Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Nâng cao vị thế của phụ nữ trong xử lý, phân loại rác trong cộng đồng

24/10/2023

    Trong các chiến lược phát triển quốc gia và chính sách phát triển ngành của nước ta đã xác định, giới và môi trường nói chung, phụ nữ và môi trường nói riêng là một trong những vấn đề xuyên suốt đồng thời là mục tiêu quan trọng. Trong công việc, cuộc sống hàng ngày, phụ nữ tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nam giới. Với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Tại một số nước, trong đó có Việt Nam, phụ nữ thường gặp các vấn đề bất thường về sức khỏe do sự phơi nhiễm các chất ô nhiễm. Tỷ lệ các ca ung thư cá biệt (đặc biệt là ung thư vú), sự rối loạn khả năng sinh sản và suy nhược mãn tính là một số vấn đề thường gặp, phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới.

    Phụ nữ chịu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phụ nữ nghèo thường ít được tiếp cận các quyền sử dụng đất, giáo dục và các dịch vụ hỗ trợ khuyến nông, tài chính... Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn. Phụ nữ không chỉ có nguy cơ bị phơi nhiễm sớm hơn và lâu hơn đàn ông mà đồng thời, khi gia đình bị ảnh hưởng sức khỏe do môi trường thì với vai trò “kép” chăm sóc gia đình, phụ nữ lại nhận gánh nặng gấp đôi.

Toàn cảnh Hội thảo bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa

    Nhìn ở mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác BVMT. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình. Những người mẹ, người vợ được xem là những nhà giáo dục đầu tiên trong gia đình nên có thể truyền đạt thông tin và nâng cao nhận thức cho các thành viên về BVMT. Từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và BVMT, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

    Báo cáo Đánh giá hiện trạng về giới trong chuỗi giá trị nhựa tại Việt Nam do Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) thực hiện cho biết, tại gia đình, phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, và có xu hướng hành vi quản lý chất thải bền vững hơn so với nam giới, họ chú ý nhiều hơn đến việc phân loại và tái sử dụng rác thải. Trong công việc thu gom, phân loại, thải bỏ và quản lý chất thải nhựa, các lao động nữ trong doanh nghiệp môi trường (khu vực chính thức) hay người thu mua đồng nát, ve chai (khu vực phi chính thức) đều tham gia rất tích cực. Họ cũng hưởng ứng các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam, cũng như các tổ chức khác trong việc thúc đẩy quản lý chất thải và phân loại chất thải tại nguồn, thông qua Phong trào “Chống rác thải nhựa”, các chiến dịch truyền thông hay sáng kiến, mô hình thí điểm tại địa phương.

    Mặc dù vậy, Việt Nam đang thiếu những nghiên cứu về các yếu tố giới và hòa nhập xã hội trong ngành sản xuất sản phẩm nhựa; thiếu những phân tích về giới và xã hội đối với việc thiết kế và sản xuất sản phẩm nhựa theo hướng tái chế; thiếu thông tin rõ ràng về các tác động về giới và xã hội của các thiết chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) hiện nay và trong tương lai. Khi thu nhập của phụ nữ cao hơn, họ có thể chủ động ứng phó với các tác động từ ô nhiễm môi trường cho chính họ cũng như cho gia đình. Có 2 khía cạnh hỗ trợ cần quan tâm là nâng cao năng lực cho phụ nữ và trang thị thêm các thiết bị bảo hộ lao động phù hợp, điều này sẽ giúp giảm sự kỳ thị xã hội đối với công việc vệ sinh môi trường, thu gom ve chai. Bên cạnh đó, nghiên cứu và truyền thông là xương sống của chính sách tốt, đảm bảo quyền và lợi cho phụ nữ. Việc xóa bỏ khoảng cách giữa chính sách cấp quốc gia và thực thi ở cấp địa phương cũng rất quan trọng, nhằm đảm bảo nhu cầu của người phụ nữ trong lĩnh vực này và góp phần quyết những vấn đề đặt ra về xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường.

An Vi

Ý kiến của bạn