Banner trang chủ

Cần tạo sân chơi bình đẳng trong đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường

23/01/2014

     Theo dự báo của Sở TN&MT Hà Nội đến năm 2020, tổng số rác thải sinh hoạt cần được xử lý trên địa bàn thành phố (TP) hơn 7,3 nghìn tấn/ngày đêm, tương đương khoảng gần 2,7 triệu tấn/năm, việc cần có quy hoạch chiến lược xử lý rác thải, ngăn chặn phát thải ô nhiễm môi trường là rất cần thiết. Trong khi đó, chôn lấp chỉ là giải pháp trước mắt, không thể kéo dài mãi, mà cần huy động nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa trong việc xử lý, tái chế rác thải. Là đơn vị tiên phong trong đầu tư công nghệ mới nhằm BVMT, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và BVMT Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí Môi trường về một số ứng dụng mới nhằm giải quyết vấn nạn rác thải hiện nay.

 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn

 

     Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường, xin ông cho biết đôi nét về các giải pháp BVMT mà Công ty đã triển khai trong thời gian qua?

     Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Công ty TNHH Khoa học Công nghệ và BVMT (STEPRO) được thành lập năm 2001, hoạt động trong các lĩnh vực: Thiết kế chế tạo và lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và rác thải công nghiệp; Xử lý nước thải, khí thải; Cung cấp các công nghệ và thiết bị xử lý phế thải, thu hồi và tái sử dụng chất thải; Cung cấp các trạm quan trắc môi trường tự động, thiết bị môi trường, thiết bị tiết kiệm điện.

     Trong mỗi sản phẩm, công nghệ của Công ty đều có những giải pháp để đạt hiệu quả, chất lượng tốt, chi phí thấp, vận hành đơn giản, phù hợp với từng loại chất thải. Từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn coi trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học nên đã sản xuất ra những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường.

     Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài, phù hợp với các quy chuẩn/tiêu chuẩn của Việt Nam.

     Vừa qua, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ lò đốt rác sinh hoạt không dùng điện, không dùng dầu phù hợp với quy mô làng xã giải quyết vấn nạn rác thải hiện nay. Vậy ông có thể cho biết kết quả khi ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn?

     Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn của nước ta. Nguyên nhân là do mật số dân số tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi đó ý thức BVMT của cộng đồng chưa cao nên một số nơi rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Ở TP, chỉ thu gom được khoảng 80% rác thải. Còn ở nông thôn, các đội thu gom rác mới bắt đầu triển khai từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vấn đề xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Ở TP đã xây dựng các bãi rác chôn lấp nhưng chỉ có 15% đạt tiêu chuẩn, còn ở thị trấn, thị tứ và nông thôn thì chủ yếu đổ ra ngoài môi trường.

     Để góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Công ty đã nghiên cứu, chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt. Lò đốt không dùng điện, dầu, đốt trực tiếp rác tươi, chi phí vận hành thấp (chỉ có chi phí cho công nhân đưa rác vào lò), phù hợp với điều kiện nông thôn và góp phần xã hội hóa cho hoạt động xử lý rác thải. Hiện nay, kinh phí Nhà nước chi duyệt cho xử lý rác thải sinh hoạt ở các TP khoảng từ 250.000 - 300.000 đồng/tấn, số kinh phí này không đủ để vận hành các lò đốt sử dụng điện, dầu.

 

Lò đốt rác thải sinh hoạt do Công ty STEPRO thiết kế, chế tạo

được lắp đặt tại huyện Tiền Hải, Thái Bình

 

     Sau khi đưa lò đốt vào hoạt động đã giải quyết được tình trạng dồn ứ rác thải trên địa bàn. Nhiều địa phương đã đến tham quan mô hình này để học tập.

      Theo ông, Việt Nam cần làm gì khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào công tác BVMT?

     Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào lĩnh vực môi trường, trước hết phải có thị trường công nghệ. Tâm lý sử dụng hàng nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ còn phổ biến ở nước ta, mặc dù giá thành nhập khẩu về đắt gấp 4 - 5 lần, thậm chí đến 10 lần so với sản phẩm cùng loại trong nước. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa công tác BVMT; bỏ chính sách trợ giá thông qua đầu tư công, để có sân chơi bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

     Nhân dịp năm mới 2014, ông có ý tưởng gì nhằm giúp cho công tác BVMT tại Việt Nam?

     Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi đưa ra một số quan điểm cá nhân để chúng ta cùng suy ngẫm. Có hai cách tiếp cận về công tác BVMT. Cách tiếp cận thứ nhất, tất cả các hoạt động của tổ chức/cá nhân phải xử lý chất thải đạt các quy chuẩn của nhà nước. Cách tiếp cận thứ hai, cải thiện môi trường. Cách tiếp cận thứ nhất hoàn toàn đúng cho những đơn vị doanh nghiệp cụ thể. Nhưng cách tiếp cận này sẽ rất khó thực hiện với cộng đồng. Có thể lấy nước sông Tô Lịch của Hà Nội làm thí dụ. Theo cách tiếp cận thứ nhất, Hà Nội phải tổ chức xử lý như thế nào để nước sông Tô Lịch phải đạt quy chuẩn về nước mặt. Điều này là bất khả kháng, cho dù Hà Nội có đủ kinh phí cũng không thể nào xây dựng được trạm xử lý nước thải tập trung khổng lồ trong tình trạng quy hoạch đô thị đã có. Cách tiếp cận thứ hai thì tìm mọi cách để giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu ô nhiễm từ các hộ gia đình bằng cách áp dụng các thiết bị xử lý đơn giản tại chỗ, cho đến việc khơi thông dòng chảy, xây dựng bờ kè hạn chế vứt rác xuống sông… cho dù các biện pháp riêng rẽ này chỉ giảm thiểu 60%, 50% thậm chí thấp hơn cũng tốt. Nếu chúng ta cứ khẳng định biện pháp nào cũng phải đạt quy chuẩn môi trường thì nước sông Tô Lích vẫn cứ chảy qua cầu mà ô nhiễm thì vẫn hoàn ô nhiễm (còn trên cầu thì “em vẫn đợi anh”). Điều này tương tự như thùng xử lý chất thải sinh hoạt trên tàu hỏa và rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Thùng xử lý chất thải sinh hoạt treo trên tàu hỏa bị hạn chế về kích thước nhưng cứ yêu cầu xử lý đạt quy chuẩn thì Tổng cục Đường sắt có tìm kiếm và thử nghiệm thêm 15 năm nữa cũng chưa chắc đã có kết quả. Đối với xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn cũng vậy. Có ý kiến yêu cầu lò đốt xử lý chất thải sinh hoạt phải đạt các yêu cầu kỹ thuật của lò đốt rác thải công nghiệp QCVN30:2012, trong đó đáng chú ý là nhiệt độ phải đạt 10500C -12000C. Việc đầu tư để có những lò đốt rác như thế không phải khó đối với các địa phương. Nhưng đến khi vận hành thì không đủ kinh phí vì phải dùng đến điện, đến dầu mà kinh phí cho xử lý rác của các địa phương rất eo hẹp. Kết quả lò sẽ bị bỏ không và rác lại nằm ngổn ngang trên đường.

     BVMT là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, phải làm thường xuyên, phải huy động mọi lực lượng trong xã hội tham gia, đặc biệt là nâng cao nhận thức. Chỉ khi các doanh nghiệp và cộng đồng nhận thức BVMT là bảo vệ cho chính mình thì công tác BVMT mới thành công. Các chính sách, quy chuẩn của các cơ quan quản lý đưa ra cũng phải thực tế phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta. Tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể mà cân nhắc giữa “xử lý ô nhiễm” và “giảm thiểu ô nhiễm” để có những bước đi và lộ trình thích hợp mới có thể đạt được mục tiêu “Xanh, Sạch, Đẹp”.

     Cảm ơn ông!

 

            P. Đình (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014

Ý kiến của bạn