đàn, các đại biểu được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp về các vấn đề cấp thiết cho việc phát triển KCN bền vững như: Chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển bền vững trong KCN, KKT; Góp ý về khung pháp lý xây dựng, phát triển KCN bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá về thực trạng tăng phát thải CO2 tại các KCN Việt Nam hiện nay; Sử dụng tài chính xanh, công nghệ xanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả, sản xuất và đầu tư xanh; Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng hiện đại hóa; Các biện pháp chủ động trong thiết kế, xây dựng, vận hành để phát triển KCN bền vững, Phát triển các mô hình phát triển KCN bền vững: Mô hình KCN cộng sinh, kinh tế tuần hoàn; Phát triển Logistics, hoàn thiện chuỗi cung ứng xanh trong các KCN; Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí trong KCN, Quản lý KCN, Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào phát triển KCN bền vững; Xây dựng mạng lưới KCN, xanh, thông minh bền vững tại Việt Nam…

    Bàn về giải pháp nhằm phát triển KCN bền vững thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách, mô hình phát triển và quản lý KCN nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước trên nền tảng năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Xây dựng KCN có sức hấp dẫn đầu tư, có tính cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư có chọn lọc và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Phùng Quyên

Ý kiến của bạn