Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 04/07/2024

Đánh giá khả năng thích nghi của người dân và các giải pháp ứng phó tại khu vực sạt lở đất bờ sông Hậu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang

03/10/2023

    Tóm tắt:

    Những năm gần đây, nhu cầu đầu tư, xây dựng các công trình ngày càng tăng, cùng với việc xây dựng các hồ chứa và đập thủy điện tại các quốc gia ở thượng nguồn đã làm cho lượng bùn, cát ở sông Hậu giảm dần, mực nước sông hạ thấp, làm tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và huyện Châu Phú nói riêng diễn ra với tần suất nhiều hơn, gây thiệt hại cho người dân về vật chất, tinh thần. Đề tài tập trung nghiên cứu đánh giá hiện trạng và tìm ra nguyên nhân của việc sạt lở đất bờ sông Hậu trong những năm qua, cũng như tác động đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn; đồng thời, xem xét khả năng thích ứng của người dân và các giải pháp ứng phó tại khu vực sạt lở đất bờ sông Hậu, thuộc đia bàn huyện Châu Phú. Nhóm tác giả đã thực hiện phỏng vấn, khảo sát trực tiếp các đối tượng bị ảnh hưởng và những người làm công tác quản lý nhà nước có liên quan đến sạt lở. Từ đó, làm cơ sở để chính quyền có chính sách và giải pháp ứng phó phù hợp, giúp người dân thích nghi khi có sạt lở xảy ra. Theo kết quả thu thập từ năm 2018 - 2022, tình hình sạt lở đất trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang) là 84 vụ, trong đó sạt lở đất bờ sông Hậu tại khu vực nghiên cứu, xảy ra 7 vụ đã làm mất đi khoảng 6.150m2 đất.

    Từ khóa: sông Hậu, sạt lở đất, Châu Phú.

    Ngày nhận bài: 15/6/2023; Ngày sửa chữa: 3/7/2023; Ngày duyệt đăng: 28/7/2023.

Assessment of adaptability and response solutions in the landslide area along Hau river, Chau Phu District, An Giang province

    Abstract:

    In recent years, the increasing demand for construction investment along with the construction of reservoirs and hydroelectric dams in upstream countries has gradually decreased the amount of mud and sand in the Hau River, and the river water level is lower and lower. Since then, the situation of landslides on the banks of the Hau River in An Giang Province in general and Chau Phu District, in particular, have been occurring with more frequency and causing damage to residents physically and mentally. The study focuses on assessing the current status and finding out the causes of landslides along the Hau River in recent years. Its impacts have affected the spirit and property of community, thereby the Government agency makes appropriate policies and solutions to promptly help residents adapt when the landslide of the riverbank occurs. According to the results collected from 2018 to 2022, the landslide situation in Chau Phu District was 84 cases, of which seven cases of landslides were on the banks of the Hau river in the study area, causing the loss of approximately 6,150 m2 of land area.

    Keywords: Hau river; landslide; Chau Phu.

    JEL Classifications: Q54, R52, N55.

    1. Đặt vấn đề

    Huyện Châu Phú, An Giang là một trong những huyện được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Hậu, sông Tiền hiền hòa, thơ mộng chảy qua. Những dòng sông này mang về cho địa phương nhiều tài nguyên và khoáng sản, qua đó góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân nói riêng, cũng như đóng góp cho sự tăng trưởng của địa phương nói chung.

    Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) thì dân số ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngày càng nhiều. Đồng thời, việc xây dựng hồ tích nước ở các quốc gia thượng nguồn làm cho thiếu hụt nghiêm trọng lượng bùn, cát từ sông Mê Kông đổ về hạ nguồn, làm cho tình hình sạt lở đất bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang nói chung và Châu Phú nói riêng đang có chiều hướng gia tăng và với tần suất ngày càng nhiều.

    Xét trên toàn bộ sông rạch ở ĐBSCL thì tổng số điểm sạt lở là 665 điểm, tổng chiều dài 1.048 km. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL xảy ra từ nhiều thập kỷ, tuy nhiên hiện tượng sạt lở trong 10 năm qua xảy ra càng lúc càng nghiêm trọng với tốc độ sạt lở gia tăng (Huỳnh Công Hoài, 2019) [1].

    Theo thống kê trong 5 năm (2018 - 2022) [2 - 6], trên địa bàn huyện Châu Phú đã xảy ra 84 vụ sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch. Nghiêm trọng nhất là ở hai khu vực thuộc địa bàn thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và xã Bình Mỹ, làm ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương hàng hóa và gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó, vụ sạt lở Quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú làm ảnh hưởng 16 căn nhà, thiệt hại hơn 25 tỷ đồng, một phần đường Quốc lộ 91 đã sạt lở hoàn toàn xuống sông Hậu. Tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, tổng chiều dài sạt lở, răn nứt khoảng 140m (vị trí sạt lở nằm cạnh Quốc lộ 91). Cơ quan chức năng đã phải di dời khẩn cấp 25 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Từ đó gây nên những xáo trộn trong cuộc sống của người dân và đặc biệt là các hộ dân trực tiếp bị sạt lở đất bờ sông Hậu, hoặc thuộc diện phải di dời, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

    Bài báo xem xét khả năng thích ứng của người dân và các giải pháp ứng phó tại khu vực sạt lở đất bờ sông Hậu, thuộc đia bàn huyện Châu Phú.

    2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

    Vị trí nghiên cứu là địa bàn thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, có vị trí tiếp giáp với sông Hậu, tuyến Quốc lộ 91 đi qua, là khu vực thường xuyên chịu tác động của sạt lở đất bờ sông Hậu (Hình 1).

Hình 1. Sơ đồ vị trí khu vực nghiên cứu

    Nghiên cứu tập trung vào các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp chủ yếu về vật chất, tinh thần do việc sạt lở xảy ra, đồng thời nghiên cứu công tác quản lý của cơ quan nhà nước về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPBĐKH, PCTT & TKCN), cụ thể: đối tượng bị ảnh hưởng (người dân; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán); đối tượng quản lý nhà nước (tổ tự quản, ban ấp, UBND xã, phòng, ban, ngành thuộc huyện).

    Nhóm tác giả thực hiện phỏng vấn, khảo sát trực tiếp các đối tượng bị ảnh hưởng và những người làm công tác quản lý có liên quan đến sạt lở tại cơ quan nhà nước. Tổng số phiếu được phỏng vấn là 116 phiếu (người dân: 91 phiếu, người quản lý: 25 phiếu). Theo đó, phiếu phỏng vấn đối với người dân, hộ kinh doanh được thu thập những thông tin trước và sau sạt lở đất như tình hình đời sống, nghề nghiệp, thu nhập, tình hình kinh doanh, mua bán, diễn biến sạt lở đất, những lo sợ khi sạt lở xảy ra, dấu hiệu bất thường, sự hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, nguyên nhân gây nên sạt lở…

    Phiếu phỏng vấn đối với người quản lý được thu thập những thông tin diễn biến tình hình sạt lở, mức độ ảnh hưởng, công tác cảnh báo, những dấu hiệu trước khi sạt lở, công tác di dời dân, hỗ trợ di dời, sự quan tâm tình hình đời sống của người dân sau sạt lở, nguyên nhân sạt lở...

    Việc lựa chọn đối tượng để phỏng vấn chủ yếu là những người trực tiếp bị ảnh hưởng hoặc đối tượng có nguy cơ phải di dời, đối với người quản lý chủ yếu là những người ở các cơ quan có chức năng quản lý sạt lở như ngành Nông nghiệp, TN&MT, Thủy lợi, Kinh tế hạ tầng và Ban ấp.

    Việc phỏng vấn được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, số liệu được thu thập, nhập vào Excel để thống kê và xuất kết quả là các biểu đồ.

    3. Kết quả nghiên cứu

    3.1. Tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu

    Kể từ khi hai vụ sạt lở xảy ra tại địa bàn ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ vào năm 2009 và vào năm 2012 tại Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thì ở khu vực nghiên cứu không xảy ra sạt lở đất bờ sông Hậu. Đến năm 2018, tại địa bàn ấp Vĩnh Thuận, thị trấn Vĩnh Thạn Trung tiếp tục xảy ra sạt lở ở Kho Tân Thành và đến năm 2019, tại ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, đoạn Quốc lộ 91 xảy ra sạt lở nghiêm trọng làm toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 sụp xuống sông Hậu (Hình 2).

  

 

Hình 2. Ảnh sạt lở tại Vĩnh Thạnh Trung (năm 2018) và Bình Mỹ năm 2019

  

Hình 3. Kết quả khảo sát tình hình sạt lở đất bờ sông (năm 2023)

    Qua kết quả phỏng vấn 25 người làm công tác quản lý ở các cơ quan nhà nước tại hai khu vực nghiên cứu (tháng 4/2023), họ cho rằng, diễn biến tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu so với những năm gần đây có chiều hướng tăng chiếm 72%, tăng và nghiêm trọng chiếm 28%; diễn biến tình hình sạt lở so với 10 năm trước thì 100% người được khảo sát cho rằng, sạt lở diễn ra nhiều hơn.

