Banner trang chủ

Chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho nông dân Việt Nam

07/04/2015

     Ngày 2/4/2015, Công ty Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto, Hoa Kỳ) chính thức khởi động chương trình Chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ tại xã Lăng Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai với sự góp mặt của hàng trăm đại diện ngành nông nghiệp và nông dân khu vực Đông Nam bộ. Chương trình nằm trong chuỗi hàng trăm hoạt động chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ không nhằm mục đích thương mại do tập đoàn Monsanto đầu tư nhằm giúp hàng vạn nông dân Việt Nam được trực tiếp trải nghiệm và đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ trong điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác đặc thù tại Việt Nam.

     Công nghệ cho ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ - một trong những giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam

     Nhập khẩu ngô vào Việt Nam không ngừng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Năm 2014 Việt Nam nhập 4,79 triệu tấn ngô hạt, trị giá 1,22 tỷ đô la Mỹ, tăng 119,05% về lượng so với cùng kỳ 2013. Ba tháng đầu năm 2015, nhập khẩu ngô đạt 1,78 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2014. Làm thế nào để tăng sản lượng cũng như chất lượng ngô thương phẩm để giảm nhập khẩu và đưa lợi ích này về cho chính nông dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong năm 2014, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề này thông qua ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giúp nông dân Việt Nam được tiếp cận với công nghệ cho ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ - giải pháp nông nghiệp được lựa chọn bởi hơn 18 triệu nông dân trên toàn thế giới và đã chứng minh hiệu quả trong việc góp phần giúp nông dân sản xuất nhiều hơn, bảo tồn tốt hơn và cải thiện cuộc sống.

 

Ông Nguyễn Lâm, Đồng Nai gần 40 năm gắn bó với cây ngô

 

     Tại chuyến thăm quan giám sát các điểm khảo nghiệm đánh giá tính tương đồng và gặp gỡ các nông dân, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Được tận mắt chứng kiến và nghe nông dân chia sẻ về sự tiện lợi thu được nhờ công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cho ngô trong quản lý mùa vụ, giảm chi phí canh tác và giảm thiệt hại năng suất do sâu hại, đồng thời nhìn thấy cây ngô sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, tôi thực sự vui mừng. Như vậy, có thể kỳ vọng công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cho ngô khi ứng dụng vào thực tế sản xuất trồng trọt tại Việt Nam không những sẽ đem lại lợi ích cho nông dân mà còn có thể kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng ngô trong nước, hạn chế tình trạng nhập khẩu ngô tăng mạnh trong thời gian qua, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân nhờ hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu và trừ cỏ.”

     Chuyển giao kỹ thuật là yếu tố then chốt quyết định thành công của công nghệ

     Bất kỳ công nghệ nào, trong bất kỳ ngành nào cũng cần phải được chuyển giao kiến thức và kỹ thuật một cách bài bản trước khi đem ra sử dụng rộng rãi thì mới phát huy được hiệu quả của công nghệ. Công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cho ngô cũng không nằm ngoài quy luật đó.

     Để công nghệ này phát huy được đúng tác dụng và tối ưu hóa hiệu quả thì yếu tố quan trọng nhất là phải làm sao để những người trực tiếp sử dụng công nghệ này trong tương lai – những người nông dân canh tác ngô tại Việt Nam - có thể nắm bắt và sử dụng được công nghệ một cách hiệu quả. Ví dụ như trước khi trồng giống ngô kháng sâu thì nông dân cần phải hiểu rõ công nghệ đó giúp kháng những loại sâu nào, mùa vụ nào là mùa có áp lực sâu hại cao để đưa ra quyết định. Khi đã trồng giống kháng sâu rồi thì không được phun thuốc trừ sâu nữa, vừa lãng phí, vừa không hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Mạnh Chiến - Tổng Giám đốc Công ty Dekalb Việt Nam cho biết: “Monsanto luôn đặt lợi ích nông dân làm trọng tâm nên Monsanto hy vọng những nỗ lực của chúng tôi sẽ góp phần giúp nông dân canh tác ngô tại Việt Nam cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống.”

     Những nông dân đầu tiên ứng dụng công nghệ kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cho ngô

     Giữa cánh đồng ngô trải dài trên diện tích hơn 20.000 m2, ông Nguyễn Lâm, lão nông với gần 40 năm gắn bó với cây ngô tại Đồng Nai đồng thời là một trong những nông dân đầu tiên trực tiếp trồng ngô có khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi trồng ngô từ năm 1977, vùng Lăng Minh này anh chị hỏi ông Lâm làm ngô là ai cũng biết. Mỗi năm tôi trồng hai vụ lúa, một vụ bắp. Mấy chục năm qua năm nào tôi cũng trồng ngô, tôi mướn thêm đất để trồng, trồng nhiều giống của nhiều Công ty. Năm nay, tôi hợp tác với Công ty Dekalb (Monsanto) làm thử giống ngô kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Công ty cung cấp giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho tôi trồng. Về sâu, với giống không chống sâu thì mỗi vụ tôi phải phun thuốc và thuê công xịt từ hai đến ba lần, mỗi lần hết cả triệu đồng. Về cỏ, với giống chưa có công nghê này mỗi vụ tôi phải xịt hai đến ba lần thuốc cỏ. Giờ trồng ngô có khả năng vừa kháng sâu vừa chịu thuốc trừ cỏ từ đầu đến giờ tôi xịt cỏ có một lần, sâu thì không phải làm.”

 

Các phụ phẩm từ cây ngô được thu mua, tái chế nhằm BVMT

 

     “Người nông dân chúng tôi thấy đạt hiệu quả là mừng chứ còn cần gì nữa đâu. Người ta ngại vì người ta chưa làm. Như tôi vụ sau mà được mua thì tôi mua giống ngô có khả năng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ tôi trồng.” Ông Nguyễn Lâm, nông dân Lăng Minh, Đồng Nai nói.

 

P.Tuyên

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn