Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho học sinh

25/10/2023

    Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, những năm qua, đi đôi với nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng Thành phố xanh, sạch, thân thiện môi trường. Với nỗ lực của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư, công tác BVMT trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện có 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường, 516 khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu khu dân cư Sạch - Đẹp. Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch với các giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa theo hướng giảm thiểu, tăng cường phân loại tại nguồn để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế theo mô hình kinh tế tuần hoàn… Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT cho học sinh được đặc biệt chú trọng. 

    Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ khẳng định, Sở TN&MT luôn xác định, học sinh là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT. Từ năm 2016 đến nay, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký biên bản hợp tác triển khai thực hiện hoạt động truyền thông đối với đối tượng là học sinh trên địa bàn Thành ph và nhân rộng nhiều mô hình, giải pháp xanh. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về Luật BVMTT và những nội dung liên quan tới môi trường xanh. Đặc biệt, trong các năm học, cuộc thi về Trường học xanh đã thu hút được sự tham gia tích cực của học sinh với nhiều kiến thức bổ ích liên quan tới hoạt động BVMT, biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính...

Học sinh THCS tại huyện Hóc Môn tham dự Ngày hội “sống xanh” (Ảnh: ITN)

    Đơn cử, tại Trường THCS Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) vừa qua, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra như Chương trình sân khấu hóa về BVMT; gian hàng “Đổi rác lấy quà”; gian hàng “Hành trình thứ 2 của rác thải tái chế" với phần thi sáng tạo từ vật liệu tái chế; gian hàng “Phân loại rác thải”; Hội thi “Em là tuyên truyền viên BVMT”; sân chơi thiếu nhi gồm các trò chơi dân gian, trò chơi sáng tạo với chủ đề về BVMT. Trong đó, Hội thi “Em là tuyên truyền viên BVMT” thu hút đông đảo học sinh tiểu học, THCS. Các em tự tin trình bày ý tưởng thông qua nhiều hình thức như thuyết trình bằng tranh vẽ, thuyết trình có hoạt cảnh, thuyết trình có sản phẩm minh họa...

    Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, ngành giáo dục Tành phố đã triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; các trường học đã hưởng ứng tích cực phong trào thi đua thông qua nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực. Mỗi cán bộ giáo viên, sinh viên, học sinh tiên phong trong việc thay đổi tư duy, thay đổi thái độ, cùng chung tay tạo dựng môi trường trong lành.

    Theo đó, nhiều hoạt động được triển khai thực hiện như tuyên truyền, thông tin về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, xanh hóa nhà trường, Cuộc thi sáng tác tranh cổ động, thi viết, vẽ chủ đề BVMT... đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh sinh viên. Nhiều hoạt động BVMT đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia hưởng ứng như Ngày Chủ nhật xanh, Chiến dịch Vì một Việt Nam xanh, Hãy làm sạch biển… Ngành giáo dục cũng lồng ghép kế hoạch và chương trình giáo dục trong các bậc học về kiến thức BVMT; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như ý nghĩa của sản phẩm tái chế, giúp học sinh có kiến thức phong phú hơn. Hàng năm, nhân Ngày Môi trường thế giới và Giờ Trái đất, ngành giáo dục cũng phối hợp với Thành đoàn tổ chức hoạt động tình nguyện làm sạch vệ sinh môi trường, trồng cây ở các khu công cộng để học sinh cùng tham gia với cộng đồng trong công tác BVMT.

Phương Tâm

Ý kiến của bạn