    Tổng hợp các số liệu từ báo cáo tổng kết công tác ƯPBĐKH, PCTT & TKCN và báo cáo kết quả quan trắc đợt I năm 2022 của Sở TN&MT được Bảng sau:

 

S

T

T

Khu vực nghiên cứu

Tổng

2018

2019

2020

2021

2022

Sốvụ

Diện tích (m2)

Số vụ

Diện tích (m2)

Số vụ

Diện tích (m2)

Số vụ

Diện tích (m2)

 

Số vụ

Diện tích (m2)

1

Bình Mỹ

02

00

00

01

1200

01

240

00

00

00

00

2

Vĩnh Thạnh Trung

05

01

780

01

80

01

1300

01

150

01

2400

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo tổng kết công tác sạt lở năm 2018-2022 của huyện Châu Phú và báo cáo kết quả quan trắc đợt I số 143/BC-STNMT ngày 19/7/2022 Sở TN&MT [2 - 7]

    Nhận thấy từ năm 2018 - 2022, tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu tại khu vực nghiên cứu xảy ra liên tục là 7 vụ, làm mất đi khoảng 3670,0 m2 đất, đặc biệt là tại khu vực ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ đã làm sụp toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 xuống sông Hậu, với chiều dài khoảng 137m, làm tình hình giao thông bị chia cắt và phải đầu tư tuyến tránh để kết nối lại giao thông. Từ đó, cho thấy tình hình sạt lở đất bờ sông Hậu tại khu vực này có chiều hướng tăng và nghiêm trọng.

    3.2. Nguyên nhân sạt lở đất bờ sông

Hình 4. Đánh giá nguyên nhân sạt lở đất bờ sông Hậu (năm 2023)

    Qua kết quả khảo sát từ hai đối tượng là người bị ảnh hưởng (91 phiếu) và người quản lý (25 phiếu) cho thấy:

    - Đối tượng bị ảnh hưởng cho rằng, việc sạt lở đất bờ sông Hậu chủ yếu do tự nhiên như thiên tai, lũ lụt, bị hàm ếch chiếm 96,7 %; còn lại 3,3% là do yếu tố tự nhiên và con người.

    - Đối tượng quản lý cho rằng, việc sạt lở đất bờ sông Hậu chủ yếu do sự kết hợp nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là tự nhiên và con người như: Địa hình đáy sông không bằng phẳng, có nhiều lạch sâu gần bờ; Hình thái dòng sông cong, cua; Đặc điểm thủy triều của 2 mùa khô và lũ; Việc xây dựng công trình làm tăng tải trọng đường bờ; Lượng bùn cát về đồng bằng ít dần do các công trình thủy điện, hồ tích nước ở thượng nguồn…

    Theo kết quả nghiên cứu [1], có 7 nguyên nhân ảnh hưởng đến diễn biến sạt lở bờ sông gồm: Địa chất; Địa hình - hình thái sông; Chế độ thủy lực; Chế độ phù sa bùn cát; Khai thác cát; Giao thông thủy; Xây dựng cơ sở hạ tầng.

    Qua kết quả khảo sát từ các đối tượng được phỏng vấn và kết quả nghiên cứu [1] cho thấy, nguyên nhân sạt lở đất bờ sông tại khu vực nghiên cứu chủ yếu là do yếu tố tự nhiên và con người. Tuy nhiên, cách nhận thức của đối tượng bị ảnh hưởng còn hạn chế, nên khả năng tự ứng phó của họ với việc sạt lở chưa kịp thời, còn chủ quan nên dễ bị tác động.

    3.3. Những ảnh hưởng của sạt lở đất bờ sông Hậu

    - Ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế người dân: Khi sạt lở xảy ra, các tác động của nó thường gây nên hậu quả khó lường, có thể dẫn đến những thiệt hại về người và tài sản. Từ đó để lại những tổn thương khó có thể bù đắp được trong thời gian ngắn. Kết quả khảo sát tại khu vực nghiên cứu được biểu đồ như (Hình 5).

