Banner trang chủ

Hệ thống xử lý nước thải tại nguồn Johkasou - Góp phần “Tái tạo mạch nguồn cuộc sống”

07/05/2014

     Vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường nước tại TP. Đà Lạt có nhiều cải thiện, trong đó có hồ Tuyền Lâm. Một trong số những giải giáp nhằm cải thiện môi trường nơi đây, đó là đầu tư hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tại nguồn Johkasou. Đây là hệ thống XLNT sinh hoạt dùng để lắp đặt cho các biệt thự, các hộ gia đình, các khu chung cư hoặc cho các khách sạn, nhà hàng. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Thương mại và Môi trường Hà Nội (Hactra), đơn vị đưa công nghệ Johkasou ứng dụng tại cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng.

 

Ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại

Hà Nội (Hactra)

 

     Là đơn vị cung cấp hệ thống XLNT, xin ông cho biết ưu điểm của công nghệ Johkasou khi áp dụng tại Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung?

     Ông Đỗ Tất Việt: Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm là một dự án sinh thái lớn của TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trọng điểm là Dự án Sacom Tuyền Lâm xây dựng sân golf 18 lỗ, nhà Club house, khách sạn 4 sao, khách sạn 5 sao, 400 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp… trên tổng diện tích 270 ha. Được biết, mục tiêu của Đà Lạt trong việc XLNT Khu du lịch hồ Tuyền Lâm xây dựng mạng lưới đường ống chính thu gom nước thải của các dự án đầu tư trong Khu du lịch hồ. Theo đó, nước thải được thu gom và qua xử lý cục bộ tại từng dự án, đạt tiêu chuẩn thải loại B. Sau đó đưa ra khỏi phạm vi Khu du lịch hồ Tuyền Lâm thải vào nguồn tiếp nhận loại B là dòng suối tự nhiên tại khu vực Đại Nam gần chân đèo Pren. Các tuyến ống chính dài 22 km nằm trong phạm vi hành lang kỹ thuật của các tuyến đường quanh hồ Tuyền Lâm và dọc tuyến suối sau đập tràn sự cố. Tuy nhiên, với hệ thống đường cống dài lại thực hiện trên một địa hình đồi núi không bằng phẳng như Tuyền Lâm, rất khó thực hiện, chưa kể khi xảy ra sự cố hệ thống đường cống thu gom và các trạm bơm…

      Trước những thách thức trên, đầu năm 2010, Ban lãnh đạo Sacom Tuyền Lâm đã lựa chọn hệ thống XLNT theo công nghệ Johkasou Nhật Bản do Hactra.,Jsc chế tạo với thương hiệu JKS - xP để xử lý các nguồn nước thải sinh hoạt trong dự án. Sau 4 năm triển khai đến nay nhiều hạng mục xây dựng của dự án được trang bị hệ thống JKS-xP đã đi vào hoạt động, kết quả quan trắc nước thải lần đầu cho thấy, các chỉ tiêu nước thải sau xử lý đều đạt cột A QCVN 14/2008/BTNMT.

     Việc sử dụng JKS-xP XLNT cho dự án đạt được 2 mục tiêu: Nước thải từ các hạng mục xây dựng trong dự án sau khi được JKS - xP xử lý đạt cột A QCVN 14/2008/BTNMT đủ tiêu chuẩn xả ra nguồn nước mặt khu vực hồ Tuyền Lâm. Trong thực tế, Sacom Tuyền Lâm sử dụng nước sau xử lý để tưới cây và xây dựng hệ thống bể chứa dự trữ nước tưới cây cho mùa khô.

     Thứ hai, nếu việc xây dựng hệ thống JKS - xP ngay tại mỗi hạng mục xây dựng hoàn thành (xử lý tại nguồn) đạt cột A QCVN 14/2008/BTNMT, Sacom Tuyền Lâm có đủ điều kiện thực hiện khai thác từng phần dự án đã xây dựng hoàn thành, từng bước thu hồi vốn đầu tư, đồng thời tiếp tục xây dựng các hạng mục khác.

    Từ các thực tế cho thấy, bài toán XLNT cho Dự án Sacom Tuyền Lâm đã có lời giải. Lời giải này nên được các nhà đầu tư khu đô thị sinh thái, khu đô thị mới trong cả nước xem xét và vận dụng, đặc biệt là các dự án xây dựng trên cao nguyên miền trung và các vùng đồi núi (tương tự như Sacom Tuyền Lâm) và các vùng ven biển khác trong cả nước.

      Thế giới hiện nay có hai xu hướng XLNT, đó là xử lý tập trung và xử lý phân tán. Mỗi xu hướng đều có những ưu điểm riêng tùy thuộc từng khu vực. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có thể cho biết về lâu dài, việc XLNT tại Việt Nam nên lựa chọn theo xu hướng nào?

     Ông Đỗ Tất Việt: Theo tôi, Việt Nam cũng như thế giới, xu hướng xử lý tập trung và xử lý phân tán song song tồn tại. Mỗi xu hướng đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng tùy thuộc vào mỗi khu vực. Xin nêu một vài ưu nhược điểm chính của mỗi xu hướng.

     Với xu hướng xử lý phân tán, sự an toàn của hệ thống xử lý được đảm bảo hơn vì nó xử lý một khu vực nhỏ dân cư, quy mô xử lý nhỏ nên dễ xây dựng, dễ kiểm soát vận hành, khi gặp sự cố (sốc tải, mất điện . . .) cũng dễ xử lý và xử lý nhanh hơn, ảnh hưởng của sự cố (nước chưa xử lý triệt để) đến khu vực xung quanh không lớn. Nhược điểm, cũng là khó khăn lớn nhất khi áp dụng hình thức xử lý phân tán tại các khu đô thị cũ là việc tìm vị trí đặt các hệ thống xử lý phân tán vì quy hoạch của các khu đô thị này đã quá lạc hậu và chật chội.

 

Công nghệ Johkasou

 

     Còn với xu hướng xử lý tập trung, ưu điểm chính là tiết kiệm quỹ đất xây dựng khu xử lý và tận thu được nguồn nước sau xử lý dễ dàng hơn để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, bổ sung nước sạch cho các dòng sông. Bên cạnh đó, xử lý tập trung đòi hỏi sự đồng bộ của hệ thống thoát nước và các hệ thống hạ tầng khác, bài toán quy hoạch phải chính xác và khoa học; việc quản lý chất lượng xây dựng hệ thống hạ tầng rất cần thiết để đảm bảo sự bền vững và an toàn cho hệ thống đường cống lâu dài… có như vậy, hình thức xử lý tập trung mới thực sự phát huy. Hiện nay, hình thức xử lý tập trung ở Việt Nam phù hợp nhất đối với các thành phố mới như Bình Dương, Vũng Tàu. . .

     Được biết, Công ty Hactra hiện đang sản xuất toàn bộ các hệ thống XLNT JKS bằng công nghệ MBBR cho tất cả các quy mô xử lý. Đây là quy trình xử lý có hiệu quả cao cho nhiều loại nước thải, với tỷ lệ nội địa hóa do Hactra sản xuất đạt trên 60%, vậy Công ty đã nhận ưu đãi gì trong quá trình sản xuất , kinh doanh?

     Ông Đỗ Tất Việt: Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất hệ thống XLNT JKS chúng tôi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT trong việc xem xét và đưa ra các kết luận ủng hộ cho các báo cáo đề xuất ứng dụng thiết bị XLNT tại nguồn JKS của Hactra tại Việt Nam. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hải Dương đã cho phép Hactra đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị XLNT tại nguồn JKS tại Hải Dương, hiện dự án đã đi vào hoạt động và từng bước phát triển quy mô hoạt động, thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Tôi nghĩ, đây là sự ưu ái của cơ quan quản lý nhà nước đối với Công ty trong quá trình tham gia công tác BVMT.

      Để công nghệ Johkasou tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, Công ty đã có những kế hoạch gì nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới?

     Ông Đỗ Tất Việt: Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để thiết kế và sản xuất JKS - xP với nhiều quy mô khác nhau (xử lý từ 1m3 đến vài nghìn m3/ngày, đêm) với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng nhằm giảm giá thành sản phẩm phục vụ nhiều hơn cho các dự án và khách hàng trong nước.

      Bên cạnh đó, Hactra tăng cường các hợp tác quốc tế với các doanh nghiệp môi trường của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức nhằm nâng cao chất lượng xử lý; đồng thời, thu nhỏ gọn hơn cấu tạo vỏ JKS - xP giúp cho việc hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, Công ty còn nghiên cứu ứng dụng một số vật tư quan trọng giúp nâng chất lượng xử lý, tăng tuổi thọ sản phẩm và hạ giá thành của JKS, như giá thể vi sinh biof của trường Đại Postech Hàn Quốc, giá thể MBBR BioActiv-Pat của Đức, bơm khí của Techno Takatsuki Nhật Bản...

 

Dự án Sacom Tuyền Lâm (Đà Lạt) lựa chọn hệ thống XLNT theo công nghệ Johkasou

Nhật Bản do Hactra.,Jsc chế tạo

 

     Ngoài ra, Hactra xây dựng nguồn nhân lực thực hiện vận hành, bảo dưỡng, bảo trì lâu dài các JKS - xP tại các dự án, đảm bảo cho các thiết bị xử lý ổn định trong suốt quá trình hoạt động (trước đây công việc này chuyển giao cho các nhà đầu tư).

     Chúng tôi tin rằng, JKS - xP sẽ sớm được xã hội chấp nhận và ứng dụng rộng rãi, góp phần vào việc “Tái tạo mạch nguồn cuộc sống” BVMT sống của chúng ta trong lành hơn.

      Cảm ơn ông!

 

            Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014

Ý kiến của bạn