Banner trang chủ

Khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Ðông Mai

17/10/2014

     Hoạt động tái chế chì của thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã diễn ra hơn 30 năm nay. Sự phát triển của nghề tái chế chì đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, làng nghề Đông Mai đã bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân làng nghề, đặc biệt là trẻ em. Năm 2013, Dự án Khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn Đông Mai được triển khai, đem lại hy vọng hồi sinh cho mảnh đất tưởng chừng đã “chết” vì nhiễm chì nặng.

      Đông Mai nổi tiếng với nghề tái chế chì từ các bình ắc quy đã qua sử dụng từ những năm của thập niên 80, 90 của thế kỷ 20. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề đã góp phần tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, làm đổi thay diện mạo một vùng quê nghèo khó. Tuy nhiên do chỉ chú trọng đến phát triển sản xuất nhưng coi nhẹ công tác BVMT nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Đông Mai ngày một trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm môi trường đất. Trước thực trạng trên, năm 2010, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 491/QD-UB về việc xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) xã Chỉ Đạo. Thực hiện Quyết định này, phần lớn các hộ tái chế chì đã chuyển vào CCN nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm chì trong làng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30 hộ (trong tổng số 637 hộ gia đình) đang thực hiện hoạt động thu mua, phá dỡ bình ắc quy, nấu luyện chì và lưu giữ một khối lượng lớn xỉ chì, bột khói chì trong khuôn viên nhà và khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người dân.

     Thời gian qua, các hoạt động gia công tái chế chì từ bình ắc quy cũ của các hộ gia đình thôn Đông Mai đã gây ô nhiễm chì trong đất ở mức nghiêm trọng. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển chì và các loại phế thải nhiễm chì… theo các phương tiện vận chuyển không được che chắn, phát tán khắp nơi. Đặc biệt, công nhân nấu chì không được trang bị quần áo bảo hộ lao động, bị phơi nhiễm bụi chì ở mức độ cao. Đồng thời, quần áo của họ bị nhiễm chì và hóa chất, vô hình trung trở thành nguồn gây ô nhiễm chì cho bản thân và những người trong gia đình.

 

Các chuyên gia Dự án khảo sát đo hàm lượng chì trong đất

 

     Những lò luyện chì xen lẫn trong khu dân cư không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn gián tiếp phát tán chì vào nguồn nước và thảm động, thực vật, trong đó trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ nhiễm độc chì. Năm 2012, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và Trường Đại học Washington (Mỹ) đã chọn 109 trẻ em dưới 10 tuổi tại Đông Mai để xét nghiệm hàm lượng chì trong máu. Kết quả 100% các em đều có hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Cụ thể, 15 em nhiễm chì ở ngưỡng nguy hiểm (65 ug/dl); 17 em ở mức báo động (45 - 65 ug/dl); 70 em ở mức quá cao (25 - 44 ug/dl) và 7 em nhiễm ở mức cần quan tâm (10-19 ug/dl).

     Tháng 9/2013, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (CECoD) phối hợp với Viện Blacksmith (Mỹ) tổ chức khảo sát đo hàm lượng chì trong đất bằng máy phân tích XRF Model α-4000 tại các con đường làng, các khu vực trường học và 539 hộ gia đình trong thôn Đông Mai. Kết quả khảo sát cho thấy, hàm lượng chì tại các điểm đo dao động từ 400 ppm - 5.000 ppm (tiêu chuẩn của Mỹ về hàm lượng chì trong đất đối với các khu vực dân cư là 400 ppm). Đặc biệt, tại các điểm gần các xưởng nấu chì, hoặc có hoạt động phá dỡ bình ắc quy, hàm lượng chì ở mức cao, trên 5.000 ppm và có điểm trên 20.000 ppm. Trong 539 hộ, có 261 hộ còn đất vườn với hàm lượng chì trong đất dao động từ 28 ppm - 59.513 ppm. Trong đó có 23 hộ có hàm lượng chì trong đất ở mức cao (> 1.200 ppm).

     Từ thực tế trên, với sự tài trợ của Viện Blacksmith, CECoD đã xây dựng Dự án “Khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai”, mục đích xử lý đất ô nhiễm chì và tăng cường năng lực cho người dân nhằm giảm thiểu phơi nhiễm chì cho cộng đồng dân cư sinh sống trong làng nghề tái chế chì.

     Dự án đã triển khai các hoạt động như: Tổ chức 3 đợt khảo sát đo hàm lượng chì trong đất tại các con đường làng, các khu vực công cộng và 539 hộ gia đình trong thôn. Ngoài ra, Dự án cũng tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý trong xã, thôn và đại diện hơn 600 hộ gia đình. Thông qua các buổi tập huấn, người dân được cung cấp các kiến thức về ảnh hưởng và tác hại của chì đến sức khỏe; các nguồn phơi nhiễm chì và giải pháp khắc phục ô nhiễm chì tại Đông Mai. Từ đó, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân địa phương về BVMT và sức khỏe cộng đồng.

 

Hướng dẫn người dân khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại các hộ gia đình

 

     Trên cơ sở các kết quả đo hàm lượng chì trong đất tại 539 hộ gia đình trong thôn, Dự án đã lựa chọn 38 hộ gia đình có hàm lượng chì trong đất vườn ở mức cao và hiện không có hoạt động phá dỡ bình, hoặc nấu luyện chì tại nhà để xử lý đất nhiễm chì theo phương pháp che phủ bằng đất sạch hoặc cát sạch hoặc đổ bê tông hoặc lát gạch nhằm cách ly lớp đất ô nhiễm, với tổng diện tích đất đã xử lý là 1.953 m2.

     Để nâng cao hiệu quả của Dự án, CECoD đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Blacksmith, Trường Đại học Washington biên soạn tài liệu tập huấn; thiết kế tờ rơi hướng dẫn làm sạch bên trong nhà. Tất cả các tài liệu này đều được phát đến từng hộ gia đình trong thôn Đông Mai và được dán ở các khu vực công cộng như UBND xã, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế... để toàn bộ người dân hiểu và phòng tránh.

     Từ đó, người dân đã có những hiểu biết nhất định về tác hại của chì đến sức khỏe và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Đặc biệt, những công nhân làm việc trong CCN đã nhận thức rõ về nguy cơ phơi nhiễm chì do hít bụi chì trong quá trình làm việc. Do đó, phần lớn công nhân đã thay quần áo bảo hộ lao động trước khi rời khỏi nơi làm việc. Hiện nay, Dự án đang hỗ trợ cho Công ty TNHH Ngọc Thiên thuộc CCN làng nghề Đông Mai xây dựng khu vực thay đồ và nhà tắm cho công nhân, nhằm hạn chế tối đa nguồn gây phơi nhiễm chì từ các công nhân khi trở về nhà, bảo vệ sức khỏe cho người lao động và cộng đồng.

     Giờ đây, người dân hoàn toàn yên tâm khi trồng rau, chăn nuôi gà, vịt trên chính phần đất trước đây bị ô nhiễm. Hơn nữa, hiệu quả của hoạt động làm sạch được lan tỏa ra tất cả các hộ gia đình trong thôn.

     Cùng với việc di dời hoạt động sản xuất ra xa khu dân cư và tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, hạn chế tác động của ô nhiễm tới đời sống, người dân thôn Đông Mai cần phát huy hiệu quả của Dự án, chủ động đầu tư áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

 

Dương Thị Tơ

Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

Ý kiến của bạn