Hình 5. Kết quả khảo sát những thiệt hại vật chất do sạt lở gây ra (năm 2023)

    Qua kết quả khảo sát 74 người tại hai khu vực nghiên cứu cho thấy, việc sạt lở đất bờ sông đã gây ra tác động lớn cho đối tượng bị ảnh hưởng. Thiệt hại nhiều chiếm cao nhất 38%, chủ yếu là đất ở và nhà ở; 4,1% đối với đất ruộng, cây trồng và vật nuôi, đây là các tài sản chủ yếu phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của người dân. Thiệt hại không đáng kể chiếm tỷ lệ nhỏ từ 4,1 - 9,5% cho các loại tài sản (Hình 5).

    - Ảnh hưởng đến tinh thần cộng đồng: Những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thấy trực tiếp, nhưng nó sẽ gây ra hậu quả to lớn về tâm lý của người dân, làm hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, cũng như trong tương lai, gây nên những tổn thương thầm lặng trong tâm trí. Kết quả khảo sát được diễn tả theo Hình 6.   

Hình 6. Kết quả khảo sát những nổi lo sợ trước khi sạt lở (năm2023)

    Qua kết quả khảo sát 74 người tại hai khu vực nghiên cứu cho thấy, người dân rất lo lắng cho cuộc sống của họ khi sạt lở xảy ra và nó đã tác động đến tâm lý hoang mang, sợ hãi, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân. Vì vậy, chính quyền cần phải kịp thời vào cuộc để giúp họ vượt qua khó khăn vào thời điểm này, đa số là lo sợ mất tài sản, chiếm từ 43,2% trở lên và rất sợ hãi chiếm từ 21,6% trở lên (Hình 6).

            - Sự thích nghi của cộng đồng sau khi bị ảnh hưởng của sạt lở đất: Sự thích nghi với sự cố sạt lở là cấn thiết để người dân sớm được tiếp cận, hòa nhập với cuộc sống mới để họ ổn định cuộc sống. Biểu đồ sau thể hiện kết quả khảo sát các đối tượng bị ảnh hưởng của vụ sạt lở (Hình 7):

Hình 7. Sự thích ứng sau sạt lở đất (năm 2023)

    Qua kết quả khảo sát 74 người tại hai khu vực nghiên cứu cho thấy, đối tượng bị ảnh hưởng còn một tỷ lệ chưa thích nghi với các điều kiện mới chiếm từ 18,9% - 37,8%. Từ đó, địa phương cần quan tâm, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn do sạt lở đất gây ra, nhằm tránh để người dân rơi vào những trường hợp bị yếu thế, làm gia tăng ngánh nặng cho xã hội.

    3.4. Đánh giá sự quan tâm hỗ trợ cộng đồng từ địa phương

    Để chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của các đối tượng trong cộng đồng bị ảnh hưởng, cần có sự động viên kịp thời và thường xuyên của các cấp, ngành để họ có động lực vượt qua, vươn lên hòa nhập với môi trường mới. Bảng dưới đây có thể một phần đánh giá được mức độ quan tâm của địa phương từ kết quả khảo sát (Hình 8).

Hình 8. Sự quan tâm của địa phương (năm 2023)

    Qua kết quả khảo sát từ 53 đối tượng bị ảnh hưởng và 25 người quản lý cho thấy, mức độ ít đến gặp gỡ, thăm hỏi, động viên của chính quyền xã, huyện còn cao, tỷ lệ 84% so với sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của Ban ấp là 75,5%. Từ kết quả này cho thấy, chính quyền địa phương nên thường xuyên, hoặc chỉ đạo các đơn vị quan tâm, thăm hỏi, cũng như nắm bắt kịp thời tình hình đời sống của người dân trong khu vực sạt lở, đặc biệt là các đối tượng đã di dời đến nơi ở mới để có những giải pháp phù hợp, động viên và giúp họ sớm thích ứng với môi trường sống mới.

    3.5. Những giải pháp thích ứng với sự cố sạt lở

    3.5.1. Giải pháp trước mắt

    - Kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng chưa thích nghi kịp theo khảo sát ở Hình 7 về các tiêu chí như điện, nước, việc làm, học tập của con em các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố, nhằm giúp họ bớt lo lắng, giảm gánh nặng để ổn định cuộc sống.

    - Các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã… bằng nguồn lực của mình, hoặc nguồn vận động từ mạnh thường quân kịp thời ưu tiên hỗ trợ vật chất, kinh phí… cho các đối tượng bị ảnh hưởng là thành viên, hoặc có người thân là thành viên của tổ chức. 

    - Địa phương cần thường xuyên đến động viên thăm hỏi tình hình đời sống của đối tượng bị ảnh hưởng sạt lở phải di dời, đây là niềm động viên an ủi về mặt tinh thần, giúp họ có động lực vươn lên, nhất là cấp quản lý từ xã trở lên.

