Banner trang chủ

Quy hoạch Xây dựng và phát triển Hệ thống cấp khí đốt trung tâm tại Việt Nam

06/12/2014

     Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển việc sử dụng Hệ thống cấp khí đốt Trung tâm (Citygas) cung cấp từ một nguồn tập trung cho các khu đô thị, chung cư đã trở nên thông dụng và là một trong các công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng, bắt buộc như điện, nước sinh hoạt, thoát nước thải, thông tin...Với đặc điểm nổi bật về tính tiện dụng, an toàn, với giá khí cạnh tranh và BVMT, hệ thống citygas phục vụ nhu cầu chính của người dân và doanh nghiệp bao gồm đun nấu, chuẩn bị nước nóng, điều hòa, sưởi ấm, sấy quần áo… được chính quyền thành phố hoặc địa phương chú trọng lập quy hoạch hoàn chỉnh từ nguồn cung cấp, trạm cấp, hệ thống tuyến ống phân phối ngay từ giai đoạn đầu, thực hiện đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được các chủ đầu tư bàn giao cho dân cư, doanh nghiệp khi đưa công trình vào sử dụng.

     Tại Việt Nam, song song với quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, phương thức cấp khí đốt này cho các dự án khu đô thị đã được triển khai từ năm 2003 tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở một số ít các dự án nhà cao tầng tại một số thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội chủ yếu phục vụ 2 nhu cầu đun nấu, chuẩn bị nước nóng.

 

Lễ động thổ Dự án Hệ thống cấp khí đốt thiên nhiên tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

do Công ty CP Đầu tư phát triển gas đô thị làm chủ đầu tư

 

     Trên phương diện kỹ thuật, đây là hệ thống cấp khí đốt từ một nguồn cung cấp tập trung, khí đốt được cung cấp đến từng khách hàng sử dụng thông qua mạng lưới đường ống và đồng hồ đo đếm tương tự như mô hình quản lý nước sạch hiện nay. Thực tế triển khai tại Việt Nam nói riêng và tại các nước trên thế giới, hệ thống cung cấp khí đốt trung tâm cho thấy, nhiều ưu điểm cụ thể như: Hạ tầng kỹ thuật cung cấp khí được quy hoạch, đầu tư đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo đủ các tiện ích cho khách hàng ngay sau khi đưa vào sử dụng kể cả các nhu cầu trong tương lai, giảm thiểu được sự điều chỉnh, bổ sung qua đó tiết kiệm đầu tư xã hội. Khách hàng được cung cấp khí đốt liên tục 24/24h, không bị gián đoạn; An toàn và giảm thiểu nguy cơ rủi ro hơn phương thức cung cấp bằng bình 12 kg do lượng gas cấp vào tòa nhà ở dạng hơi với áp suất thấp (<0,1bar) và khối lượng nhỏ hơn; Hệ thống được trang bị thiết bị cảnh báo sẽ tự động ngắt nguồn cung cấp khi xuất hiện rò rỉ khí gas; Đội ngũ nhân viên vận hành được đào tạo bài bản; Góp phần đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật của đô thị; giảm phát thải môi trường… Đồng thời, khách hàng sử dụng nguồn khí thiên nhiên với giá hợp lý, sạch hơn như vậy sẽ đa dạng hóa được nguồn cung cấp năng lượng, bù đắp cho sản lượng điện thiếu hụt cũng như giảm tải cho mạng lưới điện và tiết kiệm năng lượng...; giảm lượng nhập khẩu khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG.

     Đánh giá việc triển khai Hệ thống cấp khí đốt trung tâm tại Việt Nam cho thấy: Việc phát triển còn chậm, manh mún, thiếu định hướng ngay từ đầu do chưa có quy hoạch. Một số chủ đầu tư khi triển khai đầu tư xây dựng đã thừa nhận ưu điểm của hệ thống cấp khí đốt trung tâm trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho dự án, tuy nhiên việc triển khai đầu tư gặp khó khăn khi điều chỉnh/bổ sung quy hoạch vì hành lang pháp lý chưa rõ ràng, đầy đủ, không có quỹ đất đặt trạm và hành lang đi ống.

    Phát triển hệ thống cấp khí đốt trung tâm cho đô thị là nhu cầu tất yếu của sự phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đất nước mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Thiết nghĩ, để thúc đẩy việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống gas trung tâm, Nhà nước cần sớm có chính sách khuyến khích đầu tư; quy hoạch tổng thể hệ thống cấp khí đốt trung tâm cho từng thành phố, các khu đô thị; xem xét, bổ sung, ban hành đồng bộ, thống nhất hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn… hướng dẫn cụ thể về hạ tầng cấp khí đốt đô thị.

 

            B.Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn