Banner trang chủ

Thanh Tùng 2: Kết nối và lan toả yêu thương từ những sản phẩm tái chế

13/06/2024

    Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng (Công ty Thanh Tùng 2) đã trao tặng hàng trăm bộ bàn ghế, tranh tái chế nhằm hỗ trợ học sinh tại các điểm trường khó khăn tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… đồng thời lan toả thông điệp bảo vệ môi trường (BVMT) tới các em học sinh và thầy cô giáo.

    Với phương châm “Chung tay bảo vệ môi trường”, Công ty Thanh Tùng 2 xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã triển khai ứng dụng thành công nhiều giải pháp “biến rác thải thành tài nguyên” bằng việc cho ra đời hàng loạt sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa như gạch lát nhựa, ngói nhựa, ngói cao su, bàn ghế hay sản phẩm tranh 3D được tái chế từ rác thải nhựa… không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn lan toả thông điệp tích cực về BVMT, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc tái chế rác thải nhựa.

    Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới với khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Nhận thức được điều này, Công ty Thanh Tùng 2 đã nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm từ nhựa tái chế nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực từ ô nhiễm rác thải nhựa. Trong đó, nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao như: gạch lát nhựa, ngói nhựa, ngói cao su… đặc biệt, sản phẩm tấm ván ép được tái chế từ rác thải nhựa công nghiệp của Công ty Thanh Tùng 2 được xuất khẩu sang Scotland, từ đó, mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp trong việc thực hiện tái chế chất thải từ nhựa làm đồ nội thất.

Đại diện Công ty Thanh Tùng 2 trao tặng quà cho thầy trò trường Tiểu học Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh

    Hiện nay, Thanh Tùng 2 là một trong những cơ sở xử lý rác thải công nghiệp và rác thải nguy hại có quy mô lớn tại Đồng Nai được cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải công nghiệp của Bộ TN&MT; chứng nhận “Áp dụng hệ thống quản lý phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 14001” của Tổ chức NQA. Các sản phẩm từ nhựa tái chế của Thanh Tùng 2 không những đạt tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, mặt khác, chúng còn sở hữu độ bền cao, chịu được mưa đá, va đập mạnh có thể dùng cho vùng thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai.

    Tại Hà Tĩnh, ngày 7/6/2024, Công ty Thanh Tùng 2 đã trao tặng trường Tiểu học Nguyễn Du: 35 chậu cây/hoa, 7 tủ sách và 1 bộ tranh tứ quý. Các sản phẩm này đều được sản xuất từ 100% nhựa tái chế với độ bền cao, có khả năng chống chịu tốt trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Với công nghệ tái chế từ Đức, mỗi một bức tranh từ nhựa tái chế tiêu thụ khoảng 5 – 7kg rác thải nhựa. So với các loại tranh truyền thống khác, tranh từ nhựa tái chế có giá thành rẻ hơn từ 30 – 40%, ngoài ra, độ bền cao sử dụng lâu dài, có thể dễ dàng vệ sinh, lau rửa bằng nước mà không bị bay màu. Bên cạnh đó, mỗi bộ bàn ghế sản xuất từ nhựa tái chế góp phần tái chế hơn 30kg phế liệu nhựa không phải thải ra môi trường, hạn chế việc khai thác tài nguyên gỗ giúp BVMT sống của con người.

    Trong những năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trở thành điểm nóng trên toàn cầu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục học sinh trong việc BVMT, trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Tĩnh) thường xuyên lồng ghép các hoạt động thực tiễn liên quan tới hoạt động tái chế, BVMT vào chương trình giảng dạy. Cô Trần Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du chia sẻ, món quà của Công ty Thanh Tùng 2 thực sự ý nghĩa. Không những bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác dạy và học của nhà trường mà còn đem tới thông điệp vô cùng giá trị về việc thu gom, phân loại và tái chế rác, từ đó tạo cho các em có “thói quen xanh”, những hành động tích cực, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho thế hệ sau này.

Công ty Thanh Tùng 2 trao tặng 100 ghế chào cờ và 24 bộ bàn ghế học sinh được sản xuất từ nhựa tái chế cho các điểm trường khó khăn trên địa bản tỉnh Nghệ An

    Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi khí hậu khác nghiệt bậc nhất cả nước. Tại Kỳ Sơn - một huyện nghèo miền núi vùng cao, các em học sinh đa số có hoàn cảnh khó khăn; điều kiện, trang thiết bị dạy và học còn nhiều thiếu thốn. Cũng trong dịp này, với mong muốn sẻ chia những khó khăn với các em học sinh tại địa phương, Công ty Thanh Tùng 2 đã gửi tới thầy trò trường tiểu học Nà Ngoi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) 100 ghế ngồi chào cờ, ngoài ra, Công ty đã trao tặng 24 bộ bàn ghế học sinh làm từ nhựa tái chế tới trường tiểu học Tân Sơn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

    Nhân dịp này, thầy Dương Danh Thoả - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn trân trọng cảm ơn Công ty Thanh Tùng 2 đã trao tặng cho các em học sinh 24 bộ bàn ghế, kịp thời bổ sung đưa vào sử dụng trong năm học 2024 - 2025. Đây là món quà tặng rất có ý nghĩa, góp phần giảm bớt gánh nặng về vận động đóng góp của phu huynh học sinh, vì địa bàn xã Tân Sơn còn nhiều khó khăn...

    Cũng theo thầy Thoả, mặc dù được sản xuất từ vật tái chế nhưng bàn ghế của Công ty Thanh Tùng đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học và còn có ý nghĩa rất lớn đó là góp phần tuyên truyền, giáo dục các em về ý thức BVMT, thu gom và tái chế rác thải thành đồ dùng học tập...

Đại diện các thầy, cô giáo trường Tiểu học xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tiếp nhận sản phẩm bàn ghế tái chế do Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 tài trợ

    Ông Bùi Xuân Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho biết, bên cạnh hoạt động kinh doanh chuyên về lĩnh vực “Tái chế, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp” và “Dịch vụ tư vấn môi trường”, Thanh Tùng 2 đặc biệt quan tâm đến các hoạt động an sinh xã hội, nhất là lĩnh vực giáo dục. Trong những năm qua, Công ty đã gửi tới các điểm trường nhiều món quà thiết thực từ nhựa tái chế. Qua đó, nâng cao ý thức thu gom, phân loại và tái chế rác của người dân, nhất là các em học sinh. Bên cạnh đó, sở hữu hệ thống máy móc và công nghệ tiên tiến, Công ty không ngừng nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm từ rác thải tái chế theo quy định của Luật BVMT nhằm biến rác thải trở thành một loại tài nguyên mới; đem lại lợi ích về kinh tế, giúp giảm gánh nặng cho môi trường và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Phùng Quyên – Phạm Đình

Ý kiến của bạn