    3.5.2. Giải pháp lâu dài

    - Từ kết quả điều tra khảo sát cho thấy, hiện nay, việc sạt lở có xu hướng tăng và nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với những người đang sống trong vùng cảnh báo sạt lở để chính họ có giải pháp tự bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân.

    - Từ kết quả khảo sát ảnh hưởng đến vật chất và tinh thần (Hình 5, Hình 6), cần có giải pháp chủ động hơn như xây dựng các công trình dân cư gắn với các chính sách an sinh xã hội để di dời những hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở.

    - Từ đánh giá các nguyên nhân gây ra sạt lở thì Nhà nước cần có những chính sách phù hợp hơn, cụ thể:

    + Đối với nguyên nhân tự nhiên: Cần phải có đánh giá chính xác, khoa học để đưa ra dự báo và có giải pháp phù hợp như chỉnh trị dòng chảy (nguyên nhân do hình thái dòng sông cong); nghiêm cấm việc xây dựng (địa chất yếu); lấp hố xoáy (có lạch sâu),…

     + Đối với nguyên nhân do con người: Thực hiện biện pháp tuyên tuyền kết hợp xử lý hành chính, mạnh hơn là biện pháp hình sự, đặc biệt, cần có chính sách ngoại giao tốt đối với các quốc gia ở thượng nguồn.

    4. Kết luận

    Ngày nay, việc sạt lở đất bờ sông không chỉ xảy ra do nguyên nhân chính là yếu tố tự nhiên, mà còn có sự tác động của con người đã làm thay đổi quy luật bình thường của thiên nhiên. Chính vì vậy, đã làm cho việc sạt lở ngày càng có chiều hướng gia tăng, tác động của nó ngày càng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần. Qua kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, sau khi sạt lở xảy ra thì vẫn còn một số đối tượng bị ảnh hưởng chưa thích ứng kịp thời với môi trường sống mới, chiếm 18,9% - 37,8%, công tác thăm hỏi, động viên tinh thần của chính quyền chưa được thường xuyên chiếm 84%.

    Để kịp thời giúp người dân hạn chế được những tổn thất về vật chất và tinh thần, cũng như sớm thích ứng với môi trường sống mới, Nhà nước cần có những biện pháp phòng ngừa, chính sách hỗ trợ kịp thời và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi để nắm bắt được những khó khăn của người dân sau khi sự cố sạt lở xảy ra và có giải pháp giúp đỡ, đó cũng chính là động lực giúp người dân vươn lên và sớm ổn định với môi trường mới.

Phạm Quốc Tuấn1,2,  Trần Ngọc Châu1*

1 Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường,

Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh

2 Liên đoàn Lao động huyện Châu Phú, tỉnh An Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt II/2023)

      Tài liệu tham khảo

    1. Huỳnh Công Hoài, Nguyễn Thị Bảy, Đào Nguyên Khôi và Trà Nguyễn Quỳnh Nga (2019), Phân tích nguyên nhân gây gia tăng xói lở bờ sông ở ĐBSCL. Tạp chí Khí tượng thủy văn.

    2. Ban Chỉ Huy PCTT & TKCN huyện Châu Phú (2018), Tổng kết công tác thực hiện PCTT & TKCN năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019;

    3. Ban Chỉ huy ƯPBĐKH, PCTT & TKCN huyện Châu Phú (2019), Báo cáo số 39/BC-BCH ngày 11/3/2020, Tổng kết công tác thực hiện PCTT & TKCN năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020;

    4. Ban Chỉ huy ƯPBĐKH, PCTT & TKCN huyện Châu Phú (2020), Báo cáo số 755/BC-BCH ngày 28/12/2020 tổng kết thực hiện công tác ƯPBĐKH, PCTT & TKCN năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021;

    5. Ban Chỉ huy ƯPBĐKH, PCTT & TKCN huyện Châu Phú (2021), Báo cáo số 338/BC-BCH ngày 29/12/2021, tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ ƯPBĐKH, PCTT & TKCN năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022;

    6. Ban Chỉ huy Ứng phó với BĐKH, Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Châu Phú (2022), Báo cáo số 206/BC-BCH ngày 20/12/2022 tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ ƯPBĐKH, PCTT và phòng thủ dân sự năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023;

    7. Sở TN&MT An Giang (2022), Báo cáo số 143/BC-STNMT ngày 19/7/2022 về kết quả quan trắc và cảnh báo sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh An Giang (đợt I năm 2022).

Ý kiến của bạn