Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 04/07/2024

Sơn La: Tập huấn xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

07/11/2023

    Từ ngày 6 - 7/11, Sở TN&MT tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn 2 huyện Thuận Châu - Quỳnh Nhai.

    Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính riêng 2 năm 2021 - 2022, toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt trên 250 trường hợp vi phạm, tổng tiền phạt hơn 8,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác thanh, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số địa phương còn cho thấy một số tồn tại, hạn chế nhất định, tình trạng lập biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, trình tự, biểu mẫu; không ghi căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính; lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không ban hành quyết định xử phạt; xác định thẩm quyền xử phạt và chuyển hồ sơ xử phạt còn thực hiện qua cơ quan trung gian….

    Đại diện Sở TN&MT đã đưa ra một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/2/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

    Đặc biệt, căn cứ tình hình thực tiễn tại các địa phương, Thanh tra Sở TN&MT đã chỉ ra một số tồn tại thường gặp trong công tác xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và các lưu ý trong việc áp dụng Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ). Cùng với đó là tồn tại thường gặp và các lưu ý trong việc áp dụng Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ)… Trên cơ sở đó, hướng dẫn cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT cách thức lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản.

    Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi về khó khăn, vướng mắc cũng như tồn tại, hạn chế khi áp dụng các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên, môi trường… Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện hiệu quả, toàn diện các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT. Đặc biệt, giúp đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại cấp huyện, xã nắm vững các kiến thức mới về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực TN&MT. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT. Đồng thời, kịp thời phát hiện những quy định không còn khả thi, phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để kịp thời đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn