Banner trang chủ

Khu công nghiệp Thanh Bình - Bắc Cạn nỗ lực bảo vệ môi trường

06/11/2013

     Sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, lần đầu tiên tỉnh Bắc Cạn đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, mở ra triển vọng cho sự phát triển nền kinh tế địa phương.

     KCN Thanh Bình được phép thành lập theo Văn bản số 125/TTg ngày 22/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ với diện tích giai đoạn 1 là 73,5 ha, trong đó khoảng 37 ha dành cho việc xây dựng khu tái định cư và dịch vụ công cộng, nhà máy cấp nước, trạm điện, trạm xử lý nước thải… Phần còn lại được dành để các nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất… Những ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN là chế biến nông - lâm - khoáng sản, kim loại màu.

     Ngay sau khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi đã xây dựng Khu liên hợp gang thép nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng quặng sắt tại chỗ của tỉnh với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dây chuyền sản xuất hiện đại, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 tấn phôi thép. Đây là doanh nghiệp đầu tiên “ghi tên” trong danh sách các nhà đầu tư vào KCN, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn phôi thép nhập khẩu của ngành gang thép Việt Nam.

     Tiếp đó, Nhà máy sản xuất sắt xốp của Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim), thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng trên địa bàn KCN với diện tích khoảng 5 ha, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, công nghệ lò tuy nen (AMK - CBI) cũng đã vận hành thành công dây chuyền chế biến sâu quặng sắt, nhằm sử dụng hiệu quả sản phẩm quặng sắt được khai thác tại mỏ Bản Cuôn (Chợ Đồn). Quặng sắt nghèo khai thác trong tự nhiên (có hàm lượng 30%) được đưa vào nghiền tuyển để nâng hàm lượng lên 65 - 68%, vo thành những viên nhỏ phối trộn với than rồi đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao nhằm khử các tạp chất, cho ra đời sản phẩm sắt xốp có hàm lượng từ 90% trở lên, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 100.000 tấn sắt xốp làm nguyên liệu để luyện thành phôi thép, từ đó cán ra các loại thép xây dựng hoặc chế tạo máy. Nhà máy sản xuất sắt xốp là nhà máy tiên phong của Bắc Cạn về sản xuất kim loại sắt từ quặng sắt nguyên khai với công nghệ hiện đại, ngoài ra, Nhà máy còn góp phần giải quyết việc làm cho gần 400 lao động tại địa phương.

      Ngoài ra, một doanh nghiệp chuyên sản xuất ván sợi nhân tạo (MDF), chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ cao cấp đầu tư vào KCN Thanh Bình, đó là Công ty CP Sahabak. Để đảm bảo công tác BVMT, Công ty đã đầu tư hệ thống ép mùn cưa đóng bánh để sản xuất than và ván ép, tận dụng lượng chất thải rắn (chủ yếu là mùn cưa) phát sinh trong quá trình sản xuất tại các nhà máy trong KCN. Riêng đối với rác thải sinh hoạt và rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất, Công ty Sahabak hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Chợ Mới vận chuyển đến nơi xử lý rác thải tập trung.

     Có thể nói, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, việc thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng, sản xuất tại KCN Thanh Bình sẽ góp phần sớm chuyển dịch cơ cấu GDP của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; Đồng thời tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào KCN đều đã xây dựng báo cáo ĐTM và thực hiện đầy đủ các yêu cầu đặt ra; Hệ thống dẫn nước thải được đấu nối với nhà máy xử lý nước thải tập trung sau khi đã lắng mùn tại các bể lắng lọc; Nước thải ra sông Cầu bảo đảm vệ sinh, không gây phản ứng bức xúc từ nhân dân sinh sống vùng hạ lưu. Theo ông Ngô Văn Viện, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bắc Cạn, với những nỗ lực trong phát triển sản xuất gắn với BVMT, những năm qua, KCN Thanh Bình đã làm tốt vai trò của mình. Thời gian tới, tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị trong KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải; Đề nghị các nhà máy lựa chọn công nghệ xử lý, chế biến có tiếng ồn thấp, thân thiện với môi trường; Lắp đặt, bổ sung các thiết bị chống rung, chống ồn; Thường xuyên thu gom chất thải rắn để xử lý tập trung; Tăng cường trồng, bảo vệ cây xanh.  

 

                                  

                                                     Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Thanh Bình

 

     Sau một thời gian đi vào hoạt động, KCN Thanh Bình đã có những bước phát triển mạnh, hạ tầng thiết yếu được đầu tư tương đối hoàn thiện, trong đó công tác BVMT được chú trọng. KCN đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa, trạm xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải, rác thải cũng được đầu tư tương đối đồng bộ. Riêng đối với nước thải, tổng khối lượng nước thải trong toàn KCN mới chỉ vào khoảng 50 m3/ngày, trong khi KCN đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng vốn đầu tư 32 tỷ  đồng, công suất xử lý 2.500 m3/ngày, đêm, bao gồm cả hệ thống quan trắc tự động. Bên cạnh đó, KCN còn thuê đơn vị quan trắc tiến hành quan trắc định kỳ để có số liệu đối chứng. Hiện tại, đã có 3 điểm đấu nối nước thải của các doanh nghiệp nối với hệ thống thu gom nước thải tập trung, trong đó có 2 điểm đấu nối của Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ Matexim và 1 điểm đấu nối của Công ty CP Sahabak. UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá xử lý nước thải KCN Thanh Bình theo Quyết định số 773/QĐ-UBND.

     Trao đổi về những biện pháp BVMT của KCN, ông Vũ Đình Nghiệp, Phó Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng (chủ đầu tư KCN) cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung của cả nước, nhưng ngay từ khi thành lập, KCN luôn chú trọng đến công tác BVMT, xem đó là “kim chỉ nam” để phát triển bền vững. Vì vậy toàn thể cán bộ, công nhân viên luôn chấp hành tốt quy định về BVMT và có những biện pháp cụ thể mang lại hiệu quả cao. Hiện tại tại, KCN Thanh Bình đã được Sở TN&MT tỉnh xác nhận đã thực hiện xong các công trình, biện pháp BVMT.

     Nhờ những giải pháp BVMT khá đồng bộ nên môi trường tại KCN Thanh Bình luôn đảm bảo hợp vệ sinh. Kết quả phân tích nước thải do Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường Thái Nguyên tiến hành trong tháng 4/2013 cho thấy, tất cả các chỉ số về độ pH, BOD5, COD, TSS, Cd, Fe, Mn… đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 40: 2011/BTNMT. Trong 10 mẫu chất lượng không khí xung quanh có 9 mẫu nằm trong quy chuẩn cho phép; Đo phân tích nước mặt với 19 mẫu nước sông Cầu và 16 mẫu nước ngầm khu vực chung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép; Phân tích mẫu đất xung quanh khu KCN không thấy dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

     Để hoàn thiện tổng thể Dự án, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, UBND tỉnh Bắc Cạn đã xây dựng đề án mở rộng KCN Thanh Bình giai đoạn 2 với diện tích là 80,3 ha, nhằm kết nối thống nhất với giai đoạn 1 trên cơ sở kết cấu hạ tầng đã xây dựng đề án và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Bùi Hằng

Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn