Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển

01/11/2023

    Từ ngày 25-27/10/2023, Trường Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức Khóa tập huấn “Nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong khu vực phi chính thức tại các khu vực đô thị trung tâm trong việc ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa biển”.

Quang cảnh Khóa tập huấn

    Vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường. Điển hình như việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Gần đây nhất, Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương… Và trong lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa, túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 liên quan đến quản lý chất thải nhựa cũng đã có những quy định rõ bắt đầu từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ ngừng sản xuất cũng như nhập khẩu túi nhựa không phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày dưới 50 µm phục vụ tiêu dùng trong nước. Nghị định cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm SUP khác, cho đến khi tất cả bị cấm vào năm 2031. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Dù chưa áp dụng xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn nhưng với việc ban hành Nghị định sẽ góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi hành vi, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân.

    Phát biểu khai mạc Khóa tập huấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học quốc gia Hà Nội PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh nhấn mạnh, phụ nữ là nhân tố tích cực, lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình. Những người mẹ, người vợ được xem là những nhà giáo dục đầu tiên trong gia đình nên có thể truyền đạt thông tin và nâng cao nhận thức cho các thành viên về bảo vệ môi trường. Từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, họ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Do vậy, cần nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa biển nói riêng, góp phần từng bước hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bền vững và hiệu quả.

    Tại Khóa tập huấn, các đại biểu được các chuyên gia đến từ Bộ TN&MT, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ cung cấp nhiều thông tin bổ ích như: Các cam kết quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất của Việt Nam; Chính sách, pháp luật của Việt Nam về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm phòng chống, giảm thiểu và xóa bỏ ô nhiễm biển từ rác thải nhựa; Kinh nghiệm thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Vai trò của phụ nữ trong khu vực phi chính thức và chính sách, pháp luật liên quan đến xử lý rác thải của Việt Nam… Trong khuôn khổ Khóa tập huấn, các đại biểu còn được tham dự Lễ trao giải Cuộc thi “Tiếng gọi từ đại dương”.

Hương Mai

 

Ý kiến của bạn