Banner trang chủ

Quận Hoàng Mai: Gắn mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

04/12/2023

    Những năm qua, bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, quận Hoàng Mai cũng tạo ra nhiều sức ép lên môi trường, việc xây dựng đường giao thông, đô thị, sản xuất công nghiệp tăng lên cùng hoạt động của các làng nghề, sản xuất nông nghiệp... của địa phương đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và BVMT, đòi hỏi cần nâng cao nỗ lực trong quản lý và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường. 

Hiện trạng môi trường

    Quận Hoàng Mai có diện tích hơn 4.100 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất bãi sông Hồng, dân số hơn 700.000 người. Với vị trí địa lý thuận lợi, Hoàng Mai được coi là điểm quan trọng trong phát triển kinh tế của TP. Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhiều hệ lụy cho môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đất… Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân tác động.

    Thứ nhất, do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng, nhiều điểm ùn tắc vào các giờ cao điểm, trong khi đó, bến xe khách và vận tải hàng hóa với mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Do vậy, khi tắc đường, một lượng lớn khí thải từ các phương tiện thải ra môi trường.

    Thứ hai, do địa hình trũng, nước thải tại các sông: Tô Lịch, Lừ, Kim Ngưu và sông Sét (những con sông này bị ô nhiễm), khi chạy qua địa bàn quận Hoàng Mai sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân quanh khu vực này (mùi nước thải và mất cảnh quan đô thị).

    Thứ ba, các dự án đang thi công trên địa bàn quận để xảy ra tình trạng phát sinh rác thải xây dựng và bụi - một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT

    Để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, UBND Quận Hoàng Mai đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy ước, hương ước về BVMT, đồng thời, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị về biện pháp phòng chống, ngăn ngừa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện quận có 2 cán bộ phụ trách về môi trường thuộc phòng TN&MT; đối với cấp phường thì hầu hết các phường không có cán bộ chuyên trách riêng về lĩnh vực BVMT mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, địa phương hợp đồng với 2 đơn vị chức năng, gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Thăng Long (thực hiện 12 phường) và Xí nghiệp môi trường huyện Thanh Trì.

“Trạm rác văn minh” của Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai

    Trong công tác tuyên truyền, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND 14 phường thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT; Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các kế hoạch hưởng ứng Giờ Trái đất; Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường Thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... thông qua các hình thức như treo băng rôn, áp phích, khẩu hiệu về BVMT... góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ, trách nhiệm đối với hoạt động BVMT, góp phần cải thiện chất lượng môi trường Xanh - Sạch - Đẹp.

    Về cấp Giấy xác nhận BVMT thuộc thẩm quyền, UBND quận Hoàng Mai đã cấp 5 Giấy xác nhận đăng ký Kế hoạch BVMT cho các đơn vị trên địa bàn; chỉ đạo tổ chức hoàn thành 100% kế hoạch về BVMT năm 2022 - 2023 trên địa bàn quận cũng như các nhiệm vụ do UBND Thành phố giao.

    Nhờ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, đến thời điểm hiện tại, kết quả phân tích chất lượng môi trường nước và đất đã giảm đáng kể so với tình trạng ô nhiễm năm 2022. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 180.675 tấn, chiếm tỷ lệ 100% khối lượng rác thải phát sinh. Hầu hết các đơn vị có đầy đủ thủ tục pháp lý về BVMT và đã nghiêm túc thực hiện nội dung cam kết về BVMT….

    Điển hình trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động góp phần BVMT của địa phương là Hội Liên hiệp phụ nữ quận với việc tổ chức lắp đặt 4 “Trạm rác văn minh” tại khu vực chợ đầu mối phía Nam và hồ Đền Lừ, tặng 80 sản phẩm thân thiện với môi trường (chai thủy tinh đựng nước, túi vải đi chợ…), nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức, thay đổi hành vi về sử dụng ni lông, nhựa, pin, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đặc biệt, rác thu được từ các “Trạm rác văn minh” sẽ được gây quỹ ủng hộ Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Đồng hành cùng con”, tặng quà, sách vở, nhu yếu phẩm cho các em học sinh, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí sửa “Mái ấm tình thương”…

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn quận Hoàng Mai vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải, do nhu cầu sống của con người ngày một tăng, lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn; cơ sở hạ tầng ngày một phát triển, đi đôi với đó là hệ lụy về môi trường... Vì vậy, để giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm môi trường, không chỉ cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, chính quyền, mà cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, bằng những hành động tuy nhỏ nhưng ý nghĩa và thiết thực, đưa quận Hoàng Mai trở thành quận Xanh - Sạch - Đẹp của Thủ đô Hà Nội.

An Bình

Ý kiến của bạn